Nhiều cảng biển “thay da đổi thịt” sau cổ phần hóa

(PLVN) - Mạnh tay với những khoản chi đầu tư kết cấu hạ tầng, đổi mới và năng động hơn  trong công tác tìm kiếm thị trường, nguồn hàng… là những thay đổi căn bản đối với loạt doanh nghiệp cảng biển sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.  
Hãng tàu SITC cập bến Tiên Sa (Cảng Đà Nẵng) để làm hàng
Hãng tàu SITC cập bến Tiên Sa (Cảng Đà Nẵng) để làm hàng

Cụ thể, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sau cổ phần hóa đã có những định hướng cho các cảng biển thành viên phát triển theo những cách khác nhau, tối đa hóa lợi thế sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Đầu tư 3 năm bằng… 2 thập kỉ 

Cảng Hải Phòng được đánh giá là “anh cả” của VIMC, cảng lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, Cảng Tân Vũ (thuộc Cảng Hải Phòng) có 5 cầu tàu chuyên dụng khai thác hàng container, với tổng chiều dài hơn 980m, cho tàu trọng tải từ 20.000 - 55.000 tấn làm hàng, hệ thống cần trục giàn cầu tàu hiện đại có sức nâng đến 50 tấn. 

Theo lãnh đạo cảng Hải Phòng, thời gian tới đơn vị sẽ đầu tư thêm 2 bến cảng nước sâu để có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải 8.000 teus tại khu vực Lạch Huyện. Tại đây cũng hình thành hệ thống logistics năng động, trở thành trạm trung chuyển quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ. “Đây sẽ là một bước chuyển quan trọng đưa Cảng Hải Phòng vươn ra biển lớn”, đại diện cảng Hải Phòng nói.

Tại miền Trung, Cảng Đà Nẵng, năm 2018, có hơn 8,6 triệu tấn hàng hóa đã thông qua. Sức bật của Cảng Đà Nẵng được thể hiện khá rõ nét từ sau cột mốc cổ phần hóa (tháng 7/2014) với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12%/ năm (riêng container tăng bình quân 20%/năm), lợi nhuận bình quân tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước cổ phần hóa.

Cảng này có định hướng chiến lược phát triển container, tàu du lịch, tàu có tải trọng lớn. Theo đó, trong 3 năm qua, việc đầu tư tại Cảng này đã gần bằng 20 năm trước. Cảng đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng khu bến Tiên Sa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đồng bộ cùng hệ thống phần mềm quản lý khai thác container và hàng tổng hợp; hệ thống các phương tiện thiết bị xếp dỡ hiện đại.

Theo quy hoạch của TP HCM, tới đây Cảng Sài Gòn sẽ di dời khỏi nội thành, còn Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội sẽ được di dời ra phía Hiệp Phước. Đây sẽ là khu vực tập trung hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long và các Khu công nghiệp phía Nam TP HCM. Khu Cảng Hiệp Phước có thể tận dụng lợi thế của luồng Soài Rạp thay cho luồng Lòng Tàu trước đây, có khả năng tiết kiệm đến 2 giờ tàu và một nửa chi phí hoa tiêu, nhiên liệu… Theo đánh giá, nếu di dời cảng đến khu vực này, về dài hạn Cảng Sài Gòn sẽ có lợi thế nhờ vị trí thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu.

Mỗi người là một nhân viên marketing

Cảng Cam Ranh là một trong những cảng biển có lượng tàu, hàng hóa thông qua lớn trong khu vực Nam Trung Bộ, với 2 cầu tàu tổng chiều dài hơn 600m có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000DWT hoặc 80.000DWT giảm tải. Cảng này được đánh giá rất chú trọng công tác thị trường.

Tại Cảng Cam Ranh, mỗi cán bộ, công nhân viên là một người làm marketing và chăm sóc khách hàng, với mong muốn không để mất khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới. Nhờ làm tốt công tác thị trường cũng như tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Công ty CP Cảng Cam Ranh đã đạt được sự tăng trưởng khá tốt trong năm 2018. Sản lượng hàng hóa thông qua gần 2,4 triệu tấn - tăng 50% so với cùng kỳ 2017 và đạt 150% so với kế hoạch được giao.

Ở vùng Bắc Trung Bộ, tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Nghệ Tĩnh năm 2018 đã ghi nhận  con số trên 3,6 triệu tấn, doanh thu khoảng 170 tỷ đồng. Lãnh đạo Cảng này xác định phải coi trọng khách hàng, đầu tư thiết bị hiện đại, luôn có giải pháp hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, tạo nguồn hàng mới.

Ông Nguyễn Văn Phương - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ cho hay, việc đưa vào vận hành Cảng Sóc Trăng sẽ kết nối hàng hóa từ Sóc Trăng với các tỉnh khu vực hạ lưu sông Hậu với các bến Cái Cui và Hoàng Diệu, vì theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng Sóc Trăng sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống vận tải đường thủy nội địa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào Khu công nghiệp An Nghiệp, cụm công nghiệp Sóc Trăng và khu dịch vụ cảng sông TP Sóc Trăng...

Sự chuyển mình của các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển không chỉ giúp các doanh nghiệp này “thay da đổi thịt” sau khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, đứng vững trên thị trường mà là hành động cụ thể chứng minh sự nỗ lực vươn ra biển, phát triển kinh tế biển của ngành Hàng hải. 

Đọc thêm