Phân bón thua lỗ gần 3.400 tỷ đồng: TGĐ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói gì?

(PLO) - Năm 2016, 20/24 đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lãi hơn 2.700 tỷ đồng nhưng chỉ vì 4 “ông lớn” sản xuất phân bón lỗ gần 3.400 tỷ đồng khiến năm qua tập đoàn lỗ hơn 600 tỷ đồng.
Nhà máy đạm Ninh Bình được đầu tư 12.000 tỷ đồng nhưng nhiều năm nay thua lỗ
Nhà máy đạm Ninh Bình được đầu tư 12.000 tỷ đồng nhưng nhiều năm nay thua lỗ

Phân bón bị cạnh tranh, nhiều gian lận

Ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Vinachem cho biết, năm 2016 thị trường phân bón gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn; giá phân bón liên tục giảm mạnh, nhập khẩu phân bón tăng; tình trạng kinh doanh phân bón giả chưa được kiểm soát dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh các đơn vị phân bón thuộc tập đoàn gặp bất lợi, khó cạnh tranh, thua lỗ.

Về thị trường xuất khẩu, phân bón thuộc Tập đoàn cũng gặp nhiều bất lợi do bị cạnh tranh gay gắt bởi phân bón Trung Quốc. Ngoài ra, việc xuất khẩu cũng gặp khó khăn do các thị trường truyền thống như Campuchia, Lào, Myanmar… bị thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp hoặc lạm phát cao.

Theo Tổng Giám đốc Vinachem, hiện quy định về nhập khẩu phân bón cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Theo đó, thuế xuất nhập khẩu phân bón hiện nay là 0%, khiến tình trạng phân bón giá rẻ, nhất là từ Trung Quốc nhập về Việt Nam số lượng lớn, phân bón trong nước tồn kho cao. Tình trạng phân bón giả, phân nhập lậu tiếp cận mạnh thị trường Việt Nam, trong khi cơ quan quản lí nhà nước chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Theo ông Tường, hiện Vinachem có 24 Cty con thì năm qua có 4 Cty làm ăn thua lỗ. Đặc biệt, cả 4 đơn vị này đều sản xuất phân bón, được đầu tư bài bản với số vốn hàng nghìn tỷ. Thế nhưng hiệu quả kinh tế lại không như kỳ vọng, liên tục thua lỗ sau khi cho vào hoạt động thương mại. Bốn “ông lớn” thua lỗ này là Cty CP Phân đạm Hà Bắc; Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Cty CP DAP Vinachem; Cty CP DAP số 2 Vinachem.

Năng lực quản trị kém

Phân tích nguyên nhân thua lỗ của bốn nhà sản xuất phân bón, Tổng Giám đốc Vinachem cho biết, một phần do giá phân bón giảm mạnh; đặc biệt, phân urê và DAP ảnh hưởng từ giá dầu thế giới và trong nước giảm. 

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, vị tổng giám đốc quy một phần do ngành than “tự ý nâng giá bán”. Theo đó, giá than nguyên, nhiên liệu do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bán cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc theo lộ trình tăng giá thì đến năm 2015 giá than cám 4a là 978.000 đồng/tấn, than cám 5 là 1.729.000 đồng/tấn.

Nhưng thực tế năm 2015, giá than cám 4a đã hơn 2,1 triệu đồng/tấn (tăng gấp gần 2,2 lần) và cám 5 là hơn 1,67 triệu đồng/tấn (tăng gấp 2,1 lần so với dự kiến giá năm 2015). “Do giá than nguyên liệu để sản xuất phân urê tăng rất nhanh và TKV không điều chỉnh giảm theo thị trường nên giá thành phân đạm của hai Cty Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc cao, không cạnh tranh được với đạm sản xuất từ khí có nguyên liệu thấp, được điều chỉnh giảm theo thị trường”, vị Tổng Giám đốc “trách móc” TKV.

Theo Tổng Giám đốc Vinachem, một phần nguyên nhân làm ăn thua lỗ của bốn nhà sản xuất phân bón còn do thời điểm các dự án đi vào vận hành thương mại không đúng thời điểm; bởi 5 năm gần đây thời tiết không thuận lợi khiến diện tích gieo trồng sụt giảm. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm, giá bán giảm, phân bón nhập khẩu tăng mạnh thì lần lượt cả ba dự án sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP 2 Vinachem lại đi vào vận hành thương mại. 

Ngoài những nguyên nhân khách quan, ông Tường cũng thừa nhận việc làm ăn thua lỗ của bốn “ông lớn” này còn do công tác quản lí điều hành sản xuất kinh doanh chưa linh hoạt, quản trị chi phí còn hạn chế, nhiều bất cập, đặc biệt là quản trị tồn kho vật tư, nguyên liệu và sản phẩm; sản xuất chưa bám sát thị trường làm tăng giá thành, sản phẩm khó cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong phát biểu chỉ đạo Vinachem dịp cuối năm nhấn mạnh, việc thua lỗ của bốn dự án sản xuất phân bón có nguyên nhân từ chủ quan và khách quan, nhưng yếu tố chủ quan là quan trọng hơn cả. “Đồng chí Chủ tịch, các thành viên của Hội đồng thành viên của tập đoàn có trách nhiệm trong các dự án đầu tư, vì các đồng chí được Nhà nước giao đầu tư, quản lí. Các đồng chí không bỏ tiền ra, là tiền của Nhà nước, nhưng các đồng chí phải coi là tiền của mình để có trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo lãnh đạo Tập đoàn cần phân tích, tháo gỡ khó khăn để tập đoàn phát triển, làm ăn có lãi.

Vinachem phấn đấu năm 2017 lãi 155 tỷ

Dù năm 2016, toàn tập đoàn lỗ 627 tỷ nhưng tập đoàn này đặt mục tiêu năm 2017 sẽ lãi 155 tỷ. Ngoài ra, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm tới đạt hơn 42.400 tỷ, tăng 8,3%; doanh thu đạt 43.567 tỷ đồng, tăng 9%; nộp ngân sách 1.693 tỷ đồng.

Đọc thêm