“Nóng” chuyện luật hóa hộ kinh doanh

(PLVN) - Đồng tình với việc cần thiết phải luật hóa hộ kinh doanh (HKD) song đưa HKD vào trong Luật Doanh nghiệp (DN) hay sẽ xây dựng một luật riêng vẫn là cuộc tranh luận chưa hồi kết.
Làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có những HKD quy mô rất lớn nhưng họ vẫn muốn duy trì hình thức HKD
Làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có những HKD quy mô rất lớn nhưng họ vẫn muốn duy trì hình thức HKD

Kết thúc phiên họp hôm 23/3 cho ý kiến vào một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật DN (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí cần có luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của HKD và sẽ trình cả 2 phương án tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vướng luật, HKD khó phát triển

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, từ năm 1999, Luật DN đã có quy định về HKD. Chính phủ đã có hướng dẫn về việc đăng ký HKD từ Nghị định 02/2000/NĐ-CP. Trải qua hai lần sửa đổi Luật DN các năm 2005, 2014 thì quy định này vẫn được duy trì và Chính phủ vẫn tiếp tục hướng dẫn việc đăng ký HKD.

 “Như vậy, trải qua 20 năm, quy định về HKD vẫn tồn tại trong pháp luật về DN mà chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Việc điều chỉnh tư cách chủ thể của HKD lần này, luật hoá các quy định hợp lý và ổn định trong Nghị định của Chính phủ suốt 1/4 thế kỷ qua để đưa vào Luật DN sẽ giúp chuẩn hóa và tăng cường địa vị pháp lý của các HKD”, ông Lộc khẳng định.

Vị này cũng cho rằng, Luật DN là Luật quy định về các chủ thể kinh doanh gồm cá nhân kinh doanh (DN tư nhân) và pháp nhân kinh doanh (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần). Do đó, HKD sẽ buộc phải quy về hình thức cá nhân kinh doanh hoặc pháp nhân kinh doanh để phù hợp với Bộ luật Dân sự nên việc đưa vào Luật DN là hoàn toàn phù hợp.

Hơn nữa, Nhà nước hiện đã ban hành rất nhiều các biện pháp hỗ trợ DN, tạo điều kiện để các DN phát triển, đặc biệt là các DN dân doanh, được tạo điều kiện tham gia góp ý chính sách. Do không được coi là DN, các HKD hiện nay không được thụ hưởng các chính sách này.

Thêm vào đó, rất nhiều quy định pháp luật hiện đang hạn chế quyền thương quyền của các HKD (HKD chỉ được tuyển dụng không quá 10 lao động, chỉ được hoạt động tại một địa điểm;…) “Đây là những hạn chế vô lý, bất bình đẳng với HKD khiến cho HKD khó phát triển”, Chủ tịch VCCI lưu ý.

 Ngoài ra, những quy định về HKD có thể tích hợp làm một chương trong Luật DN như phương án Chính phủ trình mà không cần thiết ban hành Luật riêng. “Hơn nữa, việc xây dựng luật riêng đòi hỏi thời gian kéo dài, trình tự thủ tục phức tạp, không kịp thời đáp ứng nhu cầu tháo bỏ rào cản và hỗ trợ cho các HKD, cũng như không kịp thời tháo bỏ sự thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật”, ông Lộc phân tích.

Xây dựng luật riêng?

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Phan Đức Hiếu - người từng chắp bút xây dựng Luật DN sửa đổi lần này, việc đưa hay không đưa HKD vào Dự Luật lần này chỉ là vấn đề kỹ thuật. 

“Nhưng có một thực tế là HKD không có địa vị pháp lý nên rất rủi ro, có những HKD rất lớn, trong khi quy định lại hạn chế họ chỉ được sử dụng 10 lao động, cho nên cơ quan quản lý lao động đụng đến là họ rủi ro…”, ông Hiếu dẫn chứng.

Cũng theo ông Hiếu, HKD là loại hình kinh doanh độc lập và sẽ còn tồn tại lâu dài ở Việt Nam, nên không thể ép HKD thành DN. “Họ là một thực thể trong xã hội thì không thể có tư duy không muốn thì “cắt tay, cắt chân” theo kiểu khuyến khích chuyển thành DN. Họ chuyển hay không là quyền của họ. Quan điểm của tôi là phải để họ được quyền tồn tại, muốn vậy phải để HKD phát huy thế mạnh của họ”, ông Hiếu nói.

Chính vì vậy, theo Phó Viện trưởng CIEM, trong Dự thảo Luật DN, Ban soạn thảo chỉ bỏ những quy định hiện nay đang “trói chân, trói tay” HKD. “Nếu coi HKD là DN thì quan điểm này không đúng. Quan điểm của Ban soạn thảo là thừa nhận HKD là hình thức kinh doanh tại Việt Nam, quyền chọn hình thức HKD hay DN là của người dân…”, ông Hiếu nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm, làm một luật riêng cho HKD là phương án hoàn hảo nhất nhưng mất thời gian và trong thời gian đó HKD vẫn không có địa vị pháp lý như hiện nay.

Góp ý về vấn đề này, nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung tỏ ra thất vọng khi Dự thảo (chương VIIa) không những không có cải thiện gì về pháp luật kinh doanh mà trái lại tạo ra hàng loạt tác động tiêu cực lớn đến môi trường kinh doanh của HKD. 

Trao đổi với PLVN về việc HKD nên quy định ở đâu, TS. Cung cho rằng, cần có sự nghiên cứu đánh giá thấu đáo rồi mới kết luận nên như thế nào. “Có thể chỉ cần luật dân sự là đủ và không còn HKD mà là cá nhân kinh doanh”,vị này gợi mở. “Còn để như hiện nay, như ý kiến của TS Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI - PV) nói muốn đưa vào luật thì hãy dựa trên các quy định ở trong dự thảo mà bàn, không bàn chung chung”, nguyên Viện trưởng CIEM đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi, tại sao có tới 5 triệu hộ kinh doanh mà không xây dựng luật riêng để điều chỉnh? Vì vậy, đề nghị UBTVQH cho phép tiến hành tổng kết hộ kinh doanh và ban hành một luật riêng, trên cơ sở có báo cáo đánh giá tác động.

Đọc thêm