Pháp luật phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà

(PLO) - Pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam đã ra đời cách đây hơn chục năm song việc áp dụng vào thực tế còn khá ít. Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu biết và mặn mà với các biện pháp phòng vệ thương mại. Tiến trình hội nhập sâu rộng đang đòi hỏi có những thay đổi về pháp luật phòng vệ để DN có thể sử dụng hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương

Tại “Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM ngày 29/6 đã chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại và đề xuất những giải pháp hoàn thiện về việc thực thi pháp luật phòng vệ thương mại.

Số vụ đi kiện còn quá thấp

Các nước thành viên của WTO đều nhìn nhận rằng các biện pháp phòng vệ thương mại chính là trụ cột cuối cùng, là một cứu cánh, van an toàn để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự  tồn tại trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu. Trong quá trình mở cửa hội nhập, các hàng rào thuế quan giữa các quốc gia sẽ dần được dỡ bỏ và đưa về mức 0-5%. Đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế.

Tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng cũng là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu. Cụ thể, năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Tiếp đó, vào năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 về chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Kèm theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng ban hành các nghị định và thông tư chi tiết hướng dẫn thi hành các điều trong các pháp lệnh nêu trên.

Theo bà Phạm Hương Giang – Phó trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại , Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam hiện mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống bán phá giá. Trong khi đó, đã có khoảng 100 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Nếu nhìn vào con số trên, đặc biệt là trong tương quan với số lượng rất lớn các vụ việc được tiến hành trên thế giới (311 vụ tự vệ, 4.757 vụ chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp), có thể thấy Việt Nam đã sử dụng rất ít các biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng chú ý, trong suốt 14 năm, Bộ Công Thương chưa tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp nào.

Nguyên nhân từ đâu?

Lý giải về thực trạng trên bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết một phần lỗi là do doanh nghiệp. Theo khảo sát về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài gần đây của VCCI cho thấy, 15,09% doanh nghiệp không biết, 63,21% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết gì sâu; 19,81% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89 % doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ- là bên liên quan.

Điều này cho thấy mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về phòng vệ thương mại còn khá hạn chế và rất ít doanh nghiệp Việt Nam mặn mà với công cụ này trong tự vệ và phòng vệ thương mại ngay tại thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỷ trọng các doanh nghiệp không đủ năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng chiếm con số lớn.

Đồng tình với quan điểm trên TS. Nguyễn Ngọc Sơn – giảng viên luật tại Đại học Tôn Đức Thắng cũng cho hay: thực tế từ những vụ tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp, tôi nhận thấy rằng sự hiểu biết pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại trong doanh nghiệp còn rất thấp. Nhiều doanh nghiệp còn hoài nghi, không tin tưởng về việc các biện pháp phòng vệ thương mại có thể bảo vệ được họ trước quá trình hội nhập nên họ cũng không mấy quan tâm. Chính điều này khiến cho việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại cũng trở nên khó khăn hơn.

Vấn đề thông tin cũng là một rào cản khá lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 3% doanh nghiệp nói có thể có thông tin cần thiết để đi kiện, 62% có nhưng không đầy đủ và 35% doanh nghiệp hoàn toàn không thể tiếp cận thông tin.

Trên thực tế, trong 6 vụ việc mà Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì có tới 4 vụ việc là sử dụng công cụ tự vệ bởi công cụ này dễ sử dụng hơn biện pháp chống bán phá giá. Doanh nghiệp chỉ cần tập hợp được bằng chứng chứng minh có thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt… Tuy nhiên, để chứng minh được điều này với doanh nghiệp là rất khó bởi cơ chế tiếp cận thông tin xuất nhập khẩu dù có nhưng không chi tiết đến dòng thuế quan tâm.

Cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan

Trước những thông tin mà các diễn ra đã nêu ra, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tổng kết và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam. 

Theo đó, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt pháp lý và nguồn lực cần thiết để ứng phó kịp thời khi cần phải áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia đang áp dụng phổ biến. Cùng với đó, việc tính toán biên độ bán phá giá, cơ quan điều tra cũng phải xác định mức độ thiệt hại của các ngành sản xuất theo tiêu chí cụ thể. Đặc biệt, với tiến trình hội nhập, các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại rất cần được đối chiếu rà soát sao cho phù hợp với các quy định của luật đầu tư sửa đổi, luật doanh nghiệp sửa đổi, luật thuế xuất nhập khẩu, luật hải quan…, đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp cũng cần chủ động bảo vệ mình trước trước quá trình hội nhập. DN cần phải chủ động cập nhật tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt (nguyên đơn); về các nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình (bên liên quan).

Để việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam được hiệu quả ông Nam nhấn mạnh: vấn đề phòng vệ thương mại cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp. Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương sẽ sẵn sàng đồng hành, bảo vệ quyền lợi củ doanh nghiệp. Hiện nay, mục tiêu hoàn thiện nội dung pháp luật cũng như nâng cao giá trị pháp lý của chế định này đang được xây dựng trong Dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2016. 

Đọc thêm