Người lao động kêu cứu việc công ty bán cổ phần trái luật

(PLO) - Cty CP tư vấn Đầu tư và Xây Dựng (CICO) khiếu nại Tổng cty Miền Trung - Cty CP đột ngột thoái vốn nhà nước nhưng không tổ chức Đại hội cổ đông, không thông qua cổ đông gây ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của người lao động...
Trụ sở công ty
Trụ sở công ty

Hoạt động không tuân thủ điều lệ!

Tiền thân của CICO là Xưởng Thiết kế - Cty Xây dựng số 7, đến tháng 5/2005 mới đổi tên thành Cty CP tư vấn Đầu tư và Xây dựng. Năm 2005, Cty được cổ phần hóa theo chủ trương của Bộ Xây dựng, trong đó Tổng cty Miền Trung nắm 44% phần vốn nhà nước được xác định gồm 2 tỷ đồng góp bằng thương hiệu, còn lại 626 triệu đồng bằng tài sản cố định hiện có; giao cho ông Ngô Khiết làm giám đốc. Khi ông Khiết chuyển công  tác, ông Nguyễn Thế Lâm - Phó Giám đốc và ông Lê Như Hà - Giám đốc làm đại diện phần vốn nhà nước, 44% cổ phần do người lao động Cty nắm giữ, 56% cổ phần do đối tác nắm giữ.

Năm 2009, trước khi Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 1 ngày, Tổng Cty Miền Trung đột nhiên có công văn đổi người đại diện vốn Nhà nước tại Cty từ ông Hà và ông Lâm sang các ông Hoàng Văn Thụ, ông Đoàn Đức Quý và ông Hồ Sĩ Thái; ông Thụ làm Chủ tịch HĐQT. Trong năm 2009, ông Thái được bầu giữ chức Giám đốc dù trước đó khi còn làm Giám đốc chi nhánh Quảng Trị, ông này đã có nhiều vi phạm về quản lý tài chính, HĐQT Cty có công văn yêu cầu nhưng ông Thái chưa khắc phục.

Năm 2012, Cty tổ chức ĐHCĐ, Tổng cty Miền Trung - Công ty CP cử ông Nguyễn Thái Dương và ông Lê Minh Tuấn giữ phần vốn Nhà Nước; ông  Dương làm Chủ tịch HĐQT. “Đáng nói, trong thời gian ông Dương làm Chủ tịch HĐQT đã vi phạm điều lệ khi tự ý bổ nhiệm 1 Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, dù hoạt động theo mô hình cty CP nhưng  năm 2013, Tổng Cty lại cử ông Nguyễn Văn Hội nắm phần vốn Nhà nước thay ông Dương, HĐQT Cty đã họp và ra nghị quyết để ông Hội giữ chức Chủ tịch HĐQT mà không tổ chức ĐHCĐ nên Chủ tịch HĐQT lại không do ĐHCĐ bầu ra. “Việc này là vi phạm điều lệ Cty”, ông Phạm Thụy Anh, Giám đốc CICO hiện tại, chia sẻ

Ông Thụy Anh cho biết, dù hoạt động theo mô hình Cty CP nhưng từ sau năm 2012 đến nay Cty không tổ chức Đại hội thường niên là vi phạm nghiệm trọng Điều lệ cty và Luật Doanh nghiệp. Các cổ đông rất bức xúc do không nắm được thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty trong gần 5 năm.

Bán cổ phần sai luật?

Theo ông Thụy Anh, tháng 6/2016, khi gần đến hạn của ĐHCĐ thường niên (ngày 31/7), thì ngày 15/6 Tổng Cty có thông báo chào bán phần vốn nhà nước do Tổng cty nắm giữ tại Cty. “Ngày 17/6, Cty chúng tôi mới nhận được văn bản, chưa đầy 10 ngày (6 ngày làm việc), cuối ngày 27/6 theo thông tin có hai nhà thầu cùng nộp tiền đặt cọc gồm ông Hồ Sĩ Thái (nguyên giám đốc Cty bị miễn nhiệm vì vi phạm tài chính chưa khắc phục) và Cty CP Tư vấn Miền Trung (ông Thái làm Chủ tịch HĐQT) đã nộp cọc mua.

Kết quả mở thầu ngày 28/6, Cty Tư vấn Xây dựng Miền Trung trúng thầu và ngày 6/7 được Tổng Cty Miền Trung ký hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Thông báo kết quả chào giá mua cổ phần
Thông báo kết quả chào giá mua cổ phần

“Việc chuyển nhượng toàn bộ CP nhà nước tại Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng của cổ đông Tổng Cty Miền Trung là vi phạm nghiêm trọng Khoản 5 Điều 16 Điều lệ Cty và có sự sắp đặt trước, thiếu minh bạch gây bức xúc trong đội ngũ lãnh đạo điều hành qua nhiều thế hệ, các xí nghiệp, chi nhánh trực thuộc và người lao động đang nắm cổ phần tại Cty. Phần vốn này có thể ưu tiên cho người lao động đang làm việc ở đây để họ mua, tiếp tục hoạt động và phát triển Cty. Khi người lao động Cty không mua, Tổng cty mới thông báo ra bên ngoài. Chúng tôi đã có công văn kiến nghị gửi Tổng cty vào ngày 20/7, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi về vấn đề trên”, ông Phạm Thụy Anh bức xúc.

Dưới góc nhìn của mình, Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt, Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự cho biết, phần vốn nhà nước tại Cty CP được coi là một cổ đông trong cty CP đó. Do đó, để thoái vốn, chuyển nhượng CP, phải thực hiện theo Điều lệ Công ty, các nghị định, thông tư hướng dẫn và theo Luật Doanh nghiệp. Rút vốn theo hình thức chuyển nhượng CP quy định tại Khoản 1, Điều 126 Luật Doanh nghiệp.

Vì thế, đối với việc chuyển nhượng CP lớn của Tổng cty phải được đưa ra Đại hội đồng cổ đông. Ngoài ra, bán phần vốn nhà nước thì phải có văn bản chấp thuận của đơn vị quản lý chủ sở hữu phần vốn này, từ đó người đại diện phần vốn nhà nước tại đơn vị mới có căn cứ để thông qua ĐHCĐ. Người đại diện phần vốn nhà nước tại Cty chỉ là người được giao quyền quản lý chứ không phải giao quyền định đoạt. Như thế có nghĩa, chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại CICO mà Tổng Cty thực hiện là sai luật.

Đọc thêm