Phát triển doanh nghiệp xã hội: Lo bị “mượn danh” để làm càn…

(PLO) - Hàng loạt vấn đề xã hội là cái “giá” phải trả cho tăng trưởng và để giải quyết hiệu quả những vấn đề này, cần đến các doanh nghiệp xã hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thể chế hóa về pháp lý doanh nghiệp xã hội (DNXH) nhằm tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển loại doanh nghiệp (DN) này như một phương thức mới và góp phần cùng với Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. 
DNXH được xác định là DN được thành lập và hoạt động với tôn chỉ và mục tiêu nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường trong suốt quá trình hoạt động; phần lớn lợi nhuận hàng năm của DN được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như đã đăng ký (Điều 11). Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên gia, cần để ý đến vấn đề “nấp” sau chính sách về DNXH là “không cho lạm dụng chính sách này để trục lợi”.
Con “lai” nên chật vật phát triển
Là một mô hình mới ở Việt Nam nhưng ở nhiều nước, DNXH đã được phát triển mạnh mẽ. Như ở Anh có đến 55.000 DNXH, đạt 27 tỷ bảng doanh thu, đóng góp 8,4 tỷ bảng/năm cho GDP, sử dụng 475.000 lao động, chiếm 5% tổng số lao động của khu vực DN. Nhiều nước đã có sự công nhận chính thức đối với các khu vực DNXH và hỗ trợ họ bằng việc xây dựng khung khổ pháp lý và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển. 
Ở Việt Nam, những DN “kinh doanh giống với DNXH” đã bắt đầu phát triển. Điều tra sơ bộ tại Hà Nội và TP.HCM năm 2012 cho thấy, có hơn 200 DNXH đang hoạt động, trong đó 68% DN có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo; 48% DN liên quan đến mục tiêu bảo vệ môi trường... 
Nhưng điều đáng nói là, theo phản ánh của các DN này, họ “đang phải chịu nhiều hạn chế, bất lợi phát triển do tính chất và mục tiêu xã hội của hoạt động kinh doanh và do hạn chế thể chất và tinh thần của người điều hành DN” nên khảo sát thực tế và tham vấn chính sách trong quá trình soạn thảo Luật DN (sửa đổi) cho thấy, phát triển DNXH sẽ “trở thành một lực lượng bổ sung và chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong cung cấp phúc lợi và giải quyết các vấn đề xã hội - môi trường một cách hiệu quả và bền vững”.
Theo các chuyên gia, do nhận thức của cộng đồng còn hoài nghi về tính chất “phi lợi nhuận” của các DNXH đã tạo ra những rào cản nhất định cho các DNXH khi làm việc với các bên liên quan, làm gia tăng các chi phí về thời gian, nguồn lực và chi phí cơ hội, hạn chế khả năng tạo tác động tích cực, bền vững. DNXH hiện bị coi là một “tổ chức từ thiện” nhưng đại diện một DNXH cho rằng: “Trên thực tế, coi DNXH là tổ chức từ thiện thì không đủ, mà coi là một DN lại không đúng”. 
Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, DNXH là mô hình “lai” nhưng mang lại hiệu quả “kép” khi vừa hoạt động kinh doanh vừa đạt các mục tiêu xã hội thông qua việc giải quyết các vấn đề xã hội, thất bại thị trường và tìm ra giải pháp đột phá để tạo giá trị xã hội. 
Dẫu vậy, khi DNXH chưa được “chính thức hóa” thì các DNXH sẽ vẫn phải gặp khó khăn từ khi thành lập, trong quá trình hoạt động, thậm chí là từ cả chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức.., hạn chế trong thu hút và tiếp cận các nguồn đầu tư tài chính và hỗ trợ khác, các ưu đãi chính sách, thiếu hụt nguồn nhân lực phù hợp, chưa có các dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực chưa phát triển... ảnh hưởng đến sự phát triển của các DN trong lĩnh vực này.
Ngăn ngừa lợi dụng chính sách
Trước vai trò quan trọng nhất định trong đời sống xã hội, góp phần cùng Nhà nước giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra một cách có hiệu quả hơn, đã được triển khai hiệu quả ở nhiều quốc gia của DNXH, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã thể chế hóa loại hình DN này với mong muốn tạo được khung pháp lý cho DNXH phát triển, không bị “chèn ép” như hiện nay để phát huy được một phương thức mới giải quyết vấn đề xã hội. 
Nhưng nhìn nhận qui định này dưới thực tiễn hoạt động của DNXH làm nảy sinh những băn khoăn về cơ hội phát triển của DNXH khi đã được “luật hóa”. Thực tế cho thấy, sự “nghi ngờ” về bản chất của DNXH còn rất nặng nề, không kể đến những nghi ngại về tình trạng “khoác áo” DNXH để hưởng ưu đãi, tương tự như nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn “khoác áo” hợp tác xã trước đây” như lo ngại của ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thái Bình.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - cảm thấy “không an toàn” với những quy định các chế độ ưu đãi về đầu tư, huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động cân bằng DN rất dễ bị lợi dụng dẫn đến tiêu cực hoặc quay lại cơ chế xin - cho để được công nhận là loại hình DNXH, để được hưởng những ưu đãi mà khó quản lý được. 
Vì thế nhiều doanh nhân, chuyên gia kiến nghị “cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi theo hướng khuyến khích DN tham gia các hoạt động xã hội, nhưng cũng ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với DNXH để trục lợi” như quan điểm của ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh - nêu ra đối với qui định về DNXH. 
Nhưng ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Các chính sách hỗ trợ nếu có thì tốt nhưng chưa phải quan trọng vì DNXH sẽ hoạt động để “hữu xạ tự nhiên hương”. Các bước tiếp theo quan trọng cho DNXH phát triển là có văn bản pháp lý về đăng ký và quản lý DNXH, tập hợp, đánh giá các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với DNXH trong giải quyết các vấn đề xã hội để có qui định phù hợp sau khi Dự thảo Luật DN (sửa đổi) với qui định về khái niệm DNXH được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Không nên bắt buộc tái đầu tư với tỷ lệ “cứng” là 51%
Mặc dù Khoản 1 Điều 11 Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã qui định “ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của DNXH được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xă hội, môi trường đã đăng ký”, nhưng bà Nguyễn Thị Huệ (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Viết Hiền, tỉnh Đắk Lắk) lại nhận thấy “chưa khả thi”, vì thực tế rất khó kiểm soát hoạt động tái đầu tư của DN có đúng mục đích không và cũng khó xác định cụ thể các vấn đề xã hội, môi trường là vấn đề gì. 
Có nhận định tương tự, ông Đỗ Văn Vẻ (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thái Bình) chỉ ra: “Nếu DNXH được hưởng các ưu đãi và khuyến khích nhưng chi phí hoạt động lớn dẫn đến bị lỗ hoặc không có lợi nhuận, khi đó điều kiện 51% lợi nhuận hàng năm của DN được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng kí sẽ không còn ý nghĩa”. 
Cũng đề nghị cân nhắc về qui định “51% tổng lợi nhuận hàng năm dành cho tái đầu tư” đối với DNXH, ông Nguyễn Lâm Thành (Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) nhận thấy “Đây là loại hình DN cần được chú ý và có chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là về thủ tục đầu tư, điều kiện kinh doanh, miễn giảm thuế, thời gian thuê đất, vay vốn, hỗ trợ đào tạo...” nên không bắt buộc quy định theo điều kiện 51% như trên, nhưng phải bảo đảm các điều kiện quy định chung khác với DN và giải quyết được vấn đề việc làm, đời sống của các đối tượng xã hội. 

Đọc thêm