Ở Đà Nẵng còn có cầu Thuận Phước “vừa đi vừa sợ sập”

(PLO) - Theo kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, không chỉ Tòa nhà Hành chính nghìn tỷ vừa hoạt động 3 năm đã bộc lộ bất cập, ở Đà Nẵng, còn nhiều công trình rất lãng phí sau khi xây dựng.
Cầu Thuận Phước
Cầu Thuận Phước

Điển hình nhất là công trình cầu Thuận Phước. Cây cầu với số vốn rất lớn được xây dựng với mục đích kết nối cảng Tiên Sa, lưu thông hàng hóa từ cảng. Tuy nhiên việc xây dựng sau đó đã không theo ý định ban đầu. Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy cho biết, cầu Thuận Phước “Bây giờ hầu như chỉ để làm… cảnh! Xe máy qua lại mật độ rất thưa thớt. Xe tải thì cấm rồi trong khi xe hơi qua cũng thấp thỏm sợ… sập!”

Hãy cùng nhìn lại Top 10 công trình và sự kiện tạo dấu ấn 40 năm của Đà Nẵng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội đồng Xác lập kỷ lục Việt Nam bình chọn nhân kỷ niệm 40 năm của thành phố Đà Nẵng (1975 - 2015) xem trong thời gian tới, còn công trình nào rơi vào cảnh bi hài như Toà nhà Hành chính và cầu Thuận Phước:

1. Hầm đường bộ Hải Vân dài và hiện đại nhất Việt Nam

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là một công trình giao thông tổng hợp gồm: đường, hầm, cầu và trang thiết bị vận hành đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam hầm.

Đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm đường bộ lớn và dài trên thế giới tại thời điểm thông xe (ngày 5-6-2005). Toàn tuyến công trình hầm đường bộ Hải Vân có chiều dài 12,047 km, được thiết kế vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 80km/h.

Trong đó, hầm chính dài 6.280m có chiều rộng 10m cho 2 làn xe, độ cao cho phép xe đi qua là 7,5m; hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính và có chiều dài tương tự, chiều rộng 4,7m, được nối với nhau bằng các hầm ngang, là đường thoát hiểm cho người và phương tiện khi có sự cố xảy ra. Đường hầm được xây dựng theo phương pháp NATM của Áo - đây là phương pháp thi công hiện đại, phù hợp với điều kiện kết cấu địa chất của Việt Nam, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để thi công đường hầm giao thông, hầm thủy điện… Hầm được làm theo dạng hình tròn để tăng khả năng chịu lực, tránh tập trung ứng suất tại góc.

Hầm đường bộ Hải Vân là một minh chứng sinh động cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của ngành giao thông vận tải. Bên cạnh ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, công trình hầm Hải Vân còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần đưa khu vực miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam xích lại gần hơn với khu vực Đông Nam Á cũng như hội nhập quốc tế.

2. "Chương trình 5 không 3 có" đầu tiên

Nhắc đến Đà Nẵng là người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có” đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt những năm qua. Trong đó, "5 không" gồm: Không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố; Không có học sinh bỏ học ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở; Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; Không có giết người để cướp của.

Sau 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được rất thành công. Để bắt tay vào thực hiện chương trình này, nhân dân và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng và trong 5 năm đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu "5 không”, được toàn quốc ghi nhận.

Tiếp bước với phong trào 5 không, Đà Nẵng bắt tay vào thực hiện chương trình "3 có”: Có nhà ở; Có việc làm; Có lối sống văn minh đô thị.

Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 - 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở. Trong khi đó, "Thành phố môi trường", một đề án mới đang được triển khai cũng có thể coi là hướng phát triển của việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.

3. Lễ hội pháo hoa quốc tế đầu tiên tổ chức tại Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng tạo ra những hoạt động, sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế tại Đà Nẵng, góp phần xây dựng Đà Nẵng thành "Thành phố sự kiện," UBND thành phố đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn là địa phương duy nhất trong cả nước tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC) thường niên.

Qua vài năm triển khai thực hiện, với kinh phí 100% xã hội hóa, DIFC đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng, thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn khán giả trong và ngoài nước, trở thành cú hích mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút các nhà đầu tư.

Thời gian tổ chức ban đầu được chọn đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3) nhưng do có những bất lợi về thời tiết nên bắt đầu từ năm 2011, UBND thành phố đã quyết định chuyển sang thời điểm kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4) nhằm đảm bảo thời tiết thuận lợi và tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ dài ngày.

Lễ hội bắn pháo hoa bắt đầu từ năm 2008, ban đầu là sự kiện "Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng”, rồi trở thành lễ hội thường niêm hằng năm. Lễ hội pháo hoa hằng năm thu hút được rất nhiều quốc gia trên thế giới tham gia như: Canada, Trung Quốc, Pháp, Ý …

Bên cạnh lễ hội pháo hoa là các hoạt động bên lề lễ hội hấp dẫn không kém, như: biểu diễn âm nhạc đường phố, diễu hành thuyền hoa, xích lô hoa, hoa đăng trên sông Hàn… đồng loạt diễn ra tại trung tâm thành phố và khu vực hai bên bờ sông Hàn…

4. Bệnh viện Ung thư nhân đạo phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được xây dựng trên diện tích 150.000 m2 với quy mô 500 giường, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, Bệnh viện Ung thư ra đời với mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận.

Đến nay, bệnh viện đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại cùng với gần 500 cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư. Nhiều thầy thuốc đã chọn và gắn bó với bệnh viện trong suốt những ngày đầu thành lập đến nay.

Ngoài chức năng điều trị với các phương pháp hiện đại, kết hợp đa mô thức trong điều trị, bệnh viện còn thực hiện chức năng tầm soát, phát hiện sớm ung thư cho bệnh nhân và nghiên cứu ung thư.

Ngoài việc có thể thực hiện hơn 1.000 các kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân mà Bộ Y tế cho phép, trong thời gian tới, bệnh viện còn có chính sách hợp tác trong điều trị giữa bệnh viện với các chuyên gia y tế trong và ngoài nước nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh cho người dân.

Để thuận lợi trong công tác quản lý và điều trị bệnh nhân, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã áp dụng hình thức điều trị khép kín và quản lý bệnh nhân bằng hệ thống tin học hiện đại. Mỗi bệnh nhân đến khám, điều trị sẽ được cấp thẻ từ và mã số riêng. Bất cứ các hoạt động khám, điều trị của bệnh nhân sẽ được bệnh viện cập nhật và quản lý điều trị bệnh đến suốt đời.

5. Cầu quay (xoay) hiện đại nhất - cầu Sông Hàn

Một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đã khởi công xây dựng cầu Sông Hàn - một công trình mang tính đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố lúc đó.

Đây không chỉ là công trình chào mừng thiên niên kỷ thứ ba mà còn là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho một khát vọng vươn lên của người dân thành phố.

Cầu Sông Hàn được khởi công ngày 2-9-1998 và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

Mục đích của việc xoay cầu sông Hàn là phục vụ giao thông đường thủy, khơi thông cho các tàu thuyền qua lại. Hằng ngày, vào khoảng 1 giờ khuya, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ sáng cầu sẽ quay trở lại như cũ. Từ khi có cầu Sông Hàn, từ trung tâm thành phố, qua đường Lê Duẩn chỉ mất 5 phút xe máy đã sang đến Bán đảo Sơn Trà, rút ngắn một chặng đường vòng 15 - 16km.

Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, niềm tự hào của riêng Đà Nẵng.   

6. Cầu Thuận Phước - cầu dây võng dài nhất Việt Nam

Nhìn từ mọi góc độ, cầu Thuận Phước đều mang một dáng vẻ hiện đại, lộng lẫy và đầy quyến rũ.

Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Từ đó, một hệ thống giao thông - du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên – Huế.

Với quan điểm thiết kế là kết cấu cầu phải thuộc loại hiện đại, tạo được điểm nổi bật nhưng không quá phức tạp, công nghệ thi công hiện đại nhưng phải từng được áp dụng trên thế giới để đảm bảo tính khả thi cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ thi công, ngày 19-7-2009, cầu Thuận Phước chính thức được thông xe với tổng chiều dài 1.856m, trong đó phần cầu treo dây võng dài 655m và phần cầu dẫn phía hai đầu Thuận Phước và Sơn Trà mỗi bên dài 600m. Cầu rộng 18m với 4 làn xe (ô tô và xe máy), 2 lối đi bộ và 2 lối đi dành cho xe đạp và xe thô sơ.

Phần nhịp chính dây võng của cầu gồm 3 nhịp dầm hộp thép liên tục dài 655m (125m+405m+125m) với tổng cộng 69 đốt dầm được nối với nhau bằng liên kết hàn. Ba nhịp dầm này được nối qua hai trụ tháp cao 80m (tính từ bệ cọc) với kết cấu dạng khung bằng Bê tông cốt thép. Kết cấu trụ được phác thảo mặt phẳng nhiều đường cong, tạo kiến trúc bằng các lồng kính, các chi tiết inox và nhôm. Hệ neo là kết cấu khung trọng lực trên hệ móng giếng chìm và mố neo cũng được phác thảo mặt phẳng nhiều đường cong với kiến trúc đẹp. Phần cầu dẫn phía Thuận Phước và Sơn Trà, mỗi bên gồm 12 nhịp dầm hộp Bê tông cốt thép dự ứng lực 50m liên tục.

Bên cạnh đó, với ý tưởng thiết kế ánh sáng là hình tượng cánh chim vươn ra biển lớn, công ty Philips đã sử dụng hệ thống đèn Led với công nghệ mới nhất mà công ty đang sử dụng cho những cây cầu trên thế giới để làm nổi bật thêm kiến trúc và vẻ đẹp tráng lệ của cầu Thuận Phước.

7. Cầu Rồng - cầu thép dài nhất

Cầu Rồng mới được xây dựng gần đây và được chính thức thông xe vào ngày 29 tháng 3 năm 2013.

Sở dĩ có tên cầu Rồng là vì trên cầu hiển hiện cả một con Rồng khổng lồ, có khả năng phun lửa và phun nước. Tất cả đã tạo nên một chiếc cầu tuyệt đẹp và hiện đại bậc nhất hành tinh.

Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, là biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Cầu Rồng được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, có tổng chiều dài 666,0 m, gồm 5 nhịp chính và 3 nhịp dẫn, chiều rộng 37,5m, có 6 làn xe chạy, mỗi làn 3,75 m, 2 làn đường dành cho người đi bộ. Cây cầu có kết cấu nhịp thép độc đáo nhất từ trước đến nay với hình dáng một con rồng dài 568m, nặng lên đến gần 9.000 tấn. Trong đó, phần đầu rồng dài 18,24m, nặng 194,1 tấn; phần thân rồng dài 530m, nặng 8.405,1 tấn; phần đuôi rồng dài 19,37m, nặng 183,9 tấn; phần vảy rồng 118,9 tấn.

Bên cạnh đó, hệ dầm hộp được liên kết với hệ vòm thép bằng kết cấu cáp dây treo. Đây là kết cấu vòm đặc biệt nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, công nghệ lắp dựng cầu Rồng cũng chưa có công trình nào tương tự nên đòi hỏi phải có những tính toán cẩn thận và kỹ lưỡng.

Toàn bộ công trình được sơn 5 lớp để chống tác động ăn mòn bên ngoài và tạo màu sắc cho thân Rồng, cảnh quan và đài phun nước, cùng hệ thống chiếu sáng hiện đại sẽ góp phần tạo nên một hiệu ứng đẹp cho công trình cầu Rồng vào ban đêm. Cụ thể, khi đêm về, cầu Rồng được thắp sáng với hơn 2.500 điểm đèn LED thông minh. Giải pháp chiếu sáng của cầu do công ty Philips (Hà Lan) đảm nhận, và sẽ chủ động thay đổi ánh sáng phù hợp với từng chủ đề của các sự kiện, lễ hội.

8. Hệ thống cáp treo dài nhất thế giới

Cáp treo Bà Nà không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách lên xuống “Đà Lạt của miền Trung” mà còn là một sản phẩm du lịch rất hấp dẫn.

Cáp treo Bà Nà được xây dựng đúng theo công nghệ của Áo, đảm bảo tiêu chuẩn của Hiệp hội Cáp treo châu Âu. Tuyến Cáp treo Bà Nà cũ (tuyến 1 và tuyến 2) đã đạt 2 kỷ lục thế giới (Guinness). Toàn tuyến cáp treo có 22 trụ với 94 cabin, công suất phục vụ 1.500 khách/giờ. Thời gian đi từ ga đi đến ga đến (hoặc ngược lại) là 15,05 phút với vận tốc 6m/giây.

Tuyến cáp Suối Mơ - Bà Nà là tuyến cáp treo thứ 3 được khánh thành vào ngày 29-03-2013. Tuyến cáp này đã được Tổ chức Guinness World Records công nhận 4 kỷ lục Guinness:

- Kỷ lục thứ nhất: Cáp treo một dây dài nhất thế giới với chiều dài 5.771,61 m.

- Kỷ lục thứ hai: Tuyến cáp treo có độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới 1.368,93 m.

- Kỷ lục thứ ba: Chiều dài một sợi cáp không nối dài nhất thế giới 11.587 m.

- Kỷ lục thứ tư: Cuộn cáp nặng nhất thế giới 141,24 tấn.

Đi vào hoạt động, tuyến cáp treo thứ 3 tại Bà Nà đã rút ngắn hành trình từ chân núi lên đỉnh núi chỉ còn lại 17 phút, tất cả có 86 cabin được thiết kế hở, sức chứa mỗi cabin là 10 người với công suất 1.500 khách/giờ, vận tốc 6 m/giây. Tổng kinh phí cho tuyến cáp này là 30 triệu EUR, và được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Cáp treo thế giới, bởi nhà sản xuất cáp nổi tiếng Doppelmayr (Áo) và CWA (Thuỵ Sĩ).

Với sự kiện quan trọng này, Khu du lịch Bà Nà Hills trở thành khu du lịch hội tụ nhiều kỷ lục thế giới nhất Việt Nam. Tại đây, những kỷ lục liên tiếp được lập nên. Cách đây gần 4 năm (25-3-2009), trên đỉnh núi Bà Nà, Công ty CP & DV Cáp treo Bà Nà đã đưa hệ thống cáp treo 1 dây đạt 2 kỷ lục Guinness với độ dài 5,042m và độ chênh lệch giữa ga đi và ga đến là 1,291m vào vận hành. 4 năm sau, tuyến cáp 3 đi vào hoạt động đã phá vỡ kỷ lục của 2 tuyến cáp cũ với chiều dài 5,771.61m, độ chênh giữa ga đi và ga đến là 1,368.93m.

9. Tượng Phật Bà tọa lạc ở chùa Linh Ứng cao nhất

Tượng Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt Sơn Trà có chiều cao 67m, cao nhất Việt Nam, chiều cao của tượng tương đương với một tòa nhà 30 tầng, với phong cảnh sơn thủy hiển linh.

Đường kính tòa sen rộng 35m, trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng thờ 21 Đức Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau gọi là "Phật Trung Hữu Phật”. Trên mão tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m.

Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa. Những ngư dân lênh đênh trên biển mỗi khi nhìn vào đất liền, thấy Phật Bà thì lòng cũng vững chãi hơn trên từng đợt sóng dâng cao.

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt Sơn Trà là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng cả về quy mô (rộng khoảng 20ha) lẫn kiến trúc nghệ thuật. Đây là ngôi chùa nằm trong quần thể du lịch bán đảo Sơn Trà được xây dựng với sự kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và truyền thống của chùa Việt, hiện đang là điểm du lịch mới của thành phố biển xinh đẹp này.

10. Vòng quay mặt trời cao nhất - Sun Wheel

Nằm trong dự án công viên Châu Á có tọa lạc nằm trong Công viên Châu Á (đường 2 tháng 09, TP. Đà Nẵng), vòng đu quay mặt trời cao nhất - Sun Wheel đã được hoàn tất để đưa vào vận hành. Tổng thể vòng đu quay cao 125m được khỏi công xây dựng từ tháng 5/2013.

Trong công viên nơi vòng đu quay được đặt sẽ có 4 khu chức năng chính là công viên văn hóa, công viên trò chơi, khu nhà biểu diễn đa năng và bãi đỗ xe. Trong đó, khu công viên văn hóa được chia làm 9 phân khu đại diện cho 9 quốc gia Châu Á gồm Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Indonexia, Malaysia, Sri Lanka, Brunei, Thái Lan và Việt Nam.

Đọc thêm