Phát huy ưu thế của hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại

(PLO) - Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại gần đây tăng trung bình khoảng từ 20-30%/năm. Tất cả tranh chấp chủ yếu được giải quyết thông qua hệ thống tòa án, trong đó nhiều vụ việc đơn giản không cần thiết đưa ra tòa án mà có thể giải quyết được bằng hòa giải.
Một khóa bồi dưỡng về hòa giải thương mại (Ảnh minh họa)
Một khóa bồi dưỡng về hòa giải thương mại (Ảnh minh họa)

Kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Anh, Hồng Kông, Singapore… cho thấy phương thức này có những ưu điểm như giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí, bảo vệ bí mật kinh doanh của các bên, tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh giữa các bên, tạo được sự tin cậy lẫn nhau… 

Ở Việt Nam, phương thức hòa giải đã được ghi nhận mang tính nguyên tắc trong các văn bản luật, dưới luật cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Đây là chủ trương quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, trong đó có hòa giải thương mại. 

Tuy nhiên, hoạt động hòa giải không phát triển do không có một văn bản pháp luật nào điều chỉnh, chưa có được những quy định cụ thể, hướng dẫn về hòa giải viên, tổ chức hòa giải chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục hòa giải, không có cơ chế đảm bảo hiệu lực kết quả hòa giải… Chẳng hạn, tại VIAC, tuy hòa giải là thủ tục không bắt buộc nhưng luôn được Hội đồng Trọng tài tiến hành, khuyến nghị trước khi xét xử. Có điều, số vụ vô cùng khiêm tốn, chỉ 5 vụ suốt từ năm 2007 – 2016.

Vì vậy, thực hiện Quyết định số 808/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Nghị định 22 nêu rõ, phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.

Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản. Các bên có quyền lựa chọn hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc hòa giải viên thương mại vụ việc. Việc giới thiệu hòa giải viên thương mại thông qua tổ chức cung cấp hòa giải thương mại được thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.

Kết quả hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp. Kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự, được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Ngoài ra, Nghị định 22 quy định trong trường hợp hòa giải không thành các bên có quyền yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật…

Nhiều chuyên gia pháp lý hoan nghênh việc ban hành Nghị định 22 tạo ra khung pháp lý, tạo điều kiện cho sự phát triển của hòa giải. Song cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn có điểm chưa tương thích với pháp luật quốc tế. LS Nguyễn Mạnh Dũng và Đặng Vũ Minh Hà cùng chỉ ra, Nghị định yêu cầu hòa giải viên vụ việc phải đăng ký tại Sở Tư pháp là một “rào cản” kỹ thuật ngăn cản sự lựa chọn hòa giải viên nước ngoài tham gia hòa giải các tranh chấp tại Việt Nam. Đây là một điểm hạn chế, nhất là với các tranh chấp đầu tư bởi nguồn nhân lực có chuyên môn về hòa giải và đầu tư ở Việt Nam còn rất hạn chế.

Đọc thêm