Nguồn cung không đủ, doanh nghiệp “xơ cua” ethanol... nhập khẩu

(PLO) - Dù đang rất tích cực chuẩn bị việc thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 từ đầu năm 2018 theo chủ trương của Chính phủ, nhưng nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu đều vẫn... ấm ức. Nguyên nhân được đưa ra là đang có sự bất bình đẳng giữa 29 đầu mối nhập khẩu, kinh doanh phân phối xăng dầu.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chỉ 5/30 đầu mối thực hiện lộ trình

Cả nước hiện có 29 đầu mối nhập khẩu kinh doanh, phân phối xăng dầu nhưng mới chỉ có 5 đầu mối triển khai theo lộ trình trên. Đó là các đơn vị Petrolimex, Saigon Petro, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, PV Oil và Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Cty NSH). Hiện các đơn vị này đều đã đầu tư các trạm trộn xăng E5 và tiến hành bán xăng E5 trên hệ thống các cửa hàng từ 2 năm nay. 

Theo ông Mai Văn Huy - Tổng Giám đốc Cty NSH, việc chỉ có 5/30 đầu mối  cam kết theo lộ trình của Chính phủ là rất vô lý, sẽ dẫn tới chuyện cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đó chính là vấn đề đầu tư bể phối trộn, thiết bị phối trộn, rồi giá xăng E5 hiện đang thấp hơn giá xăng khoáng A92 không đáng kể khiến cho các doanh nghiệp thực hiện đúng lộ trình quy định sẽ gặp nhiều bất lợi trong bán hàng. 

Vẫn vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, có những thương nhân, đầu mối kinh doanh chưa tích cực triển khai theo lộ trình quy định nên thời điểm 1/1/2018 tới sẽ không có sự triển khai đồng bộ. 

Vị này đề nghị tất cả các đầu mối kinh doanh xăng dầu cần thực hiện nghiêm túc và đồng bộ chỉ đạo của Chính phủ, kiến nghị Bộ Công Thương xử lý kiên quyết đối với các đầu mối kinh doanh xăng dầu không tích cực triển khai đề án để các doanh nghiệp đang triển khai yên tâm thực hiện lộ trình.

Tuy nhiên, một mặt vẫn kiến nghị Bộ này cần có biện pháp để 24 đầu mối nhập khẩu, kinh doanh, phân phối xăng dầu còn lại phải thực hiện theo đúng lộ trình của Chính phủ. Mặt khác, Cty NSH và Petrolimex vẫn tiến hành chuẩn bị cơ sở, thiết bị, nâng cao công suất để đáp ứng được lượng xăng E5 cung ứng ra thị trường khi ngừng bán xăng A92.

Theo đó, Cty NSH sẽ phải chuẩn bị một lượng xăng E5 rất lớn, do bình thường, sản lượng tiêu thụ xăng E5 ở Cty NSH chỉ chiếm khoảng 5%. Để đáp ứng được khối lượng lớn xăng E5, ông Mai Văn Huy – Tổng Giám đốc Cty NSH biết, hiện doanh nghiệp đã sẵn sàng với 3 cơ sở phối trộn, trong đó có 2 cơ sở ở Cần Thơ với công suất 20.000 tấn/tháng, 1 cơ sở ở Tiền Giang (Nhà máy Nam Việt) với công suất cơ cấu 30.000 tấn tháng.

Phó TGĐ Petrolimex Trần Ngọc Năm thì khẳng định, hoàn toàn đảm bảo đủ số lượng xăng để cung cấp cho thị trường khi triển khai bán xăng E5 thay thế cho A92. Theo ông Năm, số lượng bán ra tính đến thời điểm này của xăng E5 chỉ bằng khoảng 5-7% so với xăng A92. Do đó, theo lộ trình quy định, khối lượng xăng E5 Petrolimex sẽ cần phải cung ứng khoảng 3 triệu m3/năm. 

Chuẩn bị phương án… nhập khẩu ethanol

Nguồn nguyên liệu ethanol là vấn đề nóng khi đến thời điểm này các nhà máy ethanol vẫn đang trong tình trạng… chờ phê duyệt để khởi động lại. Hiện nay, nguồn nguyên liệu trên vẫn phụ thuộc duy nhất vào Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (Cty Tùng Lâm). 

Không thể để mình phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất, các doanh nghiệp đã trình Bộ Công Thương xin Chính phủ cho phép trong trường hợp cần thiết thì sẽ nhập khẩu nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. 

Ông Mai Văn Huy cho biết, Nam Sông Hậu đã chuẩn bị sẵn nguồn nhập từ Thái Lan, sẵn sàng khi Chính phủ cho phép nhập khẩu là có đầu mối tiến hành đặt mua. “Mặc dù Cty Tùng Lâm hứa hẹn sẽ có đủ nguồn cung nhưng chúng tôi vẫn thấy lo lắng. Hoặc cũng phải phòng trừ trường hợp nhỡ nhà máy của Tùng Lâm… ngã bệnh thì mình sẽ xoay xở như thế nào”, ông Huy khẳng định.

Đại diện Petrolimex cũng cho biết, đến 1/1/2018, nhu cầu ethanol sẽ tăng rất cao, nếu chỉ trông chờ ở Cty Tùng Lâm thì sẽ không đủ nguồn cung. Do đó, Petrolimex đã buộc phải tìm kiếm các thị trường nước ngoài, hiện đã có kế hoạch nhập khẩu ethanol từ Hàn Quốc, Philippines vì nguồn này đều nhập từ Mỹ và có giá tốt.

Tuy nhiên, thuế nhập khẩu chính là vấn đề sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, thuế nhập khẩu ethanol là 20%. Theo ông Huy, đánh thuế nhập khẩu mức này là quá cao, doanh nghiệp không chịu nổi, mang tính tạo độc quyền sản xuất trong nước. 

Ông Huy khẳng định, với phương án tính thuế để giá ethanol nhập khẩu cao hơn từ 5-7% so với giá mặt hàng này sản xuất trong nước, trong một số thời điểm nhất định, Nam Sông Hậu sẽ chấp nhận bù lỗ vì không thể đóng cửa hệ thống phối trộn nhưng nếu thuế nhập khẩu 20% thì lâu dài, chắc doanh nghiệp sẽ hụt hơi. 

Đọc thêm