Nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn khó tiếp cận vốn

(PLO) - Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao có khả năng cho năng suất cao hơn sản xuất truyền thống gấp 10 lần. Tuy nhiên, khi triển khai tại Việt Nam thì không ít doanh nghiệp đang vướng mắc ở khâu tín dụng.
Một chủ trang trại bên vườn ươm giống
Một chủ trang trại bên vườn ươm giống

Vấn đề được đề cập tại Hội nghị “Hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức cuối tuần qua…

Mô hình phát triển nông nghiệp nhiều triển vọng

Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 17,4% GDP nhưng ngành nông nghiệp thu hút trên 50% lao động cả nước. Đây cũng là ngành góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu (năm 2015 đạt 30,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu). 

Với mong muốn thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản sạch bằng công nghệ cao (CNC) ở Việt Nam, cách đây 2 năm JICA đã chọn Lâm Đồng để triển khai mô hình nông nghiệp CNC. Theo ông MoRi Mutsuya, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam, Lâm Đồng là nơi lý tưởng về khí hậu, thổ nhưỡng để thực hiện sản xuất nông nghiệp CNC.

JICA đã lựa chọn, ưu tiên phát triển trồng hai sản phẩm nông nghiệp là rau sạch và hoa. Ông MoRi Mutsuya cũng cho biết, JICA đã thực hiện chương trình sản xuất rau sạch ở Malaysia, kết quả cho năng suất cao hơn so với phương thức sản xuất thông thường gấp 10 lần.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch VASS đánh giá cao sáng kiến của JICA, cho rằng định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC của JICA phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, ông thừa nhận chính sách tín dụng để đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều rào cản, chưa tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận vay vốn.

Khó tiếp cận vốn

Theo khảo sát của JICA về tình hình tín dụng nông nghiệp tại Lâm Đồng, 83% vốn vay là ngắn hạn; vay trung và dài hạn chỉ chiếm 17%. Trong khi đó, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC dành cho đối tượng có quy mô sản xuất trung bình và lớn, cần vốn vay dài hạn.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, con số khảo sát của JICA là phù hợp với thực tế. Vốn tín dụng của BIDV mà các cá nhân, doanh nghiệp vay đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu là vốn vay ngắn hạn (chiếm 83%), vốn vay dài hạn chỉ chiếm khoảng 16%. Theo ông Lâm, nông dân vay ngắn hạn để sản xuất theo mùa vụ trong trồng trọt, chăn nuôi.

“Đầu tư cho nông nghiệp khá rủi ro, nông dân chưa có những định hướng phát triển theo hướng sử dụng CNC. Cần phát triển công tác đào tạo, hướng dẫn các đối tượng vay, lập được các dự án phát triển kinh tế lớn, bền vững”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Chính phủ đã có những chính sách điều chỉnh trong việc cho nông dân vay vốn. Tuy nhiên, vấn đề bảo lãnh và các thủ tục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, vướng mắc ở một số cơ chế. Do đó, việc người dân tiếp cận nguồn vốn chưa thật sự thuận lợi, nhất là nguồn vốn đầu tư lớn.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, nhất là vừa tham gia TPP, việc phát triển nông nghiệp theo hướng CNC là điều cần thiết. Nếu phát triển theo quy mô nhỏ lẻ, nông dân chỉ có thể không đói, thoát nghèo chứ không thể làm giàu. “Cùng tham gia tập trung sản xuất theo hướng CNC, sản phẩm sạch, chất lượng là hướng phát triển khả quan. Cần tạo thuận lợi cho nông dân vay vốn để thực hiện tốt điều này”, ông Thắng nói.

Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC để tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao vướng mắc lớn vẫn là tiếp cận nguồn vốn. Lâm Đồng hiện có 10 ngàn hécta hoa, 5 ngàn hécta rau. 15% trong diện tích này được ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Dù nguồn vốn bỏ ra không ít nhưng hiệu quả cao hơn gấp hai lần so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Đọc thêm