Người chăn nuôi Sơn Lôi "đứng ngồi không yên" vì dịch Covid-19

(PLVN) - Một số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Sơn Lôi đang thấp thỏm, lo lâu khi lượng gia cầm đang tới ngày xuất bán mà không thể xuất ra ngoài thị trường.
Người chăn nuôi xã Sơn Lôi lo lắng về đầu ra của gà thương phẩm (Ảnh: anh Nguyễn Hồng Quang cung cấp)
Người chăn nuôi xã Sơn Lôi lo lắng về đầu ra của gà thương phẩm (Ảnh: anh Nguyễn Hồng Quang cung cấp)

Sơn Lôi bắt đầu tình thế “nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ ngày 13/2, kể từ đó đến nay, việc chăm lo đời sống cung cấp thực phẩm cho người dân trong xã luôn được đảm bảo đầy đủ. Các sinh hoạt thường nhật, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường bên trong xã. Tuy nhiên, những người làm dịch vụ, kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn xã đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt đối với sản phẩm gà thương phẩm do sản phẩm vẫn chưa thể đưa ra thị trường.

Anh Phan Văn Thiết (thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi) cho biết, hiện nay cuộc sống của bà con trong xã đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi như gia đình anh đang gặp khó khăn. Khâu tiêu thụ gặp phải vướng mắc do việc thực hiện cách ly tại xã.

“Trước đây gia đình tôi giao hàng cho các mối quen là tiểu thương từ các tỉnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Nội về lấy, nhưng hiện nay do cách ly nên hàng hóa không thể xuất ra ngoài thị trường. Tôi chỉ bán lẻ cho các hộ trong xã, số lượng không đáng kể” – anh Thiết cho hay.

Hiện gia đình anh Thiết đang còn khoảng gần 2.000 gà ta lai bán lấy thịt, trong vòng 5 ngày nữa sẽ tới ngày xuất bán nhưng hiện không xuất được ra thị trường.

Hàng hóa đem vào địa phận xã Sơn Lôi chỉ được đứng ngoài chốt chắn chắn sau đó chuyển hàng vào bên trong
 Hàng hóa đem vào địa phận xã Sơn Lôi chỉ được đứng ngoài chốt chắn chắn sau đó chuyển hàng vào bên trong

“Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, chính quyền kiểm soát người ra vào rất gắt gao. Hàng hóa đem vào cũng chỉ được đứng ngoài rào chắn để chuyển hàng vào bên trong. Còn thực phẩm của chúng tôi không được đưa ra bên ngoài, nếu đưa ra cũng phải xin giấy tờ, kiểm dịch rất khó" - anh Thiết nói.

Anh Thiết bày tỏ lo lắng vì mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ 40.000 đồng//người/ngày nhưng với số lượng gà gần 2.000 con, mỗi ngày gia đình anh phải chi tiền mua 8 bao cám với giá 250.000 đồng/bao, tương đương 15 - 20 triệu tiền thức ăn chăn nuôi một tháng mà không bán được hàng.

Cũng theo anh Thiết, hiện trên toàn xã Sơn Lôi có khoảng trên 200 hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó có 3-4 hộ có số lượng từ 1.000 con trở lên. Số gia cầm này hầu hết đều trong giai đoạn xuất bán mà không bán được hàng. 

Hộ gia đình anh Nguyễn Hồng Quang (Ái Văn, Sơn Lôi, Bình Xuyên) là một trong những hộ chăn nuôi gà đẻ. Anh Quang cho biết,  các hộ nuôi gà đẻ ít bị thiệt hại hơn so với các hộ nuôi gà thương phẩm. Chu kỳ sinh sản của gà đẻ rơi vào 10-14 tháng, nếu với số lượng 1.000 gà đẻ trứng như gia đình anh Quang, mỗi ngày thu được 600 trứng. Thời tiết thuận lợi có thể bảo quản trứng được từ 2-3 tháng.

Mỗi ngày hộ nhà anh Quang thu được Mỗi ngày gia đình thu được khoảng 600 trứng/1.000 gà đẻ.
Mỗi ngày hộ nhà anh Quang thu được Mỗi ngày gia đình thu được khoảng 600 trứng/1.000 gà đẻ. 

Theo anh Quang, mặc dù giá trứng có giảm so với trước Tết nhưng không đáng kể, chỉ 300 đồng/quả. “Giá bán mỗi quả trứng dao động từ 2.000-2.200 đồng/quả. Nhìn chung cũng chưa tới mức lỗ. Mức đầu tư ban đầu cho tới khi thành phẩm 1 quả trứng sẽ có giá từ 1.300 – 1.400 đồng/quả. Giá bán  bây giờ chưa có công thôi chứ chưa lỗ”- anh Quang chia sẻ - “Hiện lượng trứng tiêu thụ chủ yếu cho bà con trong xã Sơn Lôi, tôi vừa bán vừa cho. Ai cần thì ra tận nhà mua. Trước kia gia đình chủ yếu bán buôn, khách quen đánh xe tới lấy. Từ khi bị phong tỏa bán rất ít, lượng bán ra chỉ bằng 2/3 số lượng trứng thu được”.

Chia sẻ về đời sống của bà con trong xã, anh Quang cho biết, được chính quyền các cấp và địa phương quan tâm, hiện nay tình hình sinh hoạt của bà con đã ổn định, các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết như rau củ quả…  được cung ứng đầy đủ, giá cả không tăng.

“Ban đầu chúng tôi cũng hoang mang nhưng đến nay mọi thứ đã đi vào ổn định. Các gia đình đều tự bảo vệ mình, khử trùng xung quang nhà, đường làng ngõ xóm, ra đường luôn luôn có khẩu trang. Chúng tôi chỉ mong sớm hết dịch để được đi làm, ổn định lại đời sống”- anh Quang nói.

Đọc thêm