Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ Thông xe cầu Thăng Long

(PLVN) - Sau gần 150 ngày sửa chữa, cầu Thăng Long chính thức được đưa vào khai thác trở lại. Tại lễ thông xe sáng nay 7/1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến dự và phát biểu ý kiến.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ thông xe cầu Thăng Long
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ thông xe cầu Thăng Long

Phát biểu tại lễ thông xe cầu Thăng Long, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng nhà thầu và các đơn vị liên quan đã hoàn thành trước tiến độ dự án sửa chữa cầu. Theo Phó Thủ tướng, việc thông xe trước Tết Âm lịch 2021 hơn một tháng lại càng có ý nghĩa hơn vì đây là khoảng thời gian người dân đi lại nhiều.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cầu Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội không những của Thủ đô mà còn cả khu vực phía Bắc; là cửa ngõ đi sân bay Nội Bài và vùng kinh tế phía Bắc. “Cầu Thăng Long không chỉ có ý nghĩa với Hà Nội mà có ý nghĩa cả cùng, là cầu nối giữa Thủ đô, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng trung du và miền núi phía Bắc”, Phó Thủ tướng nói. Cũng theo Phhos thủ tướng, giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, giao thông thông suốt thì mới tạo thuận lợi để kinh tế phát triển.

Nghi lễ cắt băng thông xe cầu Thăng Long
 Nghi lễ cắt băng thông xe cầu Thăng Long

Không chỉ đánh giá cao cầu Thăng Long trong vai trò phát triển kinh tế-  xã hội, Phó Thủ tướng còn đánh giá cao ý nghĩa lịch sử, văn hóa của cầu Thăng Long.  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc lại: Cầu Thăng Long trước đây được Liên Xô hỗ trợ xây dựng từ năm 1974, trở thành biểu tượng tình hữu nghị Việt – Xô. “Cùng với cầu Long Biên, cầu Thăng Long mang trong mình nét văn hóa của Hà Nội”, Phó Thủ tướng nói.

Sau khi thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội khai thác, bảo quản, bảo dưỡng cầu chu đáo, sử dụng được lâu dài. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị xử lí nghiêm các trường hợp xe tải quá khổ, quá tải đi qua cầu Thăng Long vì nếu để tình trạng này xảy ra cầu sẽ rất nhanh xuống cấp.

Những chiếc xe lăn bánh đầu tiên trên cầu Thăng Long sau khi được sửa
 Những chiếc xe lăn bánh đầu tiên trên cầu Thăng Long sau khi được sửa

Theo ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi cầu Thăng Long được thông xe, tốc độ tối đa là 80km/h. Cũng theo ông Huyện, cầu Thăng Long lần này được sửa theo hướng tăng cường mặt cầu thép thành mặt cầu liên hợp nhẹ. Liên kết này được thực hiện bằng đinh neo tiêu chuẩn dài 5cm và lưới cốt thép. Tổng cộng đã có 1,5 triệu đinh neo được hàn trên bản mặt cầu.

Về lớp bê tông nhựa mới được phủ trên mặt cầu, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết tùy thời tiết và lưu lượng xe qua lại, lớp nhựa này có tuổi đời từ 5- 10 năm.

Tổng mức đầu tư dự án sửa cầu Thăng Long hơn 269 tỷ; tốc độ tối đa xe lưu thông là 80km/h
Tổng mức đầu tư dự án sửa cầu Thăng Long hơn 269 tỷ; tốc độ tối đa xe lưu thông là 80km/h 

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nhà thầu trúng thầu thi công là Liên danh Thành Hưng – Vĩnh Hưng – Phương Thành – Thuận An.

Đọc thêm