Nguy cơ doanh nghiệp lớn “xé” thành doanh nghiệp nhỏ

(PLO) - Tại Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 11/7, đã có ý kiến lo ngại liệu dự án Luật này được thông qua có hiện tượng DN lớn “xé” thành DN nhỏ để hưởng ưu đãi? 
Nguy cơ doanh nghiệp lớn “xé” thành doanh nghiệp nhỏ

97,5% DN được hỗ trợ với mức cào bằng?

Khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các DNNVV, song theo  LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, điều khó nhất cần phải giải quyết trong Luật này là phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các DN cũng như thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù cho các DNNVV.

LS Đức cho rằng sẽ có 97,5% DN hiện nay là DNNVV được hỗ trợ theo Dự thảo Luật “là không hợp lý. Và càng bất hợp lý hơn khi đặt ra các hỗ trợ với mức cào bằng như nhau, không hề có sự phân biệt giữa các DN có quy mô doanh thu gần 100 tỷ đồng với đa số DN còn lại chỉ có doanh thu 10 tỷ đồng, thậm chí ước tính vài chục phần trăm chỉ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm!”.

Do nguồn lực hỗ trợ DNNVV cũng rất “vừa và nhỏ”, LS Đức đề nghị  cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả, khả thi. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng doanh thu và hoặc từ 20 – 30 lao động trở xuống), vì đây là nhóm DN rất yếu thế, gặp nhièu khó khăn, lúng túng, vướng mắc.

Đối với nhóm DN vừa chỉ hỗ trợ một phần nhỏ, ngoại trừ một số lĩnh vực hoặc trường hợp đặc biệt. Đồng thời cần xem xét loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ, dù đó là DNVVN. Đối với các DN khởi nghiệp thuộc diện được hỗ trợ cũng cần loại trừ cả các công ty đại chúng...  

LS Đức nhận định, nếu cả DN vừa cũng được hỗ trợ như trong dự thảo vô hình chung sẽ dẫn đến tác dụng ngược, bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo LS, DN vừa thuộc loại lớn nhất cũng được hỗ trợ giống như nhóm DN nhỏ nhất, như Dự thảo Luật, trong đó có việc giảm thuế thu nhập so với DN lớn, thì sẽ đồng nghĩa với việc khuyến khích DN giữ nguyên ở quy mô DN vừa để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển được các DN lớn mạnh như Nghị quyết 35//NQ-CP của Chỉnh phủ “Về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020”, với mục tiêu xây dựng “các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.”

Lo ngại tính thực thi

Theo Dự thảo Luật, rất nhiều nội dung hỗ trợ cho đối tượng DNNVV nhưng đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh Tuyên Quang thấy rằng, cần tập trung vào 4 nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt, gồm: Tín dụng, đất đai; Công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường, trong đó chính sách về tiếp cận tín dụng và đất đai là vấn đề DNNVV quan tâm nhiều nhất.

Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh- Sở KH&ĐT Hải Dương, dự thảo Luật đưa ra rất nhiều hỗ trợ nhưng việc cân đối các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ đó không rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách, nhất là nguồn lực về mặt tài chính. Không góp ý cụ thể vào nội dung của Dự luật, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ phản ánh một thực tế là DN nhỏ vẫn như “cá nằm trên thớt” vì dù  “Luật có hay, có tốt đến mấy nhưng đội ngũ cán bộ công chức không thay đổi thì ban hành Luật cũng không có ý nghĩa gì…”.

Không những thế, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái còn tỏ ra lo ngại nếu dự luật này được thông qua, nhiều DN lớn có nguy cơ “xé” thành DN nhỏ để được hưởng ưu đãi. Do vậy, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng đặt vấn đề có nên hỗ trợ DNVVN hay không và đề nghị cân nhắc sửa tên Luật từ Luật hỗ trợ DNNVV thành Luật Phát triển DNNVV... 

Phát biểu tại hội thảo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy sự hỗ trợ DNNVV. Đây cũng sẽ là động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu DN như Chính phủ đã đề ra. Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV cần hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không có cơ chế “xin-cho”; thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp tới DN, không “đẻ” thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ DNNVV.

Đọc thêm