Nghề “bạc tỉ” nhưng cơ quan thuế khó kiểm soát

(PLO) - Con số thu nhập từ sự nổi tiếng của các nghệ sĩ, KOL là rất lớn, tuy nhiên, vì nhiều nguồn thu và sự khó quản lý từ mạng xã hội, nên việc cơ quan quản lý về thuế có thể thống kê và thu thuế đúng là không dễ dàng chút nào. 
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Khó có thể thống kê được thu nhập của KOL thu được từ các kênh mạng xã hội. Ngoại trừ các post quảng cáo trên facebook, KOL còn có những nguồn thu từ các kênh mạng khác: Video trên Youtube, Instagram... Với kênh Youtube, KOL được Youtube trả tiền trực tiếp cho mỗi một clip có lượt xem đạt yêu cầu.

Tại Việt Nam, mỗi 1000 lượt hiển thị trên youtube, KOL được trả 0,3USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, với độ “hot” của Youtube và khả năng “cày view” của fan hâm mộ, thì lượng xem các clip của nghệ sĩ trên 10.000 view, thậm chí trên 100.000 view là không quá hiếm. Nhân lên cũng có thể ước tính được nhiều KOL như Sơn Tùng, Huỳnh Lập, Chipu hay Hương Tràm có thể thu về hàng tỉ đồng từ clip youtube là thường. Đó là chưa kể đến các nguồn thu từ quảng cáo khi các KOL là Vblogger lồng ghép quảng cáo nhãn hàng vào video của mình. 

Thực tế, nhiều clip nổi tiếng trên Youtube như Chạy ngay đi, Bống Bống bang bang, Em gái mưa..., các chủ nhân của nó đã thu về số tiền từ 900 triệu cho đến hơn 1 tỉ đồng. 

Với Instagram, tuy mức độ tương tác không cao như facebook, nhưng các KOL “triệu follow” trên Instagram vẫn sở hữu một mức giá “khủng” cho mỗi một post hay hình ảnh quảng cáo. Một KOL có lượng fan hâm mộ tầm 1 triệu người trên Instagram có thể có mức giá trung bình cho một bài quảng cáo là 40 triệu đồng.

Về phía Facebook, với nhiều tính năng mà facebook tạo cho người dùng, các KOL có thể đặt ra các mức giá khác nhau cho các cách thức quảng cáo khác nhau: Thấp nhất là giá “chia sẻ” cho các bài quảng cáo. Kế đến là giá post bài cảm nhận. Đắt nhất là giá để KOL đến tham dự, live stream (phát trực tiếp) trên facebook. Có KOL hạng A nhận gần 200 triệu cho một lần đến dự khai trương doanh nghiệp và live stream sự kiện. 

Có thể lướt sơ các trang cá nhân của các KOL đang nổi hiện nay để thấy, mật độ quảng cáo trên các trang này là không nhỏ. Thậm chí, có KOL “hot” đến mức có đến hàng chục bài viết quảng cáo trong một tháng. Ước tính sơ bộ, một KOL hạng C, D với giá cho mỗi bài viết quảng cáo tầm 5 triệu trở xuống, thu nhập hàng tháng cũng đã vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Các KOL hạng A, B, con số này lên đến hàng tỉ đồng là thường.

Thu nhập “khủng” như thế, nhưng câu hỏi đặt ra là cơ quan thuế có thu được mức thuế đúng, thì thật khó trả lời. Đa phần, các thu nhập từ mạng xã hội nói trên đều dựa vào sự... tự giác của KOL. Mà sự tự giác này rất... cầm chừng. Phần còn lại, nếu là số tiền lớn và các doanh nghiệp bài bản mới yêu cầu hợp đồng đàng hoàng, đầy đủ. Còn lại nhiều doanh nghiệp thường chọn cách chi trả trực tiếp thông qua “hợp đồng miệng” và bằng chứng thực hiện là bài post trên trang mạng xã hội.

Nếu nói như thế, phải chăng KOL - “nghề bạc tỉ” đang là cái nghề quá lý tưởng khi thu nhập khủng, kiếm tiền tương đối dễ dàng nhưng ít phải chịu trách nhiệm, thậm chí cả nghĩa vụ nộp thuế đôi khi cũng có thể “luồn lách” được dễ dàng? 

Đọc thêm