Nghi vấn Công ty quảng cáo huy động vốn bất hợp pháp: Bộ Công An cần vào cuộc làm rõ

(PLO) - Báo PLVN đã có bài phản ánh việc nhiều hộ dân ở các làng chài ven biển huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) có nguy cơ mất tới hàng trăm tỷ đồng vì tham gia làm “nhân viên” bán thời gian cho một công ty quảng cáo có trụ sở tại TP.HCM, nhưng giờ đã “bặt vô âm tín”, đường dây nóng báo PLVN liên tục nhận cuộc gọi của người dân cung cấp thông tin mới về vụ việc. 
Chị D. phải cạo trọc đầu sau khi bị chồng đánh vì bị Cty DDB lừa
Chị D. phải cạo trọc đầu sau khi bị chồng đánh vì bị Cty DDB lừa

Cạo đầu vì… tin người 

Trở lại các làng chài ven biển ở huyện Hoài Nhơn, đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân ngồi tụ tập than phiền rồi tự trách mình “tham tiền” để giờ phải chịu cảnh trắng tay. Nhưng có lẽ đau lòng hơn cả là câu chuyện của chị Nguyễn Thị D. (ở xã Hoài Thanh) - người vì xót của khi mất đứt 500 triệu đồng, nhưng quá sợ gia đình nên báo tin giả với công an mình đã bị cướp. 

Sau khi điều tra, Công an huyện Hoài Nhơn phát hiện chị D. là thành viên tham gia đăng ký click chuột của Cty TNHH Tư vấn đầu tư DDB (viết tắt là Cty DDB) và cho người khác vay mượn để tham gia DDB. Từ đó, sự việc mới bị lộ và rất nhiều phụ nữ ở huyện Hoài Nhơn đã đến trình báo với cơ quan chức năng.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chị D. với khuôn mặt nhợt nhạt, ủ rũ, chiếc khăn quấn kín đầu và tay lúc nào cũng giữ chiếc khăn trên đầu như cố giấu một điều gì đó. 

Hỏi ra mới biết, cũng vì ham làm giàu tham gia đăng ký vào gói click chuột của Cty DDB, rồi khi biết mình bị lừa lại đi báo với công an là mình bị cướp nên chị D. đã phải chịu những trận đòn trong cơn tức giận của người chồng quanh năm bạc đầu theo những con sóng. Quá uất ức việc mình bị lừa và để hứa với chồng rằng mình không bao giờ tái phạm, với mong muốn chồng khỏi đánh đập, chị D. đã tự cạo trọc đầu mình. 

Theo lời chị D., chị tham gia nhiều gói kích chuột của Cty DDB từ năm 2013 và mặc dù từ tháng 10/2015, Cty DDB không trả tiền vốn gốc hàng tháng nữa, chỉ trả tiền lương nhưng chị vẫn tin tưởng bà Lý Thị Thu (ngụ thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương, là người từng đứng ra làm đại lý cho Cty DDB tại xã Hoài Hương).

Vậy nên, sau những lời ngon ngọt hỏi mượn tiền với lý do đang gặp khó khăn trong làm ăn của bà Thu, ngày 19/1/2017, chị D. cho bà Thu mượn 200 triệu đồng. Đến ngày 6/2/2017, chị tiếp tục cho bà Thu mượn 100 triệu đồng. 

“Những ngày sau đó, tôi thấy bà Thu có gì đó bất thường nên đến đòi lại tiền thì bà bảo đang khó khăn chưa có tiền trả. Bà ấy còn nói với tôi là Cty DDB cũng đang gặp khó khăn nên cũng không có tiền trả cho người đăng ký tham gia kích chuột. Giữa lúc này, chồng tôi hỏi về số tiền 300 triệu đồng này cùng với 200 triệu tôi đăng ký tham gia kích chuột trước đó nên tôi rất sợ sự việc đổ bể ra thì hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ.

Lúc này, bà Thu bày tôi hoang báo là vừa bị cướp 500 triệu đồng để giấu chồng. Sau này, khi công ty làm ăn trở lại, bà sẽ trả sau. Tôi quýnh quá nên bà ấy bày sao thì tôi làm vậy. Nhưng cuối cùng thì sự thật vẫn là sự thật, lời nói dối của tôi đã bị công an phát hiện”, chị D. cho biết.

Theo chị D., mới đây chị đã nhờ luật sư giải quyết vụ việc bà Thu mượn của chị 300 triệu đồng. Dù vậy, đến giờ chị vẫn bức xúc trước việc làm của bà Thu, đồng thời cũng tự trách mình vì quá tin người. 

Trước nhà bà Thu vẫn treo bảng hiệu có gắn logo của Cty DDB
Trước nhà bà Thu vẫn treo bảng hiệu có gắn logo của Cty DDB 
“Bà Thu từng là đại lý cho Cty DDB, hướng dẫn chị em phụ nữ ở địa phương cách sử dụng máy tính, click chuột quảng cáo hoặc hướng dẫn cách nộp tiền. Trước khi mượn tiền tôi, bà Thu đã biết Cty DDB có vấn đề nên đã chuyển toàn bộ đất đai của mình cho người thân trong gia đình đứng tên. Tôi đã nhờ luật sư can thiệp giải quyết vụ việc. Hiện tại tôi còn đang giữ giấy nợ có chữ ký của bà Thu”, chị D. cho biết.

Hành tung bí ẩn của chủ đại lý

Đến thôn Thạnh Xuân Đông, nhiều người dân cho biết, người phụ nữ tên Lý Thị Thu đã bỏ trốn sau khi trang web Cty DDB bỗng dưng biến mất. Trở lại nhà bà Thu lần hai, ngôi nhà mở cửa sắt ở ngoài, cửa kính bên trong khóa im ỉm. Chỉ có 2 chú chó sủa inh ỏi khi thấy có khách. 

Hỏi người dân xung quanh nhà, người thì bảo bà Thu đi làm may ở xã Tam Quan Bắc (cách nhà khoảng 20km), người thì bảo không biết bà làm gì nhưng từ khi sự việc người dân mất tiền từ click chuột, cứ tờ mờ sáng là bà ra khỏi nhà, đến tối mịt, có khi đến khuya mới trở về nhà. Liên hệ nhiều lần với bà Thu qua số điện thoại được in trong bảng hiệu có hình logo của Cty DDB treo trước nhà, chuông vẫn rung nhưng không lần nào bà bắt máy trả lời.

Cách đây gần 1 tuần, khi hỏi chuyện về Cty DDB, bà Thu bảo, năm 2013, khi công ty mới về địa phương, bà có làm đại lý cho họ được mấy tháng thì Công an huyện Hoài Nhơn mời lên làm việc, bảo nếu làm đại lý phải có giấy phép kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế nên bà không làm nữa. Về việc này, người dân cho rằng bà Thu không trung thực, bởi từ trước tới giờ bà vẫn là đại lý.

“Thật vô lý, bảng hiệu logo của Cty DDB được bà Thu treo trước nhà, có số điện thoại bà ấy hẳn hoi, mà bảo không phải đại lý. Từ trước đến nay, bà Thu là người thu tiền khi người dân tham gia đăng ký làm nhân viên click chuột của Cty DDB.

Hiện chúng tôi vẫn còn giữ những mẫu đăng ký mua thiết bị click có chữ ký của bà Thu là người thu tiền. Tôi nghi ngờ bà ấy thông đồng với Cty DDB lừa chúng tôi. Người dân chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ sự việc”, một người dân ở thôn Thạnh Xuân Đông tỏ ra bức xúc.

Theo Thượng tá Trương Văn Phụng - Phó trưởng Công an huyện Hoài Nhơn, hiện tại đơn vị này đã tiếp nhận 2 đơn tố cáo của người dân đối với bà Lý Thị Thu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 360 triệu đồng. 

“Hình thức huy động vốn bất hợp pháp mang hơi hướng đa cấp biến tướng như thế này không phải là hiếm. Tuy nhiên, những sự việc tương tự vẫn diễn ra tại các vùng quê, nơi mà người dân ít được tiếp với các thông tin truyền thông. Nhìn thấy cái lợi dễ dàng trước mắt, người dân nơi đây mù quáng tin tưởng theo những lời hứa hẹn của những giới thiệu, thậm chí còn mạo hiểm vay nợ để đầu tư lớn”, Thượng tá Phụng cho biết.

Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều bài học đắt giá và đau lòng về kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn, miền núi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con cũng như đánh vào tâm lý ham làm giàu, bỏ ít thu lợi nhuận cao, các đối tượng đã lén lút tổ chức nhiều chương trình theo hình thức đa cấp, để lại hậu quả vô cùng lớn. 

Mẫu đăng ký mua thiết bị click của người dân có chữ ký người thu tiền là bà Thu
Mẫu đăng ký mua thiết bị click của người dân có chữ ký người thu tiền là bà Thu 

Để ngăn chặn tình trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng, đặc biệt là bộ máy chính quyền cấp cơ sở cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, phòng ngừa, để qua đó, khuyến cáo bà con nhân dân cần tỉnh táo trước những chiêu trò này. Sự việc hiện đang gây chấn động làng quê, có nguy cơ mất an ninh trật tự. Cũng theo tìm hiểu, tình trạng Cty DDB huy động vốn như trên còn xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Thiết nghĩ, Bộ Công an cần vào cuộc làm rõ dấu hiệu phạm pháp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong bản thỏa thuận nhân viên click bán thời gian với người dân huyện Hoài Nhơn, Cty DDB có địa chỉ tại 47 Bàu Cát 1 (phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM). Còn theo thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, Cty DDB được thành lập ngày 22/3/2013, do một người tên Phạm Thị Hiền làm đại diện pháp luật, cũng là chủ sở hữu công ty. 

Trước đây công ty đăng ký tại địa chỉ 47 Bàu Cát 1. Đến ngày 4/1/2016, công ty thay đổi địa chỉ từ địa chỉ trên về số 46 Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) và hiện nay vẫn đang đăng ký hoạt động tại đây. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến địa chỉ trên thì bảo vệ tòa nhà cho biết công ty đã chuyển khỏi nơi đây khoảng 1 năm về trước, không biết chuyển đi đâu.

Đọc thêm