Nhìn lại “nhiệm kỳ xuất siêu” của kinh tế Việt

(PLVN) - Bất chấp suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, tổng cầu hàng hóa sụt giảm nhưng lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trong năm 2020 vẫn cao bất ngờ, đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Trong đó, xuất siêu năm 2020 đạt 19,1 tỷ USD - là mức xuất siêu cao nhất 5 năm gần đây, hoàn thành trọn vẹn “một nhiệm kỳ xuất siêu” (2016-2020) đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam. 
Việt Nam đã có “một nhiệm kỳ xuất siêu” đầy ấn tượng.
Việt Nam đã có “một nhiệm kỳ xuất siêu” đầy ấn tượng.

Giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu tăng cao

Trước bối cảnh giảm sút tổng cầu của kinh tế thế giới kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm nhưng xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương.

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong cả giai đoạn 2016-2020 đã đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ với điểm nổi bật là XK tăng trưởng cao và liên tục; Công tác phát triển và mở rộng thị trường XK, đa dạng hóa mặt hàng XK và kiểm soát nhập khẩu đạt hiệu quả cao.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 

Điều đặc biệt, quy mô các mặt hàng XK tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Nếu năm 2011 mới có 21 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD thì năm 2016 đã tăng lên thành 25 mặt hàng. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD).

Thị trường XK, nhập khẩu cũng được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Hàng hóa XK của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ, Úc... 

Khơi thông sớm các thị trường xuất khẩu chủ lực

Trong lịch sử xuất siêu 5 năm liên tục thì kim ngạch XK của năm 2020 đã để lại một ấn tượng ngạc nhiên rất lớn nếu nhớ lại những ngày đầu xuất hiện dịch Covid-19. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT bày tỏ sự lo lắng cho những loại trái cây đến mùa thu hoạch mà đường đưa hàng sang Trung Quốc vẫn chưa thông do dịch. Ngay thời điểm ấy, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về khơi thông hoạt động XNK qua một số cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc. 

Cùng lúc Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương xây dựng quy trình quản lý thông quan đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; chủ động điện đàm với Lãnh đạo các bộ, ngành địa phương Trung Quốc để tăng thời gian thông quan, bổ sung nhân lực bốc dỡ… để tạo điều kiện cho hàng hóa XK của Việt Nam. 

Kể cả khi dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó là khu vực EU, Hoa Kỳ và cả thế giới, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã chủ động có phương án vừa tháo gỡ những khó khăn trước mắt, bảo đảm tốt nguồn cung cho sản xuất trong nước, khơi thông thị trường XK. Đặc biệt, Quốc hội đã hoàn tất việc phê chuẩn FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA) ngay trong kỳ họp tháng 6/ 2020 để đưa EVFTA vào thực thi từ tháng 8/2020 là một trong những nỗ lực để đưa hàng hóa Việt Nam vươn rộng sang châu Âu bất chấp điều kiện dịch bệnh. 

Báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu”. Ví dụ, Hoa Kỳ xuất siêu gần 62,7 tỷ USD; EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD).

Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020, XK sang thị trường EU 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng theo thống kê sau 5 tháng thực thi EVFTA, XK sang thị trường này đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi, như thủy sản, tôm, gạo, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; hàng điện tử... 

Đọc thêm