Nới “room” vốn điều lệ của bên nước ngoài trong doanh nghiệp hàng không?

(PLO) - Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP  và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép nhà đầu tư ngoại sở hữu cổ phần doanh nghiệp hàng không nội lên tối đa 49%, thay vì trần 30% như hiện nay.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Nghị định này sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ  về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Theo đó, doanh nghiệp hàng không khai thác đến 10 tàu bay có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng, thay vì quy định phân biệt giữa hãng khai thác đường bay nội địa (300 tỷ đồng) và quốc tế (700 tỷ đồng) như quy định hiện hành. 

Với hãng hàng không khai thác từ 11 đến 30 tàu bay, vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, thay vì bay quốc tế là 1.000 tỷ đồng, bay nội địa chỉ 600 tỷ đồng.

Hãng khai thác trên 30 tàu bay phải có vốn tối thiểu 1.300 tỷ đồng, thay vì bay quốc tế là 1.300 tỷ đồng, bay nội địa chỉ 700 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp hàng không có vốn đầu tư nước ngoài từ 30% vốn điều lệ hiện hành lên tối đa 49% vốn điều lệ. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không không có vốn đầu tư nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài và việc tăng vốn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện sau 02 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, trừ trường hợp mua bán cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài là công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán và phải được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về hủy bỏ Giấy phép theo hướng nới thời hạn các điều kiện. Cụ thể, Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung bị hủy bỏ nếu doanh nghiệp không bắt đầu khai thác vận tải hàng không trong thời hạn  36 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép (quy định hiện hành là 18 tháng), doanh nghiệp ngừng khai thác vận tải hàng không  36 tháng liên tục (quy định hiện hành là 12 tháng), doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong thời hạn  36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép (quy định hiện hành là 18 tháng), giấy chứng nhận người khai thác tàu bay bị thu hồi, hủy bỏ quá  36 tháng mà không được cấp lại (quy định hiện hành là 12 tháng).

Theo Dự thảo, Hãng  hàng không phải thực hiện đăng ký với Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thực hiện về các nội dung sau: Sửa đổi Điều lệ hoạt động, Điều lệ vận chuyển, Điều lệ cung cấp dịch vụ hàng không chung; Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Thay đổi tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định này; Thay đổi thành viên bộ máy điều hành; Thay đổi cổ đông chiếm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên. 

Đọc thêm