Nghi án lập “công ty ma” lừa công nhân làm việc không công

(PLO) -Nghe quảng cáo chỉ cần đóng tiền cọc sẽ được nhận làm công nhân, nhân viên kiểm hàng, tổ trưởng công ty tăm bông với công việc vừa nhẹ nhàng lại có thu nhập cao, hàng chục nông dân các xã Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) nộp tiền cho một phụ nữ giới thiệu là quản lý công ty để xin việc.
Một nông dân bị lừa tiền để vào làm tại công ty tăm bông “ma”.
Một nông dân bị lừa tiền để vào làm tại công ty tăm bông “ma”.

Sau hai tháng làm việc, họ không hề nhận được đồng tiền lương nào, cũng không được hoàn trả tiền đặt cọc. Hàng chục người dân tự bỏ tiền tìm hiểu thì biết công ty họ làm việc không có thật, giám đốc cũng là giả.  

Cú lừa ngoạn mục

Gửi đơn đến PL&TĐ, 50 người dân ở xã Mai Lâm, Đông Hội (huyện Đông Anh) và Yên Viên (huyện Gia Lâm) cho rằng họ bị đối tượng Vương Thị Hợp (SN 1979, ngụ xã Uy Nổ, huyện Đông Anh) lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng dưới hình thức xin việc làm. Không những vậy, hàng chục nông dân còn phải làm việc cật lực không công hơn 2 tháng.

Bà Phạm Thị Chính (SN 1970, ngụ thôn Đồng Ngàn, xã Đông Hội) là một trong những người tố cáo trình bày: Cuối năm 2014 con gái bà nghe hàng xóm rỉ tai kể chuyện có công ty tăm bông về tuyển lao động tại địa phương với thu nhập cao, làm việc gần nhà. Thời điểm này con gái bà vừa lập gia đình, vợ chồng đều thất nghiệp nên thông tin trên như quý như vàng.

Bà Chính háo hức chạy đến nhà bà Nguyễn Thị Khoa (SN 1960, ngụ thôn Phúc Thọ, xã Mai Lâm) là nơi công ty tăm bông đặt cơ sở, gặp Hợp năn nỉ xin việc cho con gái và được đồng ý. Bà vội đi vay mượn họ hàng được 7,5 triệu đồng đem ra nộp cho Hợp để xin ba suất làm công nhân. Đóng tiền xong, ba mẹ con hăm hở gác lại mọi công việc đồng áng, phụ hồ để đi làm công nhân.  

Ba mẹ con làm việc gần hai tháng thì lần lượt nghỉ vì không thấy tiền lương. Trong khi gia đình vẫn phải cần tiền trang trải cuộc sống, họ quay lại công việc phụ hồ, làm ruộng: “Chúng tôi nhiều lần đến hỏi tiền công, đòi lại tiền cọc như thỏa thuận nhưng Hợp khất hết lần này đến lần khác”, bà Chính tố cáo.

Khi bà Chính tìm lên tận nhà Hợp, lại được hẹn tháng 5/2016 sẽ trả nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả tiền: “Tôi dại dột đã mất tiền lại suốt ngày bị chồng chửi bới vì số tiền đặt cọc là tiền vay mượn họ hàng. Ba mẹ con làm việc không công đã đành, lại còn ôm nợ”, bà Chính nói.

Danh sách những người tố cáo bị Hợp lừa tiền

Danh sách những người tố cáo bị Hợp lừa tiền

Trường hợp bà Nguyễn Thị Hải (SN 1970, ngụ thôn Phúc Thọ, xã Mai Lâm) càng uất ức hơn. Khi đến cơ sở xin việc nhưng không gặp, qua điện thoại, Hợp thông báo chiều cùng ngày sẽ khóa sổ nộp hồ sơ về công ty.

Thế là bà hớt hải chạy lên tận nhà Hợp ở xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh) nhưng vẫn không gặp, được hướng dẫn ra cổng UBND huyện. Tại quán nước ven đường, bà Hải nộp 2,5 triệu đồng xin làm công nhân và kí vào tờ hợp đồng do Hợp đưa.  

Mất luôn tiền đặt cọc

Ba mẹ con bà Chính, bà Hải… chỉ là vài trường hợp trong 50 người dân đã đóng tiền xin việc cho Hợp. Tất cả những người này còn có điểm chung là chưa được trả lại số tiền cọc đã nộp. Người ít nhất 2,5 triệu, người nhiều theo danh sách là bà Khoa (nơi được Hợp thuê làm cơ sở sản xuất tăm bông) hơn 50 triệu.

Từ đầu năm 2014, bà Khoa đi đến điểm tiếp nhận hồ sơ UBND huyện có việc, được Hợp lân la làm quen. Sau nhiều lần chuyện trò, Hợp giới thiệu đang làm việc tại công ty tăm bông, có thể xin việc cho nhiều người.  

Bẵng đi thời gian dài, Hợp tự tìm đến nhà bà Khoa, tự giới thiệu là quản lý công ty và chủ động quảng cáo, tuyển dụng lao động. Hợp đề nghị thuê nhà bà Khoa làm cơ sở sản xuất tăm bông. Từ ngày 12/12/2014 mọi người bắt đầu tập trung tại nhà bà Khoa ở thôn Phúc Thọ (xã Mai Lâm) làm việc.

Nói là sản xuất tăm bông nhưng hàng ngày “công nhân” chỉ tập trung phân loại tăm bông phế phẩm nhập về từng bao tải. Những tăm bông mới, sạch được tách riêng đóng vào hộp nhựa hoặc túi nilon nhỏ. Tăm bông xấu thì cắt bỏ hai đầu lấy phần nhựa bán phế liệu. Mỗi ngày công nhân làm việc từ 7h sáng đến 11h, chiều làm việc từ 13h đến 16h.

Do phần lớn người dân đều cả tin nên khi nghe Hợp giới thiệu công việc nhẹ, thu nhập cao, sau hai tháng học nghề được nhận hàng về nhà làm đồng thời công ty sẽ hoàn trả tiền đặt cọc, nên ai cũng háo hức làm việc siêng năng.

Theo lời Hợp “vẽ” ra, sau khi công nhân được đào tạo nghề sẽ chia làm ba tổ hoạt động ở Yên Viên, Sóc Sơn và tại nhà bà Khoa.  

Nhưng tất cả viễn cảnh nữ “quản lý” vẽ ra vẫn chỉ gói trong từ “sẽ”. Sau hơn hai tháng hoạt động, hàng loạt công nhân lần lượt thôi việc, đòi lại tiền cọc. Sự việc vỡ lở, dẫn đến kiện cáo như đã nói ở trên.

Người dân phản ảnh tiếp, khi mọi người thắc mắc tại sao đóng tiền nhưng lại không có biên lai hay hợp đồng lao động, Hợp giải thích rằng phải mang hợp đồng về cho giám đốc kí rồi sẽ trả lại sau.

Một số người được Hợp đưa hợp đồng nhưng theo quan sát của PV, đây là những bản hợp đồng không có số hiệu, ngày tháng, nhiều nội dung để trống, không hề có con dấu, chữ kí của lãnh đạo đơn vị sử dụng lao động.

Tự điều tra chân tướng 

Cật lực làm việc khoảng 2 tháng, mọi người không thấy hàng về nữa. Đồng thời cũng không thấy trả lương, hoàn trả tiền đặt cọc sau 2 tháng như lời Hợp hứa hẹn ban đầu. Khi mọi người gây áp lưc, Hợp nại lí do giám đốc đi công tác nước ngoài chưa về.

Vài ngày sau Hợp viện tiếp lí do chuyện vợ và con giám đốc bị tai nạn giao thông chết. Vì mong muốn sớm được nhận lại tiền, hàng chục người dân tại xưởng tăm bông còn quyên góp hơn 4 triệu đưa cho Hợp đại diện đi phúng viếng đám tang.

Giáp Tết Nguyên Đán 2015, Hợp thông báo công ty thưởng 100 ngàn đồng/người nhưng sau đó lại thay đổi là công ty thưởng 1,5 triệu đồng để mọi người ăn liên hoan.

Buổi liên hoan có khoảng 30 người tham gia, tại đây Hợp tiếp tục hứa hẹn chỉ vài ngày nữa công ty sẽ trả lương và tiền đặt cọc. Hàng chục người dân lại ngóng cổ chờ đợi, rồi bặt vô âm tín. Khi mọi người gọi điện giục, Hợp hẹn tháng 2, rồi tháng 5/2015 sẽ trả tiền.

Các nạn nhân bắt đầu nghi ngờ, cắt cử nhau đi tìm hiểu lai lịch đối tượng. Được đề nghị đưa về tận công ty gặp mặt lãnh đạo, Hợp nói vòng vo trụ sở chính đặt tận Hải Phòng, rồi Sài Đồng (quận Long Biên).

Một nhóm người lập tức đến KCN Sài Đồng tìm hiểu, phát hiện ở đây có công ty tăm bông trùng tên như Hợp nói, tuy nhiên công ty trả lời không có việc thu tiền đặt cọc, cho nhận hàng về nhà làm. Đến lúc này ai nấy mới tin chắc Hợp lừa mình.

Không thể chống chế nữa, Hợp mới thú nhận với mọi người: “Thực ra em cũng bị người ta lừa”. Sau gần 2 năm rưỡi không hề nhận được tiền trả lại từ Hợp, 50 người dân đóng tiền đồng loạt kí đơn tố cáo bị Hợp chiếm đoạt 278,7 triệu.

Về phần những thùng hàng tăm bông mà người dân giữ lại tại kho nhà bà Khoa, sau nhiều tháng ròng chờ đợi, tăm bông ẩm ướt bốc mùi, phải đem vứt thùng rác, số còn lại Hợp cho xe đến chở đi vào ngày 26/4/2016.

Diễn biến mới nhất, đại diện những người đóng tiền cho Hợp cho biết sáng 16/6/2016 đã mang đơn tố cáo ra trụ sở CA huyện Đông Anh nộp. 

Lừa cả người tật nguyền

Cám cảnh nhất trong số những nạn nhân của Hợp là anh Đỗ Trung Kiên (SN 1970, ngụ đường Phan Đăng Lưu, Yên Viên, TP Hà Nội). Người đàn ông tật nguyền này nghe Hợp nói rằng công ty sẽ làm thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đối tượng tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hỗ trợ 280 ngàn đồng/tháng nên đã đóng 5 triệu đồng để làm nhân viên kiểm hàng. Ngoài ra anh trai và em gái anh Kiên còn đóng 2,5 triệu đồng/người để xin làm công nhân.

Đọc thêm