Nghe 'cò' thành nô lệ trên các tàu cá

(PLO) - Mới đây, khi tiến hành điều tra, giải cứu 1 nạn nhân bị “cò” lao động đưa đi làm việc trên tàu cá, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang đã phát hiện thêm 11 nạn nhân khác. Tàu cá lênh đênh giữa biển khơi, không có người giám sát, vì vậy, nhiều lao động tàu cá trở thành các nô lệ, bị xích, trói và làm việc cực nhọc trên tàu. 
4 ngư dân bị chủ tàu xích trói được BĐBP và Cảnh sát Giao thông tỉnh Quảng Ngãi giải cứu
4 ngư dân bị chủ tàu xích trói được BĐBP và Cảnh sát Giao thông tỉnh Quảng Ngãi giải cứu

Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), BĐBP vừa gửi điện biểu dương thành tích của BĐBP tỉnh Kiên Giang giải cứu 12 nạn nhân bị lừa đi lao động trên tàu cá. Trước đó, ngày 24/7, BĐBP Kiên Giang nhận được Công văn của BĐBP Ninh Thuận thông báo về việc một số lao động nghề biển (thường trú tỉnh Ninh Thuận) bị đường dây môi giới sử dụng lao động bất hợp pháp đưa đi làm việc trên hai tàu cá của tỉnh Kiên Giang là KG 92674TS và KG 91843TS.

Kèm theo Công văn có đơn trình báo của bà Trần Thị Phương Dung (SN 1975, trú tại phường Phú Hà, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) trình báo việc con trai bà là Đỗ Công Anh Việt (SN 2000) bị ép buộc lao động trên tàu cá. Theo đó, Việt vào TP Hồ Chí Minh tìm việc làm từ ngày 1/6/2018. Ngày 21/7, bà Dung nhận được điện thoại kêu cứu của con.

Việt kể, thông qua trang “Việc làm Sài Gòn” trên mạng Facebook, Việt được một “cò” môi giới việc làm tàu cá tên “Chín” đưa xuống Cà Mau làm việc lựa cá trên tàu cá KG 92674TS với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Khi lên tàu cá làm việc, Việt bị thuyền trưởng đánh đập, ép buộc lao động trên biển, không cho lên bờ và không trả tiền lương vì chủ tàu đã đưa cho đối tượng tên “Chín” 12 triệu đồng.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của tội phạm mua bán người, ép buộc đi lao động trên biển, đồng thời cần phải nhanh chóng tiếp cận giải cứu nạn nhân và điều tra, làm rõ xử lý các đối tượng đúng quy định của pháp luật, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Phòng PCMT&TP khẩn trương sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp chủ trì phối hợp với các lực lượng của Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, Cục PCMT&TP; BĐBP tỉnh Cà Mau; BĐBP tỉnh Ninh Thuận và Công an các địa bàn điều tra, xác minh, giải cứu nạn nhân đang bị ép buộc lao động trên tàu cá KG 92674TS.

Sau 3 ngày liên tục khẩn trương, không quản ngày đêm, mưa gió, đến 19 giờ ngày 27/7/2018, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã giải cứu được Đỗ Công Anh Việt và giải cứu thêm 11 nạn nhân khác bị ép buộc đi lao động trên 2 tàu cá KG 92674TS và KG 91843TS. Hiện, vụ việc đang được tiếp tục mở rộng điều tra đối với các đối tượng trong đường dây môi giới, lừa gạt người lao động, làm rõ các dấu hiệu mua bán người để xử lý trước pháp luật.

Trước đó, vào lúc 12h30 ngày 19/3/2018 cùng ngày, qua nguồn tin báo của nhân dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, Đồn Biên phòng Bình Hải và lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tuần tra, truy đuổi 2 tàu cá QNg 93839TS và QNg 92450TS có hành vi không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Khi truy đuổi đến khu vực sông Kinh Giang (thuộc xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi), lực lượng tuần tra phát hiện 4 ngư dân gồm: Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Tấn Thanh, Nguyễn Quang và Đặng Quang Phước (đều trú ở xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) bị ông Dương Minh Tiến cùng một số người trên 2 tàu cá nói trên dùng dây thừng, xích sắt trói. Sau khi tiếp cận, khống chế được chủ tàu và một số thuyền viên, lực lượng tuần tra đã tiến hành giải cứu các ngư dân.

Theo kết quả điều tra, 4 ngư dân bị bắt giữ là thuyền viên đi trên 2 tàu cá do ông Tiến làm chủ, hành nghề lưới kéo trên vùng biển thuộc khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) từ ngày 13/3 đến thời điểm bị phát hiện. Ông Tiến đã ứng trước cho 4 người số tiền khoảng 28 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, các ngư dân không chịu được cường độ làm việc nặng nhọc nên ông Tiến phải đưa về lại Quảng Ngãi. Lo sợ các thuyền viên trốn nợ, ông Tiến cùng một số người đã bắt giữ để thu lại số tiền 4 ngư dân đã ứng trước đó.

Hai vụ việc trên là một bài học cho những người đang tìm việc làm. Người lao động cần phải tìm hiểu kỹ về công ty tuyển dụng, người tuyển dụng, khi vào làm việc phải yêu cầu ký hợp đồng lao động, cảnh giác với những thủ đoạn hứa hẹn trả lương cao trên những trang mạng không chính thống để tránh bị lừa gạt thành nạn nhân của đối tượng mua bán người.

Đọc thêm