Nhiều dự án năng lượng 'bế tắc'

(PLVN) - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) hiện sở hữu nhiều nhất dự án điện đang “vỡ trận”, trong đó có cả những dự án gần như chưa tìm thấy lối thoát, dù cơ quan chức năng và chủ đầu tư đang rất nỗ lực tìm đường. 
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã có đường để về đích
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã có đường để về đích

Sẽ thiếu điện vào năm 2021

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650MW. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành 12 dự án với tổng công suất 6.100MW và đang triển khai tiếp 10 dự án trọng điểm giai đoạn đến 2030. Ngoài ra, EVN còn có thêm dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch nhận bàn giao từ PVN. 

Về phía PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án với tổng công suất 11.400MW đến 2030. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Tuy nhiên, theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực, đến nay, cả 8 dự án của PVN đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong 8 dự án trên có 2 dự án đã chuyển giao chủ đầu tư khác. Hiện, vướng mắc lớn nhất của PVN đang tập trung ở Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và Long Phú 1. 

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm trách 4 dự án với tổng công suất 2.950MW. Trong đó, có 2 dự án đang triển khai, 2 dự án vẫn chưa thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Tất cả 4 dự án của TKV đều chậm tiến độ.

Báo cáo mới nhất của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực cho thấy, các dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng đều đang triển khai tốt; 7 dự án điện độc lập với tổng công suất gần 2.000MW đều chậm tiến độ, trong đó một số dự án khó xác định được thời gian hoàn thành, một số dự án chậm do thiếu nguồn vốn vay và các nguyên nhân khác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, ngành Điện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2021, nhiều khả năng sẽ thiếu điện nếu không có giải pháp kịp thời, trong khi các nguồn điện do EVN đầu tư chỉ chiếm 33%, các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư chiếm tới hơn 66%. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là không thể để các dự án điện do PVN, TKV đã và đang triển khai tiếp tục chậm tiến độ hơn nữa.  

Vì sao bế tắc?

Như đã nêu, PVN là tập đoàn hiện đang sở hữu nhiều nhất các dự án chưa có lối thoát. Theo Bộ Công Thương thực trạng này “do nhiều nguyên nhân phức tạp, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan”. Trong đó, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án có nhiều vướng mắc phức tạp như tổng thầu Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là đơn vị không đủ kinh nghiệm xây dựng nhà máy nhiệt điện than, trong quá trình triển khai dự án có sai phạm đã/đang bị cơ quan chức năng xử lý. 

Còn Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, chủ đầu tư không thể “tự quyết” được do nguyên nhân chính là việc cấm vận của Mỹ đối với tổng thầu EPC - Power Machine (Liên bang Nga) dẫn đến không thể thực hiện thanh toán cho các hợp đồng Power Machine đã ký sử dụng đồng USD. Để giải quyết vướng mắc của dự án này, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo để PVN đàm phán với Power Machine với tinh thần thiện chí để tiếp tục thực hiện dự án, giảm thiệt hại cho hai phía. Thủ tướng Chính phủ cũng đã trao đổi với Thủ tướng Liên bang Nga để thống nhất phương án xử lý vướng mắc cho dự án này. 

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã chỉ đạo PVN tìm các giải pháp tháo gỡ cho dự án và báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nguồn tin riêng của PLVN cho biết, vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có thể sẽ được giải quyết vì dự án này chủ yếu đang vướng chủ yếu là vốn. Theo đó, tới đây, PVN sẽ được phép thay đổi cơ cấu vốn (nâng mức đầu tư vốn của chủ sở hữu lên cao hơn mức đã được duyệt trước đây trong tổng số vốn đầu tư của dự án). Với phương án này, Dự án Thái Bình 2 đã rộng đường để cán đích, bởi đến thời điểm này dự án đã thực hiện được hơn 84% tiến độ tổng thể. 

Với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Xây dựng có ý kiến về một số định mức dự toán xây dựng mới áp dụng cho dự án để PVN làm cơ sở xem xét, phê duyệt áp dụng. “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề vướng mắc khác khi PVN báo cáo nhằm sớm đưa dự án vào vận hành”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định. 

Lập Tổ công tác xử lý Dự án Long Phú 1

“Bộ Công Thương đã xin thành lập Tổ Công tác chung về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1. Chính phủ cũng đã đồng ý với việc thành lập Tổ này. Ngoài ra, cũng đã có đề xuất về việc xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án điện đang chậm tiến độ”.

Đọc thêm