Nghị định 32/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6: Mở rộng cánh cửa cung cấp sản phẩm dịch vụ công

(PLVN) - Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công (SPDVC) sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6 tới được kỳ vọng sẽ mở toang cánh cửa cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp SPDVC ...
Toàn cảnh cuộc họp báo
Toàn cảnh cuộc họp báo

Tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu đều có cơ hội

Tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều 29/5, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (HCSN), Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP (Nghị định 32) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp SPDVC, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp SPDVC sử dụng NSNN.

Nghị định 32 được ban hành thay thế Nghị định 130/2013/NĐ-CP (Nghị định 130) của Chính phủ về sản xuất cung ứng SPDVC và Quyết định 39/2005/QĐ-TTg (Quyết định 39) của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN.

Thay vì các phương thức cung cấp SPDVC được quy định tại 2 văn bản này, Nghị định 32 quy định thống nhất 3 phương thức cung cấp SPDVC (giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu) trong một văn bản trên nguyên tắc kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp tại Nghị định 130 và Quyết định 39. “Điều này khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng chéo trong các quy định tại Nghị định 130 và Quyết định 39 như trùng lắp nguồn kinh phí chi thường xuyên cho cùng một nội dung; một danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN nhưng lại có hai khái niệm khác nhau và tổ chức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng khác nhau... Đồng thời, việc ban hành Nghị định 32 nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành (Luật NSNN 2015, Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL các văn bản hiện hành khác liên quan đến đổi mới đơn vị SNCL, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công) với mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp SPDVC của Nhà nước...” - Vụ trưởng Vụ HCSN lưu ý.

Giải tích rõ hơn về cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp SPDVC, ông Trường dẫn khoản 8, 9, 10 Điều 3 của Nghị định 32 và cho biết, chỉ với trường hợp giao nhiệm vụ, đối tượng thực hiện là các đơn vị SNCL, còn  với hình thức đặt hàng và đấu thầu, tổ chức, cá nhân nào đáp ứng được yêu cầu, điều kiện đều có cơ hội tham gia...

Chưa hết băn khoăn...

Vấn đề được nhiều báo quan tâm là với 3 phương thức cung cấp SPDVC, tiêu chỉ nào thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu? Theo đại diện Cục HCSN, Nghị định 32 chỉ căn cứ và danh mục SPDVC để quy định các hình thức cung cấp SPDVC, còn các tiêu chí khác (hạn mức) thì theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.

Kèm theo Nghị định 32 là danh mục 78 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN theo ngành, lĩnh vực giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu (Biểu 01); 11 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu (Biểu 02). Đáng chú ý, với cùng 1 SPDVC, ít nhất có thể thực hiện hình thức giao nhiệu vụ hoặc đặt hàng, có nhiều SPDVC có thể thực hiện cả 3 hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Vấn đề được đặt ra vẫn là với cùng 1 SPDVC, khi nào thì giao nhiệm vụ, khi nào thì đặt hàng, khi nào thì đấu thầu? Theo giải thích của đại diện Vụ HCSN, thẩm quyền ban hành chi tiết danh mục sự nghiệp công để sử dụng NSNN theo ngành, lĩnh vực của bộ, ngành các các địa phương thuộc phạm vi quản lý (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL và theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị định 16/2016/NĐ-CP).

Trả lời câu hỏi của PLVN liệu các bộ ngành, địa phương kịp ban hành danh mục chi tiết trước thời điểm Nghị định 32 có hiệu lực vào ngày 1/6 tới? Bà Phương Anh, Vụ HCSN cho biết, suốt từ năm 2015 đến năm 2017, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành địa phương ban hành chi tiết danh mục sự nghiệp công để sử dụng NSNN theo ngành, lĩnh vực của bộ, ngành các các địa phương thuộc phạm vi quản lý  (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP), đã có 13 Quyết định do Thủ tướng ban hành nhưng có những vấn đề khác nhau, có bộ ban hành danh mục thuộc bộ quản lý, có bộ chỉ ban hành danh mục lĩnh vực kinh tế của bộ đó… “Hiện các bộ đang rà soát, sửa đổi. Các bộ cũng quy định 3 hình thức cung cấp SPDVC, tùy thực tế triển khai thực hiện. Ví dụ đặt hàng không được thì giao nhiệm vụ, hoặc đấu thầu…”- bà Phương Anh cho hay.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 32 nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị SNCL, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...”- Vụ trưởng Vụ HCSN khẳng định.

Đọc thêm