Nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình): Thêm 250 tỷ để dự án sớm khởi động

(PLO) - “EVN và tỉnh Quảng Bình đang xem xét phương án di dời gần 300 hộ dân ra khỏi khu vực dự án để có mặt bằng xây dựng kho than hoặc nâng công suất nhà máy trong tương lai”, đại diện Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 2 cho hay.
Lãnh đạo EVN thị sát hiện trường Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch.
Lãnh đạo EVN thị sát hiện trường Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch.

Sau khi tiếp quản Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ tay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết với UBND tỉnh Quảng Bình sẽ khởi công dự án này vào cuối năm 2017. 

Tuy nhiên, do chưa hoàn thiện đủ các thủ tục pháp lý cần thiết, đặc biệt là phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường nên các mốc về tiến độ đều bị “trượt” so với cam kết.

“Đến thời điểm này, các thủ tục để khởi công nhà máy đã cơ bản hoàn thành. Nếu không có gì thay đổi, thì cuối năm 2018, dự án sẽ động thổ”, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 2 (EVN) thông tin.

Một trở ngại nữa cũng được ghi nhận trong quá trình triển khai dự án là khâu giải phóng mặt bằng, khi để xảy ra tình trạng người dân tái lấn chiếm, canh tác nông nghiệp trong khu vực triển khai dự án... khiến EVN và tỉnh Quảng Bình sau đó phải mất rất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động để thu hồi đất.

Ngoài ra, một số hộ dân do lo ngại môi trường có thể bị ảnh hưởng khi dự án đi vào hoạt động nên đã kiến nghị hỗ trợ tạo sinh kế và di chuyển xa khu vực nhà máy. Thực tế, vấn đề này khiến chủ đầu tư “đau đầu”, vì để thỏa mãn nguyện vọng của người dân phải cần tới một nguồn kinh phí tương đối lớn, trong khi EVN có thời điểm   khẳng định việc này khó giải quyết do những hộ dân nói trên ở ngoài phạm vi dự án đầu tư của EVN.

“Trên cơ sở chia sẻ với người dân, lãnh đạo Tập đoàn và tỉnh Quảng Bình đã bàn kĩ vấn đề này rồi đi tới quyết định sẽ xem xét di chuyển khoảng gần 300 hộ dân vùng lân cận đi tới một địa điểm khác; đồng thời đề xuất giao thêm cho dự án khoảng 105 ha đất để khảo sát xây dựng một kho chứa than hoặc tạo mặt bằng nhằm nâng công suất nhà máy trong tương lai”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 2 nói.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, chí phí phục vụ cho nội dung trên sẽ phải mất thêm khoảng 250 tỷ đồng, nhưng bù lại tiến độ khởi công dự án có thể đến sớm hơn. Ngoài ra, EVN còn hứa sẽ chỉ đạo các nhà thầu tạo điều kiện sử dụng lao động tại chỗ để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương khi khởi công xây dựng dự án.

“Đối với những vị trí công việc liên quan đến việc vận hành nhà máy sau này, EVN sẽ tuyển chọn những người đủ điều kiện đưa đi đào tạo, sau đó sẽ tạo điều kiện để họ quay trở lại phục vụ dự án. Việc này  đòi hỏi phải bài bản bởi công việc vận hành một nhà máy trị giá nhiều tỷ USD khác xa với hoạt động lao động phổ thông”, lời ông Giám đốc Thành. 

Trao đổi với PLVN, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khẳng định, đối với Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, chủ đầu tư cam kết sẽ sử dụng công nghệ “siêu tới hạn” - một loại công nghệ cận dưới của công nghệ “siêu siêu tới hạn”, tức là công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay về nhiệt điện, do các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... chế tạo.

Thời gian hoà lưới điện Quốc gia chậm 5 năm

“Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 trước do PVN làm chủ đầu tư, giá trị 1,7 tỷ USD, khởi công xây dựng tháng 7/2011. Theo kế hoạch, cuối năm 2015, cả 2 tổ máy của dự án này đã phải hòa lưới điện Quốc gia. Nhưng, sau hơn 5 năm triển khai, dự án mới chỉ san gạt được 80% diện tích mặt bằng và một số công trình phụ trợ như nhà ở, nhà văn phòng làm việc, riêng hạng mục nhà máy nhiệt điện chưa triển khai gì. 

Dự án sau đó đã được chuyển về EVN. Đến nay, 2 bên mới cơ bản xác nhận xong giá trị phần hạ tầng do PVN thi công, trị giá hơn 500 tỷ; riêng khu nhà điều hành vẫn chưa “chốt” xong. Do chậm tiến độ, nên kế hoạch phát điện hòa lưới Quốc gia của chủ đầu tư mới - EVN đối với dự án này cũng sẽ chậm thêm khoảng  5 năm”.

Đọc thêm