​Nguy cơ bị “cấm cửa” vào thị trường Châu âu: VASEP đề nghị được gặp Bộ trưởng Nông nghiệp

(PLO) - Đại diện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đề nghị được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bố trí cuộc gặp để Hiệp hội này đề xuất cụ thể các nội dung trong kế hoạch hành động để tránh nguy cơ thủy sản bị “cấm cửa” vĩnh viễn vào thị trường châu Âu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo nguồn tin của Báo PLVN, đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ có buổi làm việc với Đại sứ, trưởng đại diện EU tại Việt Nam và nhiều khả năng vụ thủy sản Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng, hay vụ việc một tàu cá nước ngoài vi phạm IUU nghi được cập cảng Việt Nam sẽ là chủ đề “nóng” được bàn thảo trong cuộc làm việc đáng chú ý này (?). 

Thêm động thái đầy quan ngại

Trong bối cảnh đang hết sức “nóng” thì tại cuộc họp với VASEP và các doanh nghiệp diễn ra ở TP Hồ Chí Minh được tổ chức gần đây, bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất Trưởng ban Thương mại và Kinh tế của Phái đoàn EU tại Việt Nam đã thông tin về vụ việc một tàu cá nước ngoài vi phạm IUU nghi được cập cảng Việt Nam. Đây được cho là thông tin chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” trước những khó khăn mà ngành thủy sản đang gặp phải. 

VASEP xác nhận thông tin này và cho biết cụ thể hơn như sau: Theo đề nghị của các DN hải sản ngay sau khi nhận được thông báo cảnh báo thẻ vàng từ EU, các DN mong muốn được nắm bắt và trao đổi thêm về vấn đề thẻ vàng IUU cũng như kế hoạch, khuyến nghị từ Phái đoàn Liên minh châu âu nên ngày 9/11/2017 tại TP HCM, VASEP đã tổ chức cuộc họp giữa các DN với đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu âu là bà Miriam Garcia Ferrer. 

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc, cuộc họp quan trọng này kỳ vọng một mặt nhằm giúp các DN yên tâm trong việc XK bình thường hàng hải sản sang EU, một mặt quan trọng nữa là thống nhất các nội dung để đề xuất và phối hợp, chung tay với Chính phủ và Bộ NN&PTNT trong 6 tháng tới để không chỉ tránh “thẻ đỏ” mà còn làm tiền đề quan trọng cho việc quay trở lại “thẻ xanh” bình thường. 

“Nhưng tại cuộc họp, thông tin liên quan đến một tàu cá vi phạm IUU đã cập cảng Hải Phòng và đưa hàng lên cảng trong tháng 10/2017 khiến đại diện EU quan ngại và đặc việt quan tâm. Trước tình hình này, Hiệp hội và các DN hải sản kính đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có biện pháp và hành động để không chỉ hóa giải khó khăn lúc này mà còn tạo cơ chế, quy trình để giải quyết những việc tương tự trong tương lai”- đại diện VASEP đề nghị.   

Đề nghị được gặp Bộ trưởng

Như Báo PLVN đã thông tin trước đó, ngày 23/10/2017, EU đã có thông báo cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam vì những nỗ lực chưa đủ để chống khai thác hải sản bất hợp pháp (quy định IUU). Theo thông báo này thời gian EU áp dụng là trong 6 tháng và đến tháng 4/2018, EU sẽ sang đánh giá lại về các nỗ lực và cải thiện của phía Việt Nam để xem xét có cần chuyển xuống “thẻ đỏ” để cấm xuất khẩu (XK) hải sản sang thị trường này hay không. 

Theo VASEP, đây là một khó khăn và thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trong nước. Không còn có thể ngồi yên một chỗ, Hiệp hội này cho hay: Trong tháng 9/2017, khi nhận diện được khối lượng công việc rất lớn theo những khuyến nghị trước đó của EU, Hiệp hội đã phát động chương trình “Các doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” nhằm chung tay với Bộ NN&PTNT trong nỗ lực chung này. Chương trình đã có sự tham gia của đông đảo các DN hải sản, đã thành lập Ban Điều hành IUU VASEP, ban hành Quy chế và kế hoạch hoạt động. 

Cũng trong 2 tuần sau đó, Hiệp hội liên tiếp tổ chức 2 hoạt động:  Khảo sát và gặp gỡ, làm việc với Chi cục Thủy sản, BQL Cảng cá và một số ngư dân tại 3 tỉnh: TP Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận từ ngày 31/10-03/11/2017, để nắm bắt thực tế và có các đề xuất, kiến nghị thích hợp với Bộ NN&PTNT và Tổ IUU Tổng cục Thủy sản. Đồng thời tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp hải sản thành viên trong Chương trình DN cam kết chống khai thác IUU ngày 09/11/2017 tại TP Hồ Chí Minh, nhằm cập nhật diễn biến thị trường và chia sẻ thông tin, trấn an các DN.

Sau các cuộc khảo sát và làm việc này, theo đánh giá của VASEP, các quy định hiện hành đều chưa có chế tài xử phạt đối với các tàu, mỗi địa phương có quy định riêng cho công tác của mình, chưa có quy định và chế tài thống nhất chung cả nước. Và đặc biệt, hầu hết ngư dân và ngay cả  một số DN chưa hiểu và nhận thức được IUU là gì, những hành động nào được coi là vi phạm quy định IUU cũng như ảnh hưởng của việc khai thác IUU đối với các thành phần trong chuỗi cung ứng hải sản.   

Với tác động không nhỏ của vấn đề “IUU thẻ vàng” và nhiều hoạt động cấp bách trong thời hạn bị cảnh báo còn lại, Hiệp hội này mong muốn được gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường để xin báo cáo một số nội dung liên quan tại Báo cáo kết quả 2 hoạt động trên và đề xuất cụ thể các nội dung trong kế hoạch hành động trong 6 tháng tới. 

62 doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU

Sau khi Chương trình cam kết chống khai thác IUU- một trong những giải pháp được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đưa ra để nhằm đối phó với cảnh báo thẻ vàng vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác hải sản bất hợp pháp khi mà EU vừa đưa ra, đã có 62 doanh nghiệp có xuất khẩu hải sản sang thị trường EU tham gia ký cam kết. 

Đọc thêm