Nhập than phát điện: Phải hài hoà lợi ích 2 “ông lớn” Điện - Than!

(PLO) - Nguy cơ thiếu điện đã được cảnh báo. Nhưng, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) tuyên bố, sẽ không thể bán than cho các nhà máy điện với giá thấp vì giá nhập về đã cao. Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì khẳng định, than tăng giá thì giá thành điện cũng sẽ tăng tương ứng.
Hiện than cung cấp cho sản xuất điện chiếm khoảng 80% sản lượng than tiêu thụ hàng năm của TKV
Hiện than cung cấp cho sản xuất điện chiếm khoảng 80% sản lượng than tiêu thụ hàng năm của TKV

Lượng than nhập khẩu sẽ tăng cao

Theo thông tin từ EVN, sơ bộ dự kiến năm 2019 sẽ thiếu nước nghiêm trọng, do miền Trung khô hạn, mức nước gần như kiệt so với các năm. Do đó, thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh và phải tăng công suất sử dụng điện than.  

Hiện nay, EVN cũng đang cần 22 triệu m3 khí, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ cung cấp được khoảng 16,5 triệu m3, do đó nhà máy nhiệt điện khí cũng không huy động được hết công suất. “Phương án cuối cùng là đổ dầu vào chạy điện. Nhưng với phương án này thì giá thành sản xuất điện rất cao, lên tới 5.000 đồng/kWh”, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết.

Thách thức tăng trưởng điện hàng năm đều trên 10%. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài vào nhanh và nhiều, tập trung ở miền Bắc, nên nhu cầu điện tăng vọt, gây ra nhiều khó khăn trong điều tiết và sử dụng điện đối với EVN. Trước tình thế này, nhiệt điện than đang là sự lựa chọn tối ưu. 

Tuy nhiên, hiện EVN đang mua than theo đúng chỉ đạo Chính phủ là chỉ từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc, không mua than ngoài do lo ngại chuyện khai thác than lậu. Việc cung cấp than này đã được thực hiện nhiều năm nhưng gần đây, EVN đã bắt đầu lên tiếng về việc TKV không cung cấp đủ than để chạy các nhà máy nhiệt điện. 

Ông Tri cho biết thêm, theo kế hoạch sản xuất, năm 2019, EVN sẽ sử dụng 54 triệu tấn than để sản xuất điện nhưng TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp không đủ - dự kiến thiếu khoảng 8 triệu tấn. Nhu cầu than tăng vọt được giải thích là do nhiều nhà máy nhiệt điện than đi vào sử dụng như Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, một số nhà máy BOT có công suất 1.200 MW, Nhiệt điện Thái Bình 1 (600MW), Nhiệt điện Thăng Long hơn 600MW… do đó nhu cầu than năm 2018 tăng 33% so với năm ngoái. 

EVN đã báo cáo xin nhập khẩu và Chính phủ đã đồng ý với phương án EVN giao các tổng công ty thành viên nhập khẩu 4 triệu tấn. Bốn triệu tấn còn lại sẽ do TKV và Đông Bắc nhập rồi bán lại cho EVN theo cơ chế đăng ký giá với Bộ Tài chính. Được biết, hiện EVN đã triển khai, lập hồ sơ mời thầu để nhập khẩu 4 triệu tấn than.

Ngoài ra, ông Đinh Quang Tri còn cho biết thêm, ngoài 8 triệu tấn phải nhập khẩu nói trên thì Chính phủ cũng đã duyệt 2 Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Nhiệt điện Duyên Hải 3 cũng sẽ dùng than nhập khẩu, mỗi năm nhập trên 7 triệu tấn. Dự kiến, năm 2019 sẽ nhập khoảng 10 triệu tấn than cho 2 nhà máy đó. 

Cần hài hoà lợi ích

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc TKV, các nhà máy nhiệt điện tăng tiêu thụ than là do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động. “Năm 2018, các nhà máy nhiệt điện mua thêm 5,4 triệu tấn than từ TKV so với hợp đồng đã ký năm 2017”, lời ông Trung.

Do nhu cầu tiêu thụ than của các đơn vị điện tăng cao nên gây khó khăn cho TKV, trong khi các đơn vị không ký hợp đồng dài hạn với TKV. Để cung cấp tối đa nguồn than cho các đơn vị, TKV cho biết sẽ huy động cả nguồn than dự trữ để cung cấp phục vụ sản xuất điện.

Được biết, TKV và Đông Bắc đã gửi chào giá bán than trong năm 2019. Theo đó, giá dự kiến tăng 5%. “Than tăng giá như thế nào thì đương nhiên giá thành điện sẽ tăng theo tương ứng”, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri nói. Vì thế, dự báo giá điện năm 2019 sẽ có nhiều biến động. Trong khi đó, trong một cuộc họp báo mới đây, đại diện TKV cho biết, than sản xuất trong nước bán cho điện đã thấp hơn giá thị trường rồi. Vậy chuyện nhập khẩu than rồi bán lại cho EVN sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời PLVN về việc TKV nhập khẩu than trong năm 2019, Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Hoàng Trung cho biết, việc nhập khẩu than của TKV đã có trong kế hoạch 5 năm của Tập đoàn này. Riêng việc nhập than năm 2019, đơn vị này đang xây dựng kế hoạch. “Dự kiến chúng tôi sẽ nhập trên 4 triệu tấn than trong năm 2019. Giá nhập khẩu than được thực hiện theo giá thị trường”, ông Trung cho biết.

Theo lãnh đạo TKV, giá than nhập khẩu cao hơn giá than sản xuất trong nước. Nhập về và pha trộn thì giá sẽ cao hơn giá than bán cho ngành Điện hiện hành. Nếu các nhà máy điện không chấp nhận mua với giá cao hơn thì TKV cũng như các nhà cung cấp khác cũng không thể nhập được. Do đó, theo vị lãnh đạo này, cần phải có được chính sách giá để TKV nhập về đảm bảo không bị lỗ thì mới có thể cung cấp được. 

Hiện than cung cấp cho sản xuất điện chiếm khoảng 80% sản lượng than tiêu thụ hàng năm của TKV. Do đó, theo ông Trung, trong kế hoạch sản xuất cũng như nhập khẩu của TKV, than cho các nhà máy sản xuất điện được ưu tiên hàng đầu. Năm 2017, TKV xây dựng kế hoạch năm 2018 sẽ tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Nhưng thực tế cho thấy, 11 tháng năm 2018, tổng số than tiêu thụ của TKV là 37,39 triệu tấn, trong đó, than cho các nhà máy sản xuất điện là 26,9 triệu tấn. 

Rõ ràng, sản lượng than dùng cho các nhà máy nhiệt điện đang tăng cao, dự kiến tăng khá cao trong năm 2019 vì những khó khăn do công suất thủy điện và nhiệt điện khí. Nhưng nếu giá than cung cấp cho điện không giải quyết được ngay thì việc thiếu than cho sản xuất điện vào năm 2019 đang khá hiện hữu. 

Thiếu 8 triệu tấn than để phát điện

“Ông Đinh Quang Tri - Phó  Tổng  Giám  đốc  EVN (ảnh) cho biết, theo kế hoạch sản xuất, năm 2019 EVN sẽ sử dụng 54 triệu tấn than để sản xuất điện nhưng TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp không đủ - dự kiến thiếu khoảng 8 triệu tấn. Nhu cầu than tăng vọt được giải thích là do nhiều nhà máy nhiệt điện than đi vào sử dụng như Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, một số nhà máy BOT có công suất 1.200 MW…”.

Đọc thêm