Phí bảo vệ môi trường đang bị sử dụng sai mục đích ?

(PLO) - Khi thực hiện khai thác khoáng sản, doanh nghiệp không chỉ phải nộp thuế tài nguyên mà còn phải nộp phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều địa phương chịu tác động môi trường xấu từ khai thác khoáng sản lại không được sử dụng phí bảo vệ môi trường. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thu lợi kinh tế nhưng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng
Phát biểu tại Hội thảo “Khai thác khoáng sản: Từ câu chuyện cộng đồng đến các vấn đề chính sách” do Liên minh Khoáng sản (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) tổ chức vào sáng qua (23/10), ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) đã tạo một nguồn thu lớn cho Nhà nước. Năm 2013, Nhà nước thu 7.462 tỷ thuế tài nguyên và 1.836 tỷ phí bảo vệ môi trường (BVMT) ngoài dầu thô. Đấy là chưa kể đến các đóng góp từ VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, hệ quả việc khai thác này không phải nhỏ. Bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản đánh giá, KTKS là ngành phức tạp, đòi hỏi các DN khai thác phải có quản trị tốt, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình cao. Việc chuyển hóa tài nguyên khoáng sản thành sự thịnh vượng cho xã hội mà không để lại hậu quả môi trường là điều khó khăn. Ở những nước kém phát triển như châu Phi, tài nguyên khoáng sản lớn, nhất là vàng, kim cương, nhưng lại chưa đủ công nghệ để chuyển hóa thành sự thịnh vượng nên họ vẫn nghèo nàn, lạc hậu.
Theo bà Thủy,  cộng đồng địa phương là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động KTKS. Hoạt động KTKS trực tiếp “cướp” đi của người dân nhiều diện tích canh tác. Trong khi đó, chính sách đền bù đất còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân. Theo khảo sát, năm 2005 hoạt động khai khoáng trên cả nước chiếm 41.000ha. Năm 2012, Thái Nguyên có diện tích khai khoáng 3.191ha, chiếm 1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Quảng Ninh, riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động chiếm dụng 5.700ha. 
KTKS cũng ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng đường sá do hoạt động vận chuyển quặng. Ngoài ra, nhiều nơi cho rằng việc KTKS sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, nhưng thực tế cơ hội việc làm cho họ là rất khiêm tốn. “Thông thường, DN chỉ sử dụng người dân địa phương là những lao động trẻ, thực hiện những công việc phổ thông; nhiều người không có hợp đồng, không có bảo hiểm; rủi ro tai nạn lao động cao”, bà Thủy nêu thực trạng.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trung Tâm, người dân tổ 15 thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết, địa phương ông là nơi diễn ra hoạt động khai thác mỏ sắt từ năm 1963. Cách đây không lâu, diện tích khai thác mỏ sắt được mở rộng, người dân di dời đến khu tái định cư mới nhưng không có đất canh tác, không nghề nghiệp, không biết làm gì để sống.
Phí bảo vệ môi trường được sử dụng sai mục đích?
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là phí BVMT. Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau phát biểu tại hội thảo, môi trường địa phương ông chịu tác động lớn từ việc khai thác mỏ sắt nhưng hàng chục năm nay không nhận được đồng nào từ phí BVMT. Những hoạt động cải tạo môi trường của địa phương chủ yếu được phía các công ty KTKS hỗ trợ. 
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đảng ủy Mỏ sắt Trại Cau (Cty CP Gang thép Thái Nguyên) cho biết, ngoài tiền thuế, hàng năm Cty đều đặn nộp phí BVMT cho Nhà nước. Tuy nhiên, khi có sự cố liên quan đến môi trường, kinh phí khắc phục hậu quả, đền bù cho dân thì lấy tiền từ quỹ của Cty, không phải từ phí BVMT đã đóng. Có lần chúng tôi phải bỏ ra 10 tỷ để khắc phục hậu quả môi trường, dù chúng tôi đã đóng phí này.
Tiến sĩ Phạm Quang Tú, một chuyên gia khoáng sản đề xuất, phí BVMT mà các DN khai khoáng đóng góp cho Nhà nước phải được đầu tư lại cải tạo môi trường ở địa phương có các mỏ đang khai thác. Nếu sử dụng tiền này cho việc khác thì có dấu hiệu sai mục đích. 
Hiện nay, có tình trạng phí BVMT của các DN khai khoáng được nộp cho ngân sách tỉnh. Sau đó phí này được hòa chung với các khoản ngân sách khác, sau đó phân bổ đều đến các địa phương. Chính vì vậy mà nhiều địa phương có mỏ khai khoáng, chịu tác động tiêu cực lớn về môi trường nhưng lại không được cấp phí BVMT để cải tạo. 
Nhiều đại biểu đề nghị, trong lần sửa đổi quy định mới về Luật Khoáng sản tới đây, cơ quan soạn thảo cần đưa vào quy định việc sử dụng phí BVMT, trong đó đảm bảo địa phương có mỏ khai khoáng được ưu tiên sử dụng nguồn phí này.

Đọc thêm