Nhức nhối nạn “ăn vặt” trong ngành thuế

(PLO) - Thủ tục kê khai thuế khiến doanh nghiệp và người dân phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc vì rườm rà, phiền hà và nhũng nhiễu, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Đây là căn bệnh trầm kha, khó chữa của ngành thuế.
Nhức nhối nạn “ăn vặt” trong ngành thuế

Đau đầu vì nạn  nhũng nhiễu, “ăn vặt”, thủ tục rườm rà…

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2014 tổ chức đầu tháng 7 - 2014. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phê bình ngành thuế khi số giờ người dân và doanh nghiệp làm thủ tục thuế ở mức cao nhất trong khu vực.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Một doanh nghiệp mỗi năm cần đến 872 giờ, gấp 4-5 lần các nước trong khu vực. Mặc dù trong thời gian nêu trên đã bao gồm cả việc thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, thế nhưng số thời gian nộp thuế lại chiếm tới hơn 500 giờ là không chấp nhận được.” – (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đau đầu và bức xúc về tác phong, lề lối với thái độ của một số bộ phận cán bộ thuế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đau đầu và bức xúc về tác phong, lề lối với thái độ của một số bộ phận cán bộ thuế. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đau đầu và bức xúc chính là: Tác phong, lề lối, với thái độ của một bộ phận cán bộ thuế, vẫn còn khiến nhiều doanh nghiệp, nhiều người nộp thuế chưa hài lòng. “Đi nộp thuế khó lắm chứ không phải dễ. Ví dụ ở Hà Nội, nhiều người đi nộp thuế trước bạ là phải thuê. Mình tuyên truyền vận động người dân đi nộp thuế mà lại phải thuê dịch vụ mới nộp được thuế để làm sổ đỏ. Thế là thế nào? Đây là sự phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ thuế. Hay việc nhiều người phàn nàn thuế khoán chia đôi, chia ba. Cán bộ thuế toàn ăn vặt. Ngay cả việc mua được hóa đơn, người nộp thuế phải đi lại nhiều cơ quan, thậm chí nhiều trường hợp phải chi bồi dưỡng cho cán bộ thuế mới mua được hóa đơn. Đau đầu quá! Thế nhưng, đây là chuyện có thật”.

Trên thực tế thời gian qua ngành thuế đã có những cải các thủ tục hành chính đáng kể, để tạo thuận lợi cho người dân. Góp phần thức đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, kết quả thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt gần 54% so với dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong vòng 24 năm, kể từ khi hệ thống thuế đi vào hoạt động thống nhất đến nay (1990-2014).
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành thuế phải tạo mọi điều kiện cho người dân, DN tự do làm ăn đồng thời phải hoàn thành tốt nhiệm vụ về thuế.
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành thuế phải tạo mọi điều kiện cho người dân, DN tự do làm ăn đồng thời phải hoàn thành tốt nhiệm vụ về thuế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành thuế: Thứ nhất là tạo mọi điều kiện cho người dân DN tự do làm ăn kinh doanh theo pháp luật, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao thứ bậc cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, ngành thuế phải hoàn thành tốt nhiệm vụ về thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các khâu trong công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, khắc phục cho được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong ngành.

“Thỏa thuận ngầm” gây thất thoát thuế lớn

Trao đổi với báo chí về “thực trạng” ngành thuế hiện nay, nhiều ý kiến từ các DN đều cho rằng: Những tồn tại nói trên là rất phổ biến, đang gây cho người dân nhiều phiền hà, tốn kém. Tuy nhiên, đây là một điều rất “tế nhị”, và chẳng DN nào dại mà dám “phản kháng”. Bởi cơ quan thuế có đủ quyền hành “xử lý” những DN cho là “cứng đầu, không biết điều”, hơn nữa đây cũng là việc “đôi bên cùng có lợi”.

Nhiều lãnh đạo DN cho rằng, nếu không sách nhiễu thì có những cá nhân tại cơ quan thuế lại mở đường, gợi ý để DN “tự nguyện” lựa chọn cách “ứng xử”. Tức là, trong báo cáo thuế thì hầu hết các DN thế nào cũng có những điểm sai sót. 
Ví dụ phổ biến là DN giấu một số vấn đề liên quan đến doanh số nhằm giảm thuế, bị cán bộ cơ quan thuế phát hiện. Thay vì xử lý theo quy định, thì cán bộ cơ quan thuế lại đặt vấn đề với chủ DN “có muốn cho qua hay không?” Nếu không muốn thì xử theo quy định pháp luật 100% khoản thuế mà DN sai sót sẽ nộp cả cho Nhà nước. Nếu muốn cho qua, sẽ tiến hành theo tỷ lệ 50 – 50 hoặc 70 – 30, tùy theo sự thỏa thuận của DN và cán bộ thuế.

“Thỏa thuận ngầm” kiểu như thế này, đang gây thất thu thuế cho Nhà nước rất lớn. Tôi không nắm rõ các DN lớn như thế nào, nhưng thường xuyên tiếp xúc với cơ quan thuế, tôi cho rằng thực trạng này rất phổ biến ở các DN vừa và nhỏ.

Nếu như đối với các DN lớn, các tập đoàn lớn thì Nhà nước mới tổ chức thanh tra, kiểm tra lại, hoặc tổ chức kiểm tra chéo, để phát hiện những sai sót – mà vẫn có trường hợp không phát hiện được sai sót. Rõ ràng, đây là một yếu kém của ngành thuế. Nhưng, đối với DN vừa và nhỏ thì không đến mức phải kiểm tra đi kiểm tra lại như vậy, thường thì với DN nhỏ và vừa chỉ một lần “báo cáo” là xong.

Có thể thấy, những tiến bộ rất lớn của ngành thuế đó là việc cho phép DN tự kê khai, tự báo cáo thuế. Và trong 3 đến 5 năm thì cơ quan thuế mới tổ chức thanh kiểm tra một lần so với trước đây là tiến hành hàng năm. Việc này tăng cường tính chủ động, tiết kiệm chi phí rất lớn cho DN.

Thế nhưng nó cũng có những “bất cập” cho DN nếu họ không kịp thời cập nhật được các chính sách thuế (vốn liên tục thay đổi, thậm chí còn không rõ nghĩa), dễ dấn đến sai phạm của người có nghĩa vụ nộp thuế. Trong khoảng thời gian 3 đến 5 năm, các lỗi (vô tình hay cố ý) được cộng dồn lại thì việc xử lý rất nặng. Thậm chí, có trường hợp đến khi cơ quan thuế phát hiện sai phạm thì đã muộn.

Về cơ chế kiểm tra, ngành thuế có thanh tra thuế, kiểm tra rà soát lại việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ thuế có đúng không; DN có chấp hành đúng chính sách thuế hay không? Nhưng, việc kiểm tra này chỉ thường tiến hành đối với những DN đình đám, những vụ việc “nổi cộm”. Chứ còn các DN ở quy mô nhỏ bé, các chuyện được cho là “ăn vặt vãnh” dẫu có muốn kiểm tra, thì thanh tra thuế cũng không lấy đâu ra lực lượng để có thể triển khai hết được.

Thực tế trong ngành thuế có nhiều cán bộ đàng hoàng đứng đắn, hết lòng với chức trách nhiệm vụ được giao. Nhưng lại có những “con sâu làm rầu nồi canh”, thế nên việc đào tạo tuyển chọn những người vào ngành thuế, dứt khoát phải được tiến hành kỹ lưỡng, khắt khe để thực sự chọn được những người có phẩm chất tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra bất ngờ, đột xuất, theo xác suất, ngẫu nhiên. Khi phát hiện sai phạm thì kiên quyết xử lý nặng để răn đe. Có như vậy, mới ngăn ngừa được tiêu cực trong ngành thuế./.

Đọc thêm