“Ngược dòng” giữa dịch Covid-19: Bài 1 - Doanh nghiệp bền vững với hạt macca

(PLVN) - Covid-19 đã làm cho cả thế giới chao đảo. Kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động mạnh bởi “bão dịch”. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn nhất, không ít doanh nghiệp, doanh nhân đã biến nguy nan thành cơ hội, tìm được lối thoát cho chính mình và lan tỏa cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Giám đốc Nguyễn Thanh Huyền (bên phải) tại một hội chợ giới thiệu hàng nông sản.
Giám đốc Nguyễn Thanh Huyền (bên phải) tại một hội chợ giới thiệu hàng nông sản.

Nguyên liệu thiếu, phải tranh chấp sản phẩm đầu vào bằng giá cả khiến cho chiến lược xây dựng chuỗi macca bền vững của đôi vợ chồng từng là những du học sinh từ Úc trở về, gặp nhiều thách thức. Nhưng khi dịch Covid ập tới, chuyện làm ăn của họ bỗng dưng... thuận lợi.

Kinh doanh bền vững 

Chúng tôi gặp Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Hoàng Anh Macca (HAM) trong một buổi trưng bày những thành tựu về phát triển thương mại miền núi, hải đảo do Bộ Công Thương tổ chức. Để có thể lọt được vào danh sách trưng bày ở đây, HAM đã “xới tung” những địa bàn khó khăn của vùng đất Lâm Đồng như Lâm Hà, Di Linh… để cùng bà con nông dân nâng cao giá trị của cây macca.  

Chia sẻ về cơ duyên “bén” loại cây này, Huyền cho biết, vợ chồng cô đều đi du học ở Úc, và biết đến loại cây có giá trị này từ đất nước của những con chuột túi. Về Việt Nam, hai vợ chồng bắt tay ngay vào tìm hiểu và chọn vùng đất cao nguyên này làm điểm khởi nghiệp. Cuối năm 2016, HAM mới xây dựng nhà máy chế biến đầu tiên tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Với mong muốn xây dựng chuỗi macca bền vững, HAM đã ngay lập tức đặt các máy móc sơ chế ngay tại các điểm thu mua; Cùng một quy trình khép kín từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, sản phẩm của HAM đã đạt được những chỉ tiêu an toàn và dinh dưỡng, đáp ứng đủ yêu cầu xuất khẩu tới các thị trường khó tính nhất như EU, Mỹ, Nhật, Úc... 

Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp khác, HAM cũng gặp phải vấn đề thu mua nguyên liệu đầu vào khi bà con nông dân “gặp hời là bán”. Huyền cho biết, công ty của cô đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho bà con ở mức giá ổn định. Thậm chí, HAM mang theo máy xay xát đến tận vườn thu mua để bà con yên tâm. Nhưng những nỗ lực gây dựng uy tín để dần xây dựng chuỗi macca bền vững của HAM gặp phải khó khăn khi vướng đội thương lái, luôn “len lỏi” vào từng vườn để trả giá cao hơn khiến cho công ty vừa không mua được nguyên liệu đầu vào vừa làm giá cả thị trường macca không ổn định.

Cơ hội sắp xếp lại nguồn nguyên liệu

Nữ Giám đốc Nguyễn Thanh Huyền cho biết, công ty của cô từng có những lần “đứng như trời trồng” vì đã đánh xe tải xuống mua nguyên liệu theo lịch hẹn, nhưng bị bà con nông dân cho “leo cây” chỉ vì có thương lái khác trả giá cao hơn, chỉ 500 đồng/kg. Thậm chí, có lần dù đến đúng giờ hẹn để thu mua nhưng HAM vẫn bị “hớt tay trên” vì đội thu gom nhỏ lẻ đã đến sớm hơn 15 phút và tất nhiên, trả giá cao hơn. 

Vẫn kiên định với chiến lược kinh doanh bền vững, doanh nghiệp này vẫn gắn kết với bà con nông dân, với vùng nguyên liệu trên cao nguyên ngay cả khi dịch Covid xuất hiện, tình hình kinh tế khó khăn, khách du lịch không có, macca bán ngoài chợ ế ẩm... Có thể nói đây là thời điểm không chỉ khó khăn với doanh nghiệp mà với cả bà con nông dân, vì đội ngũ thương lái mua gom hàng trước đây của bà con giờ không còn thị trường tiêu thụ. Trong khi, ngoài vườn, quả macca vẫn chín, nếu không được thu mua, xử lý sẽ ra dầu, chất lượng sản phẩm sẽ biến đổi... 

Đúng lúc này, HAM đã xuất hiện, thương lượng với bà con, với cam kết sẵn sàng bao tiêu sản phẩm giá hợp lý để đôi bên cùng có lợi, chứ không ép giá bà con như thương lái. Thị trường đầu ra dù có một thời gian ế ẩm vì dịch bệnh Covid nhưng HAM vẫn kiên trì bám trụ đồng đất, vườn cây, hỗ trợ nông dân thu mua hết sản phẩm. 

Đại diện của HAM cho hay, gom hàng của bà con xong, lại phải lo tìm cách bảo quản sản phẩm ở các kho đông lạnh, có lúc lên tới vài chục tấn quả nhưng công ty vẫn tiếp tục đến từng vườn hái quả để giữ được chất lượng tốt nhất cho nông dân. Được biết, những tháng Covid xuất hiện là khoảng thời gian HAM thong thả thu mua và thực hiện công tác “dân vận” để bà con đồng thuận, cùng công ty xây dựng chuỗi macca bền vững.

Giám đốc Huyền cho biết thêm, mỗi lần đi thu mua, công ty đều cử thêm người xuống vườn phân tích cho bà con hiểu cái lợi khi làm ăn lâu bền và có chữ tín giữa đôi bên. Thậm chí, cô không ngần ngại chia sẻ, nếu HAM cũng làm như đội thu gom nhỏ lẻ, sẽ ép giá bà con trong mùa Covid. Nhưng HAM không làm như vậy, chấp nhận giảm lãi để giữ giá thu mua tốt nhất để bà con tin tưởng vào con đường xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị tốt nhất cho cây macca. “Lúc nào, chúng tôi cũng muốn chia sẻ, đồng hành cùng bà con nông dân!” - Huyền tâm sự. 

Thế nên, HAM đang tính đến chuyện hợp tác vùng trồng với bà con bằng cách kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng thêm 150.000 cây giống, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu nhằm đạt sản lượng đến 1.500 tấn/năm.

“Trong cái rủi (dịch bệnh - PV) lại có cái may” - Huyền chia sẻ và cho biết, cô không ngần ngại khẳng định, Covid chính là cơ hội cho HAM sắp xếp lại thị trường thu mua và yên tâm hơn khi có thể “cầm trịch” được nguồn nguyên liệu đầu vào, để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu dài hơi hơn. “Trước đây, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường trong nước nên chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện xuất khẩu, nhưng nhờ dịch Covid, chúng tôi đã có đủ lượng hàng để tính tới chuyện xuất khẩu, yên tâm cùng bà con xây dựng và phát triển chuỗi macca bền vững trong tương lai”- Giám đốc HAM khẳng định. 

(Còn tiếp)

Đọc thêm