Những 'con mắt thần’ ở Bình Dương

(PLO) - Máy soi container, camera giám sát, hoạt động giao lưu trực tuyến – những ứng dụng công nghệ mới đang được các doanh nghiệp ở Bình Dương gọi là những 'con mắt thần'. Đưa các ‘mắt thần’ vào sử dụng, Cục Hải Quan Bình Dương đã giúp cho doanh nghiệp được dễ dàng, thuận tiện hơn khi tiến hành các thủ tục hải quan.
Hải Quan Bình Dương đã sử dụng máy soi hàng hóa thay cho việc kiểm tra thủ công
Hải Quan Bình Dương đã sử dụng máy soi hàng hóa thay cho việc kiểm tra thủ công

Máy soi container – thấu mọi ngóc ngách, tiết kiệm tối đa cho doanh nghiệp

Hào hứng chia sẻ với chúng tôi về máy soi container -  một trong những “mắt thần” được triển khai ở ngành Hải quan Bình Dương, ông Nguyễn trường Giang  - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết: Từ khi áp dụng máy soi, việc kiểm tra hàng hóa được tiến hành nhanh gọn, bớt phiền hà hơn rất nhiều. Không chỉ tiện ích cho doanh nghiệp, ngành Hải quan cũng đạt hiệu quả công việc hơn khi sử dụng loại dụng cụ này. 

Máy soi container hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) được Cục Hải quan Bình Dương đưa vào hoạt động từ ngày 15-3-2013 tại Khu kiểm tra hàng hóa tập trung thuộc Chi cục Hải quan quản lí hàng hóa XNK ngoài khu công nghiệp. Sau một thời gian hoạt động, Cục Hải quan Bình Dương đã khai thác, phát huy được những lợi thế của máy soi, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp.

Qua thực hiện kiểm tra hàng hóa bằng máy soi cho thấy, thời gian soi chiếu nhanh chóng, trung bình chỉ từ 3 đến 4 phút/1 container, giảm từ 5 đến 10 lần so với thời gian kiểm tra thủ công. 

“Ngoài việc rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, việc kiểm tra bằng máy soi vừa tiết kiệm được nhân lực do không phải xếp dỡ hàng hóa thủ công; vừa tiết kiệm được chi phí phát sinh, như: Chi phí xếp dỡ hàng hóa thủ công, chi phí sử dụng thiết bị nâng hạ… cho doanh nghiệp. Hàng hóa của doanh nghiệp không bị xáo trộn, hư hỏng do các điều kiện khách quan như thời tiết…” ông Giang nói.

Ông Nguyễn Trường Giang Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương
Ông Nguyễn Trường Giang  Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương 

Việc kiểm tra container bằng máy soi còn cho hiệu quả cao hơn rất nhiều so với kiểm tra thủ công. Ông Giang lý giải: Bởi khi kiểm tra thủ công, chỉ được kiểm tra một tỷ lệ hàng hóa nhất định. Do đó, nó còn chưa yếu tố may rủi, có khi họ dấu hàng hóa trong đó nhưng mình lại không kiểm tra đến. Còn với máy soi, có thể soi được mọi ngóc ngách của container. 

Hiện nay ở Hải quan Bình Dương,  máy soi đã hoạt động ổn định với số lượng hàng soi chiếu khoảng 70-100 container/ngày. Đến 15/6/2016: đã soi chiếu được 1.851 container/1.167 tờ khai.  Trên cơ sở hiệu quả và nhu cầu trong thời gian tới, Cục Hải quan Bình Dương đã có đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan  trang bị thêm 01 máy soi lắp đặt tại địa điểm kiểm tra tập trung của Chi cục Hải quan Sóng Thần nhằm phục vụ cho việc kiểm tra thực tế hàng hóa của doanh nghiệp dọc theo tuyến đường Mỹ Phước- Tân Vạn.

Minh bạch hơn khi cả doanh nghiệp và lãnh đạo cùng ‘soi’

Có một ‘mắt thần’ khác cũng phát huy tác dụng khá cao ở Bình Dương – đó là camera theo dõi hoạt động của cán bộ Hải quan,

Cục Hải quan Bình Dương đã trang bị hệ thống camera giám sát tại 9/9 điểm thông quan hàng hóa thuộc 7/7 Chi cục Hải quan trực thuộc.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm giúp cho lãnh đạo các chi cục có thể giám sát cụ thể công việc mà cán bộ công chức thuộc quyền quản lý đang thực hiện, việc tiếp xúc với doanh nghiệp đã đúng với tuyên ngôn phục vụ khách hàng hay chưa, bảo đảm đúng quy định đối với người cán bộ công chức hay chưa; từ đó kịp thời chấn chỉnh, quán triệt tư tưởng cho cán bộ công chức đang thi hành công vụ vì doanh nghiệp phục vụ, bảo đảm đúng quy định của ngành.

“Cái hay của camera giám sát là cán bộ lãnh đạo cục có thể kiểm tra hoạt động thông quan hàng hóa của các Chi cục bất cứ lúc nào. Thậm chí, lãnh đạo không kiểm tra thì các cán bộ làm công tác thông quan cũng nghĩ rằng lãnh đạo đang kiểm tra, nên không được phép lơ là.” – ông Nguyễn Trường Giang nói. 

Hải Quan Bình Dương tận dụng triệt để công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ
Hải Quan Bình Dương tận dụng triệt để công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ

Đặc biệt, màn hình theo dõi camera không chỉ dành cho lãnh đạo quản lý xem, mà nó được lắp đặt ở ngoài sảnh Chi Cục để người dân, doanh nghiệp theo dõi. “Nếu chỉ để cho lãnh đạo giám sát hoạt động của nhân viên thì cũng chưa phải là công bằng, minh bạch, vẫn có thể có sự bao che. Nhưng ở đây, người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi hoạt động của cán bộ Hải quan. Theo dõi tình trạng hàng hóa của mình.” Vị Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương nói thêm về tính ưu việt trong việc lắp camera giám sát.

Tận dụng tối đa công nghệ giao lưu trực tuyến

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng Công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, Bình Dương từ lâu đã triển khai mô hình giao ban trực tuyến trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. 

Hàng tuần, với giao ban trực tuyến các chi cục không phải về trụ sở Cục để họp. Hơn nữa, nếu về trụ sở Cục thì chỉ 1, 2 lãnh đạo chi Cục về họp. Còn nhìn qua màn hình, có thể nhiều anh em được tham gia họp, được nghe lãnh đạo Cục chỉ đạo…” bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Chánh Văn Phòng – Cục Hải quan tỉnh Bình Dương – cho biết. 

Không chỉ cố định với lịch giao ban hàng tuần. Bất kỳ có vấn đề gì phát sinh, ngành Hải quan tỉnh Bình Dương đều triển khai họp trực tuyến để thông điệp của ngành được truyền đi một cách nhanh nhất, những vướng mắc được giải quyết kịp thời triệt để nhất.  

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Chánh Văn Phòng – Cục Hải quan Bình Dương
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Chánh Văn Phòng – Cục Hải quan Bình Dương

Đặc biệt, công nghệ trực tuyến còn được lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương áp dụng để giải quyết khi doanh nghiệp có những vướng mắc.

“Chúng tôi sẽ mời đại diện doanh nghiệp vào phòng trực tuyến của Chi cục. Bên này là người có thẩm quyền trả lời của Cục. Hai bên sẽ trực tiếp trao đổi vướng mắc. Những thắc mắc của doanh nghiệp sẽ được người có thẩm quyền của Cục trả lời ngay lập tức, không phải truyền đạt lại, và cũng không phải mất thời gian cho công văn đi, công văn về…” - ông Giang giải thích cơ chế áp dụng công nghệ trực tuyến một cách rất linh hoạt của Cục Hải quan Bình Dương. 

“Cục trưởng của chúng tôi còn có sáng kiến dùng phòng họp trực tuyến để “điểm danh” cán bộ của các chi cục. Gọi điện có thể còn nói dối. Nhưng đề nghị vào phòng giao ban trực tuyến thì không thể nói dối nếu không có mặt ở trụ sở.” – bà Hồng nói thêm.

Với những ‘mắt thần’ này, Hải Quan Bình Dương đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, và cũng là đơn vị con số trên 1,1 triệu tờ khai (đúng thứ 3/34 Cục Hải quan cả nước), kim ngạch xuất nhập khẩu trên 34 tỷ USD “Lượng tờ khai cũng như kim ngạch này theo đánh giá của chúng tôi thì sẽ tăng từ 10% – 12%/năm.” – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương tâm sự./.

Đọc thêm