Nghĩ cách phát triển dịch vụ logistics

(PLO) - Khoảng 1.300 DN Việt Nam làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ, với chỉ 25% thị phần, bao gồm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trên lãnh thổ Việt Nam do chúng ta đang bị hạn chế về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài.
Các DN Việt Nam mới chỉ cung cấp các dịch vụ logistics nội địa như vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển...
Các DN Việt Nam mới chỉ cung cấp các dịch vụ logistics nội địa như vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển...

Sắp có hội nghị toàn quốc về logistics

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho hay, dự kiến vào cuối tháng 3/2018, sẽ có một hội nghị toàn quốc về logistics được tổ chức. Hội nghị  này nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN từ đó đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các DN sản xuất kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics đồng thời bàn các giải pháp giảm chi phí dịch vụ này, từ đó kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực GTVT.

“Hiện đang có 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh logistics tại Việt Nam dưới nhiều hình thức với 75% thị phần, bao gồm chủ yếu là các dịch vụ quốc tế. Trong khi hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước thì chỉ có 25% thị phần lĩnh vực này”.

Cũng theo đại diện Vụ trên, chương trình hội nghị sẽ có báo cáo tổng quát về logistic trong lĩnh vực GTVT của Bộ GTVT. Ngoài ra, sẽ có có tham luận của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội tập trung vào thực trạng hoạt động logistic tại Việt Nam, các giải pháp giảm chi phí logistics và góp phần kết nối các loại hình vận tải.

Tại cuộc họp, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, báo cáo chung của Bộ GTVT trình bày tại hội nghị cần đánh giá được bức tranh tổng thể về hoạt động logistics tại Việt Nam, phân tích tại sao chi phí vận tải cao và đánh giá về kết cấu hạ tầng giao thông, vấn đề kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện có. Theo đó, hội nghị sắp tới là diễn đàn logistics Việt Nam trong GTVT, các tham luận được trình bày là của các nhà hoạt động logistics, mang tính thực tiễn cao.

Cũng tại cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị quan trọng sắp tới, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam, Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa đã có ý kiến phân tích thực trạng hoạt động logistics trong lĩnh vực hoạt động của mình, để đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm tăng tính kết nối giữa các phương thức vận tải, tạo thuận lợi cho khách hàng từ đó giảm được chi phí vận tải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là hội nghị quốc gia do Thủ tướng chủ trì nên các cơ quan, đơn vị cần khẩn trương trong công tác chuẩn bị hội nghị. Đồng thời, ông Thể cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tham luận, gửi về Vụ Vận tải để tổng hợp. Báo cáo tham luận cần được xây dựng chất lượng, rõ ràng, sâu sắc, đánh giá được thực trạng, đề xuất giải pháp cũng như có kiến nghị cụ thể đối với từng lĩnh vực.

Báo cáo chung của Bộ GTVT cần tập trung kết nối được 5 loại hình vận tải, đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của từng loại hình, những tồn tại trong vấn đề kết nối. Báo cáo trình bày tại hội nghị cần sát với thực tiễn cuộc sống, tìm ra giải pháp phát triển logistics, khai thác tốt hạ tầng GTVT, giảm chi phí vận tải… 

Hiện trạng Logistics Việt Nam ra sao?

Tính đến thời điểm này, chi phí logistics ở nước ta được đánh giá là ở mức cao, tương đương 20,8 % GDP (41,26 tỷ USD năm 2016), trong khi ở các nước phát triển chỉ từ 9-14% GDP. 

Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, ngành dịch vụ này của Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, năm 2014 dịch vụ này của Việt Nam xếp hạng 53 và năm 2016 xếp hạng 64/160 nước; đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 DN có quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra đang có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. 

Các DN Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, kiểm nghiệm, bốc dỡ hàng hóa...

Theo đánh giá, điểm yếu của các DN Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong khi thị trường cung cấp dịch vụ ở Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt. 

Theo nghiên cứu của Thạc sỹ Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Việt Nam đang bị hạn chế về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài vì thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới. Khoảng 1.300 DN Việt Nam làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ, chỉ chiếm 25% thị phần, hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ. Trong khi đó, cả nước có 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh logistics dưới nhiều hình thức và chiếm 75% thị phần, chủ yếu là các dịch vụ quốc tế. 

Đọc thêm