Nghệ An: Hàng loạt công trình mới góp phần thúc đẩy kinh tế

(PLO) - Mừng vui đón Tết Độc lập lần thứ 71, người dân Nghệ An đón chào nhiều dự án quan trọng được khánh thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan nhà máy chế biến gỗ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan nhà máy chế biến gỗ

Cây cầu ước mơ đã thành sự thật

Tại xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, trước sự chứng kiến của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các ban, ngành, Nghệ An đã tổ chức thông xe cầu đường bộ Yên Xuân, nối liền ước mơ của người dân đôi bờ sông Lam. 

Khởi công vào ngày 2/10/2015, sau 11 tháng triển khai xây dựng với sự nỗ lực thi công của Tổng Cty Cienco 4 và Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Dự án cầu Yên Xuân hoàn thành vượt tiến độ 8 tháng. Cầu bắc qua sông Lam cách cầu đường sắt Yên Xuân hiện tại khoảng 2,5km về phía thượng lưu. Với chiều dài toàn tuyến khoảng 3,6km, trong đó chiều dài cầu là 1,9km và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 1,4km với tổng mức đầu tư 730 tỷ đồng. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; tải trọng thiết kế HL93; bề rộng cầu 9m.

Từ nhiều đời nay, người dân 9 xã của huyện Nam Đàn muốn về trung tâm huyện và tỉnh bằng xe ô tô đều phải đi vòng qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Không chỉ nối liền hai vùng kinh tế, kết nối người dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, hòa nhập văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, cây cầu còn có ý nghĩa xóa bỏ vị trí “ốc đảo” của 9 xã huyện Nam Đàn (Nghệ An) và 5 xã huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng và giải quyết vấn đề an toàn giao thông khu vực cầu đường sắt Yên Xuân. “Cầu đưa vào sử dụng, bà con ở đây thật không có gì vui hơn”, ông Nguyễn Văn Nam, một người dân xã Nam Cường xúc động nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh, việc hoàn thành và thông xe kỹ thuật Cầu đường bộ Yên Xuân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khi đưa cầu vào sử dụng, cùng với đường Tỉnh lộ 558 kết nối với tuyến đường tránh thành phố Vinh của quốc lộ 1A, sẽ trở thành mạng lưới đường bộ khu vực hoàn chỉnh, mở ra tuyến đường thông thương giữa các huyện của 2 tỉnh trong khu kinh tế Nam Nghệ - Bắc Hà. Rút ngắn khoảng cách từ các huyện Hương Sơn, Đức Thọ và cửa khẩu Cầu Treo của tỉnh Hà Tĩnh với TP.Vinh (Nghệ An); cũng như thuận lợi trong công tác ứng cứu kịp thời khi khu vực bị ngập lũ trong mùa mưa bão; giảm tải cho cầu Bến Thủy….

Nhà máy chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam 

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng Tập đoàn TH khánh thành Nhà máy Chế biến Gỗ Nghệ An tại huyện Nghĩa Đàn. Với việc đưa nhà máy chế biến gỗ ván sợi sử dụng công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại và có quy mô lớn của Việt Nam vào hoạt động, chủ đầu tư dự án - Tập đoàn TH và nhà tư vấn đầu tư - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền Tây Nghệ An nói riêng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Tây Bắc nói chung. 

Dự án Nhà máy Chế biến gỗ thuộc Cty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 2/2013. Dưới sự tư vấn đầu tư của BAC A BANK - ngân hàng tiên phong tư vấn đầu tư vào các dự án phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đây là một phần trong toàn bộ dự án xây dựng “Nhà máy Chế biến gỗ và Phát triển rừng bền vững tại Nghệ An” với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD. 

Giai đoạn 1 của dự án có mức đầu tư 100 triệu USD, xây dựng 2 dây chuyền: chế biến gỗ thanh với công suất 12.000m3/năm và chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000m3/năm. Giai đoạn 2 của sự án có tổng mức đầu tư 200 triệu đô la, nâng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000m3/năm và nhà máy ván sợi MDF lên 400.000m3/năm. Nhà máy dự tính có lợi nhuận trước thuế khoảng 7-8 triệu USD và nộp thuế mỗi năm khoảng 2 triệu USD. 

Nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ nhất của Châu Âu, hoàn toàn “xanh” và thân thiện với môi trường khi áp dụng mô hình thiết kế liên hoàn 2 nhà máy nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu đầu vào.  

Cty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã kí hợp đồng với các địa phương, các đối tác cung cấp trên vùng quy hoạch nguyên liệu để thực hiện đồng bộ công tác trồng, bảo vệ và khai thác bền vững rừng. 

Về phát triển rừng, Dự án đã và đang liên doanh liên kết với các nông lâm trường, các hợp tác xã và các hộ cá thể trồng rừng trong địa bàn quy hoạch, chính sách khuyến khích và hỗ trợ trồng rừng do Công ty ban hành vừa qua đã được các đơn vị nói trên và bà con trong vùng nguyên liệu đồng tình, phấn khởi đón nhận. Dự án đưa vào sử dụng cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương… 

Trước đó, Phó Thủ tướng cũng tham dự lễ khánh thành Nhà máy May Vinatex Hoàng Mai của Cty CP May Vinatex Hoàng Mai (tại xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai). Dự án xây dựng trên hơn 32.000m2, với 24 dây chuyền may, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 900 lao động. Nhà máy dự kiến sản xuất gần 11 triệu sản phẩm may dệt kim (giai đoạn 1) được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. 

Cũng trong buổi sáng 3/9, tại dịa phương diễn ra lễ cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng tuyến  quốc lộ 1A-Nghĩa Đàn-thị xã Thái Hòa dài 29 km. Dự án được xây dựng với 2 làn xe, tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng. Đây là một trong những tuyến đường trọng điểm kết nối giữa TX Hoàng Mai với huyện Quỳnh Lưu, huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa và các huyện Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nguyên vật liệu, sản phẩm; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và khu vực Tây Bắc của tỉnh Nghệ An.  

Đọc thêm