Nhiều áp lực “ghìm cương” CPI năm 2017

(PLO) - Năm 2016, lạm phát được kiểm soát dưới 5% theo mục tiêu đề ra, song đây là nhiệm vụ khó cho năm 2017 khi mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng đề ra bình quân năm khoảng 4%, trong bối cảnh dự báo nhiều khó khăn hơn năm 2016…

 

Nhiều áp lực khó khăn trong công tác điều hành giá năm 2017
Nhiều áp lực khó khăn trong công tác điều hành giá năm 2017

Kinh tế khởi sắc - áp lực tăng giá!

Tại Hội thảo mới đây về “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo 2017”, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng năm 2017 quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn. 

Tuy nhiên, năm 2017 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và việc điều chỉnh giá theo lộ trình đối với các dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục cuối năm 2016 cũng như việc tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ y tế đối với các đối tượng không thuộc bảo hiểm xã hội chi trả năm 2017;

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

Theo  PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng - Viện Kinh tế Tài chính, tuy chỉ tiêu tốc độ tăng CPI thấp hơn so với năm 2016 nhưng công tác quản lý điều hành giá trong năm 2017 dự báo gặp nhiều thách thức hơn do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá.

Sức ép đầu tiên phải kể đến là việc điều hành chính sách tiền tệ (ảnh hưởng đến lạm phát cơ bản) vừa phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 cũng ở mức cao, trong khi dư địa chính sách tài khóa bị hạn chế do phải giảm thâm hụt ngân sách để đảm bảo trần nợ công ở mức 65% GDP.

Cùng với đó, mức lương cơ sở tăng 7,4% lên 1,3 triệu đồng/tháng thực hiện từ 1/7/2017 (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017). Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN tăng từ 6,7-7,5% tùy vùng áp dụng từ 1/1/2017 (Nghị định 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ). Đặc biệt, giá xăng dầu thế giới được dự báo có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2017.

Ngoài ra, biến động mang tính thời điểm về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm do yếu tố về thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi; nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đặc thù thường tăng cao trong dịp lễ, Tết; diễn biến về nhu cầu thế giới đối với các hàng hóa xuất khẩu của nước ta cũng tác động đến giá trong nước; xu hướng tăng giá vượt đáy của các loại hàng hóa trên thế giới.

Với việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng (Giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nước sinh hoạt...) cũng gây áp lực không nhỏ đến lạm phát.

Bên cạnh đó, các nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí và lệ phí và Nghị định 149/2016/NĐ-CP (17 nhóm hàng hóa dịch vụ nhà nước định giá – trước mắt giữ nguyên bằng mức phí đã thu), nếu tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá. 

Điều hành - Chặt chẽ và bài bản ngay từ đầu năm

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá hôm 22/12/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban này khẳng định thành công trong việc kiểm soát lạm phát dưới 5% theo mục tiêu đề ra của năm 2016 đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đã thực hiện được một bước đi rất căn bản của lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công (như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) gắn với quá trình đổi mới cơ chế tài chính, biên chế và tổ chức nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhất là biến động của giá xăng dầu; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt diễn ra liên tục tại các địa phương trong cả nước…

Phó Thủ tướng cũng nhận định việc thực hiện nhiệm vụ điều hành giá, kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều áp lực, khó khăn hơn năm 2016 do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá như xu hướng hồi phục của giá xăng dầu và giá các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới, việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục..) theo lộ trình thị trường; áp lực về tỷ giá; các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai; việc chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá do Nhà nước định giá theo Luật Phí và lệ phí và Nghị định 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, thì việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ NSNN sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá. Mặt khác, công tác điều hành giá đồng thời phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. 

“Do đó, công tác điều hành giá năm 2017 cần được tiến hành hết sức chặt chẽ và phối hợp bài bản ngay từ đầu năm. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và phối hợp linh hoạt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra…”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, điều hành giá bán xăng dầu trong nước phù hợp kết hợp với sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu làm cơ sở cho các Bộ, ngành điều hành giá các mặt hàng khác theo thẩm quyền; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/ 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; hoàn thành trình Thủ tướng khung giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở tính toán thông số đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện để khuyến khích tiết kiệm và thu hút đầu tư, đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý, sớm báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá để chỉ đạo quyết định.

Với Bộ Y tế,  Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với các địa phương còn lại theo quy định tại Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; sớm ban hành Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế để triển khai thực hiện trong năm 2017…

Đối với việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các DN kinh doanh sữa thực hiện nghiêm kê khai giá, bình ổn thị trường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh dậu 2017. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất, điều hành linh hoạt tỷ giá, phấn đấu giữ lạm phát cơ bản trong khoảng 2%.

Về cơ chế quản lý đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá, Phó Thủ tướng yêu cầu Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luậttheo thẩm quyền để thực hiện từ ngày 01/01/2017, xây dựng phương án giá và đề xuất mức thu giá dịch vụ phù hợp với pháp luật hiện hành, tình hình cung ứng dịch vụ, tránh gây biến động lớn. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hiện hành thì cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.... 

Đọc thêm