Niềm hy vọng trụ lại sau cơn lũ

(PLO) - Cơn lũ dữ quét qua Lào Cai ngay sau cơn bão số 2 khiến hàng trăm gia đình thiệt hại và nhà ông Phúc không khỏi bị ảnh hưởng. Xót của lắm, nhưng ông vẫn quyết tâm, đã từng thoát nghèo đến ngày hôm nay với sự đồng hành của đồng vốn chính sách, không có lý gì lại chịu thua ông trời...
Ông Lại Hợp Thơi (Tổ dân phố số 1 phường Thống Nhất, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trong mô hình VAC mà ông và các hộ dân cùng xây dựng từ nguồn vốn chính sách
Ông Lại Hợp Thơi (Tổ dân phố số 1 phường Thống Nhất, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trong mô hình VAC mà ông và các hộ dân cùng xây dựng từ nguồn vốn chính sách

Bước lên vững chãi 

Ở thôn Đá Đinh 2 xã Tả Phời (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) ai cũng biết gia đình ông Châu Văn Phúc (dân tộc Giáy) - điển hình vươn lên thoát khỏi đói nghèo từ vốn chính sách đã được khen thưởng về phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Năm 2008, ông Phúc vay vốn hộ nghèo mua 1 con trâu, sau đó trâu sinh sản thành 3 con, năm 2013 trả hết nợ chương trình hộ nghèo, ông tiếp tục vay vốn hộ SXKD VKK là 30 triệu đồng để đầu tư đào ao thả cá, đến nay đã hoàn trả được vốn và lãi đầy đủ cho NHCSXH Cam Đường, đã có của ăn của để và lưng vốn lớn để đầu tư sang các đối tượng khác mà không cần phải vay vốn ngân hàng nữa. 

“Vài tiếng trước, lũ còn gầm réo ngoài kia, nhấn vườn ao trong nước. Nhà tôi cũng bị thiệt hại vì ao cá sắp đến vụ thu bị lũ phá. Đang tìm cách khắc phục đây, chẳng mấy nhà ở Tả Phời không bị lũ hại” – ông Phúc nói.

Sự quả quyết của ông Phúc là kết quả ông có được sau chặng đường nỗ lực thoát khỏi đói nghèo từ đồng vốn song hành từ NHCSXH, nên giờ ông làm Tổ trưởng TKVV, bà con dân tộc trong tổ nghe lắm. Tổ trưởng vừa biết làm vừa biết nói, sao bà con không nghe cho được.

Câu chuyện tương tự cũng là câu chuyện mà ông Lại Hợp Thơi (Tổ dân phố số 1 phường Thống Nhất, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) kể với chúng tôi. Từ năm 2009, phụ trách tổ 27 thành viên trong đó 21 tổ viên đang dư nợ 668 triệu đồng. Bản thân ông cũng là một hộ vay khoản tiền 15 triệu từ chương trình giải quyết việc làm. 

Chỉ cho tôi cơ ngơi VAC rộng chừng hơn 5.000 m2, ông kể: “Chúng tôi có 3 hộ, đều vay chương trình giải quyết việc làm được 85 triệu, góp lại xây dựng mô hình VAC tập trung này. Bấy nhiêu tiền, cùng với đất đai có sẵn và nguồn nhân lực từ 3 gia đình của tôi, hộ Vũ Thị Lan Hương, hộ Lại Nam Giang, chúng tôi đầu tư nhà xưởng, hiện đang có chuồng lợn 90 con, 1.400m2 ao cá. Vườn rau thì đủ chi trả nhu cầu lặt vặt hàng ngày. Cả ba gia đình đã có thu để tái đầu tư  mở rộng mô hình và trả nợ cho ngân hàng”.

Mong thêm vốn giải quyết việc làm cho bà con

Theo thông tin từ PGD NHCSXH Cam Đường – đơn vị hoạt động trên địa bàn TP. Lào Cai quản lý 14 xã, phường (trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn), 6 tháng đầu năm nay, các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho 277 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo  đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, đào ao thả cá. 

Ngoài lĩnh vực đầu tư cho nông nghiệp và lâm nghiệp, NHCSXH còn đầu tư được 147 công trình nước sạch và VSMT, 380 lao động được tạo việc làm mới, duy trì và mở rộng việc làm cho các thành viên trong hộ gia đình,  các món vay cho HSSV tiếp tục đến trường và cho vay mới lần đầu đối là 12 HSSV.

Với 12 chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH Cam Đường đã có những tác động tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các tiêu chí giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm tại địa phương.

6 tháng đầu năm, tổng dư nợ  NHCSXH Cam Đường đang quản lý là gần 137,7 tỷ đồng, đạt 99,99% kế hoạch dư nợ được giao, tăng cho vay 6,8 tỷ đồng so với cuối năm 2015,  với 6.127 hộ còn vay vốn.  

Trong đó, dư nợ chương trình hộ nghèo là 18,535 tỷ đồng (đạt 99,99% kế hoạch), dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo là 15,823 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), dư nợ chương trình hộ mới thoát nghèo là 11,419 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), dư nợ chương trình  giải quyết việc làm là 30,411 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch)... Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao,  nợ quá hạn giảm dần, hiện chỉ còn chiếm 0,15% tổng dư  nợ.

Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch xã đã đi vào hoạt động một cách nề nếp, tại các điểm giao dịch có đầy đủ các biển hiệu, niêm yết công khai danh sách các hộ vay vốn, số dư tiền gửi tiết kiệm, các chính sách tín dụng, các quy định mới của Nhà nước, của ngành về các chính sách tín dụng. Công tác đối chiếu, phân tích nợ đã được triển khai thực hiện hoàn thành 14/14 xã (phường) đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đặt ra. Đến nay, có 163 tổ TK&VV đã được kiện toàn củng cố, 115 tổ hoạt động tốt, 48 tổ hoạt động khá, không có tổ hoạt động yếu và trung bình.

“Đến nay, người dân trên địa bàn vẫn có nhu cầu vay rất lớn đối với vốn giải quyết việc làm” – đại diện NHCSXH Cam Đường chia sẻ - “Chúng tôi đang nỗ lực trong thời gian tới sẽ đáp ứng đủ nhau cầu của người dân đối với nguồn vốn này và các chương trình tín dụng chính sách khác”. 

Đọc thêm