Những cơ quan nào xin trả lại vốn đầu tư công?

(PLVN) -Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại vốn đầu tư công để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Báo cáo về tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương sau sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng.

7 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của cả nước so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt 41%, ước giải ngân 8 tháng đạt 47%.

Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên cũng có 29 bộ, cơ quan trung ương và 66 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Đặc biệt, hiện có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả vốn với tổng số tiền là 6.338 tỷ đồng.

9 bộ, cơ quan trung ương nói trên gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

9 địa phương gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của 7 bộ (Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Đài tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 13.038 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 471 tỷ đồng).

Đọc thêm