Phát triển năng lượng tái tạo: Cần giải “bài toán” thiếu cơ chế

(PLO) - Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện rác thải…) nhưng cho đến nay việc triển khai thực hiện các dự án lĩnh vực này ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế để phát triển còn nhiều bất cập.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (Hoài Đức – Hà Nội) là hướng đi nhằm đẩy mạnh năng lượng tái tạo
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (Hoài Đức – Hà Nội) là hướng đi nhằm đẩy mạnh năng lượng tái tạo

Vẫn gặp khó trong cơ chế giá điện 

Phát triển năng lượng mặt trời đang là xu hướng tất yếu của thế giới nhờ ưu thế về giá và hiệu quả đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, hiện hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ và các nhà đầu tư chưa thực sự chú trọng vào các dự án điện mặt trời do các chính sách liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định…

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), việc mong muốn có được 12.000MW điện vào năm 2030 có thể đạt được, không còn nằm ở tiềm năng. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế giá cho điện mặt trời theo Quyết định 11 về giá điện mặt trời mới chỉ áp dụng giá 9.35cent trong thời hạn 3 năm. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa rõ sau năm 2019, giá điện của Việt Nam sẽ như thế nào, có giảm đi hay không?

“Vì thế, các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ đưa ra chính sách, cơ chế giá điện mang tính dài hạn hơn nữa, rút ngắn các thủ tục đăng ký cấp phép… để góp phần phát triển nhanh ngành năng lượng tái tạo  (NLTT) ở Việt Nam”, ông Đỗ Đức Tưởng, đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) nêu ý kiến.

Nguồn năng lượng gió cũng vậy. Từ góc độ địa phương, ông Phạm Văn  Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chính phủ đã có chủ trương phát triển năng lượng gió nhưng tại tỉnh Ninh Thuận từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có dự án nào đưa vào vận hành, mặc dù Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng nhất về NLTT. Vấn đề nằm ở chính sách giá, hiện nay giá 7,8cent/kWh chưa thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư vào dự án năng lượng gió.

Cũng theo ông Hậu, nguồn năng lượng mặt trời cũng vậy, sau khi có chủ trương phát triển đã tạo làn sóng đầu tư mạnh nhưng cần quy hoạch, phát triển quy hoạch điện mặt trời, xác lập điện mặt trời vùng nào, tiềm năng, lợi thế ra sao… để ưu tiên quy hoạch và kêu gọi đầu tư cũng như đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho loại năng lượng này.

“Bên cạnh đó, hệ thống các tiêu chuẩn chuyên ngành trong lĩnh vực NLTT còn thiếu, chưa đồng bộ. Cùng với đó, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch phát triển lưới điện. Dự án điện mặt trời nằm rải rác khắp các khu vực hệ thống kết nối lưới của các dự án cũng là vấn đề phải đặt ra”, ông Phạm Viết Hùng, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói.

Nhà đầu tư khó tiếp cận vốn vay

Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều hỗ trợ về giá cho NLTT nhưng mức hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, tư vấn NLTT, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), năm 2016, NLTT chiếm 24,5% tổng sản lượng điện toàn cầu và sắp tới sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn. Cùng thời điểm, tổng đầu tư cho NLTT là 241 tỷ USD gấp 2 lần vốn đầu tư vào điện truyền thống. Trong tương lai, giá thành NLTT có thể cạnh tranh với điện truyền thống.

Hiện Việt Nam có rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang được đầu tư xây dựng trên các tỉnh, thành. Tính đến tháng 7/2017, tổng công  suất các dự án đã đăng ký điện gió là hơn 7.000MW, điện mặt trời 17.000 MW, điện sinh khối hơn 600MW với hơn 40 dự án đăng ký. Khu vực nhiều điện gió là Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, hơn 1.000MW mỗi tỉnh. Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa mỗi tỉnh từ 2.000-3.000MW còn điện sinh khối rải rác ở Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa.

Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu NLTT chiếm 9,9% vào năm 2020 và 21% vào năm 2030. Chính phủ  đã ban hành cơ chế hỗ trợ giá cho NLTT, hỗ trợ vốn vay, thuế, miễn giảm tiền thuê đất cho DN đầu tư NLTT.

Tuy nhiên, hỗ trợ về giá chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn có lãi suất ưu đãi. Chỉ tính điện gió, điện mặt trời, nhu cầu vốn đã lên tới 23 tỷ USD. Tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là cần thiết để thực hiện thành công các dự án NLTT bởi chi phí vốn là yếu tố lớn nhất trong sản xuất NLTT.

Mặc dù đã có một số chương trình hỗ trợ cho phát triển NLTT như chương trình tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước với tổng vốn  2.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại 1-3%; Chương trình Get.Fit do CHLB Đức hỗ trợ…Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ còn rất hạn chế, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của ngân hàng và các tổ chức tín dụng để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

Đọc thêm