Nhiều địa phương chưa quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã

(PLVN) - Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW (Nghị quyết 13) Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) đã được tổ chức chiều qua (14/10) tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng: “Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của xã viên”
Thủ tướng: “Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của xã viên”

Gần 60% hợp tác xã hoạt động hiệu quả  

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, hợp tác xã (HTX) cho thấy, sau 15 năm triển khai Nghị quyết 13 và hơn 7 năm kể từ khi Luật HTX năm 2012 được thông qua, khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, mặc dù  đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4%, song đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên là khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 13. Thủ tướng cho hay rất ấn tượng về số lượng HTX tăng từng năm, phát triển khá đồng đều, đặc biệt nhiều mô hình HTX mới. “Với gần 60% HTX hoạt động hiệu quả là kết quả đáng khích lệ, chứng tỏ sự nhạy bén của HTX với kinh tế thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Đó là những tồn tại, hạn chế  đã được Nghị quyết chỉ rõ vẫn chưa được khắc phục triệt để, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, chưa xứng với tiềm năng, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.  

Đặc biệt, mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu; việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại. 

Cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế

Trong rất nhiều khó khăn mà các HTX đang gặp phải hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là tiếp cận đất đai và vốn, cơ chế liên kết HTX với DN chưa định hình, hiệu quả liên kết còn thấp, chưa tạo ra hiệu quả căn bản trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi…

Nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là do thể chế pháp luật bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của hộ xã viên chưa được tốt, dẫn đến tư tưởng hoài nghi sự minh bạch về chính sách, về hoạt động, về sự an toàn trong môi trường kinh doanh, làm ảnh hưởng sâu đến tâm lý các chủ thể kinh tế. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu ở nhiều cơ quan địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của HTX; chưa thấy hết được vai trò của KTTT mà nòng cốt là HTX trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. 

Nêu một số quan điểm, định hướng về phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần khẳng định kinh tế Nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTT có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của xã viên”. Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát huy tối đa sức mạnh của HTX kiểu mới và các mô hình KTTT. 

Đồng tình với định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTTT, HTX tại Hội nghị đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ chính trị tập trung chỉ đạo. Phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa IX), phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia. Đặc biệt đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động HTX; Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác; Sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012…

Cũng trong ngày hôm qua, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX 2019,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT, HTX đánh giá, với hai mục tiêu chính của Nghị quyết 13 là đưa KTTT thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và phấn đấu thành phần KTTT đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn; và tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng sản phẩm quốc dân; thì đến nay mới thực hiện được mục tiêu thứ nhất. Đó là  đã đưa KTTT thoát khỏi tình trạng yếu kém khi có tới 57% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong khi tỷ lệ này ở khu vực DN chỉ là 50% DN có lợi nhuận.

Mục tiêu thứ hai của Nghị quyết 13 chưa đạt là tỷ trọng của HTX cao hơn và tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP. Cụ thể, đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm. (Năm 2013  đóng góp quy mô 7,49% GDP thì hiện nay chỉ có 4% GDP). 

Nguyên nhân là do các thành phần kinh tế khác đều tăng trưởng mạnh ở số tuyệt đối và tương đối, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Hơn nữa, hơn 80% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn có tốc độ tăng trưởng thấp so với các khu vực khác.

Đọc thêm