Phân phối hạt nhựa của Lọc hóa dầu Bình Sơn: PVN khẳng định không có khuất tất

(PLO) - Để giải cứu Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Công ty An Phát Holding (APH) đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để vận hành, sửa chữa. Đổi lại, APH được mua tối thiểu 35% lượng hạt nhựa PP của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Kỹ sư PVTEX kiểm tra chất lượng sợi DTY
Kỹ sư PVTEX kiểm tra chất lượng sợi DTY

Liên quan đến vấn đề này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây khẳng định, không có khuất tất trong việc thực hiện hợp đồng phân phối sản phẩm nhựa PP của BSR.

Đối tác “rót” vốn cứu dự án

Theo PVN, đơn vị này đang quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý các dự án chưa hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém. 

Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ là Dự án của Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu Khí (PVTEX) nằm trong 12 dự án khó khăn của ngành Công Thương. Dựa trên kết quả rà soát, đánh giá lại toàn bộ các phương án, giải pháp cũng như đề xuất của PVN về việc xử lý Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo) đã quyết định phương án xử lý như sau: Ưu tiên chọn phương án hợp tác với các nhà đầu tư khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc chuyển nhượng công ty.

Từ tháng 9/2017, PVN và PVTEX đã tích cực tìm kiếm đối tác để tham gia hợp tác vận hành nhà máy. Đến đầu năm 2018, PVN tìm được đối tác phù hợp là APH. Theo PVN, APH có kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và có năng lực về tài chính. Đơn vị này sẽ đứng đầu tổ hợp và cung cấp tài chính để vận hành lại Nhà máy. Như vậy, PVTEX và APH sẽ hợp tác để vận hành Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Theo thỏa thuận giữa hai bên, quá trình hợp tác được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ hợp tác gia công sợi DTY, giai đoạn 2 hợp tác sản xuất kinh doanh toàn bộ Nhà máy.

Tổ hợp APH sẽ bỏ toàn bộ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy; tuyển dụng, đào tạo lao động; huy động chuyên gia kỹ thuật nước ngoài; ứng vốn lưu động và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy. Dự tính, chi phí ước tính đơn vị này phải bỏ ra khoảng vài trăm tỷ đồng. Đổi lại, tổ hợp APH được đáp ứng một số điều kiện, trong đó có việc được mua tối thiểu 35% lượng hạt nhựa PP của BSR với các điều kiện mua bán tương tự như BSR đang áp dụng với các công ty khác.

Phù hợp với quy định pháp luật

Theo ông Đinh Văn Sơn - Thành viên HĐTV PVN, việc lựa chọn Tổ hợp APH là đối tác vận hành lại Nhà máy Xơ sợi Polyestes Đình Vũ được tiến hành một cách công khai, rộng rãi, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo trong xử lý dự án chưa hiệu quả. 

Về vấn đề sản phẩm nhựa PP của BSR, ông Đinh Văn Sơn cũng khẳng định, trong quá trình hợp tác, chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật. Ngày 1/11, sau một thời gian hợp tác, PVTEX và APH đã thực hiện nâng công suất sản xuất sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ lên khoảng 400 tấn sợi/tháng.

Ông Hồ Trí Dũng - Giám đốc Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn - đơn vị được APH uỷ quyền phân phối sợi DTY cho biết thêm, ngay sau khi ký kết hợp đồng gia công sợi DTY với PVTEX, APH và An Sơn đã bắt tay ngay vào tìm hiểu thị trường sợi. 

“Đối tác của BSR hiện đang mua sản phẩm nhựa PP là Công ty Opec. Công ty này cho rằng việc PVTEX hợp tác với APH khiến Opec bị cắt giảm nguồn cung 35% sản phẩm nhựa PP và cho rằng hợp đồng này được thực hiện theo “mệnh lệnh hành chính” của PVN. 

Tuy nhiên, đại diện PVN cho rằng họ không can thiệp vào hợp đồng này, đồng thời cho biết, theo quy định hiện hành, PVN với vai trò là cổ đông tại các doanh nghiệp chỉ đưa ra định hướng người đại diện vốn tại doanh nghiệp dựa trên lợi ích tổng thể và không phương hại đến lợi ích của bên thứ 3. Và tính đến nay, BSR vẫn đang đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng sản phẩm nhựa PP cho Opec theo đúng hợp đồng đã ký”.

Đọc thêm