Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sang Mỹ dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp Việt Nam

(PLO) - Ngày 28/6, tại Boston, Mỹ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Việt Nam đã bắt đầu tham dự các hoạt động của Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp Việt Nam (VELP 2018) diễn ra trong hai ngày (28/6 và 29/6) tại Đại học Harvard và làm việc tại Boston, bang Massachusetts. 
Đoàn Việt Nam thăm Viện Công nghệ Massachusetts
Đoàn Việt Nam thăm Viện Công nghệ Massachusetts

Theo Bộ Ngoại giao, VELP là Chương trình trao đổi chính sách cao cấp được hình thành cách đây tròn 10 năm theo sáng kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại học Harvard. Chương trình dành cho lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tham dự như một diễn đàn nhằm trao đổi, tham vấn và phản biện chính sách.

Tham gia VELP 2018 có nhiều học giả, giáo sư của Trường Harvard Kennedy School, Đại học Fulbright Việt Nam và một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu khác của Mỹ. Chương trình có các phiên trao đổi về xu hướng kinh tế thế giới; không gian mạng và an ninh quốc gia; sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; chiến lược đô thị và quốc gia và chất lượng tăng trưởng; vấn đề chuyển dịch nguồn lực giữa các địa phương; các vấn đề về môi trường nông thôn, khu vực Mekong và đô thị; chiến lược đô thị và điều chuyển ngân sách; và chiến lược năng lượng cho Việt Nam.

Tại các buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đường lối, chính sách đối ngoại, chính sách phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam. Đoàn cũng đã trao đổi cởi mở về những thành tựu và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, các ưu tiên chính sách Việt Nam cần tập trung để nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động nhanh, bất ổn định và ngày càng khó dự đoán.

Nhân dịp này, các nội dung như chính sách chuyển giao công nghệ của một số nước trên thế giới, vai trò của các thành phố như là một động lực tạo năng lực cạnh tranh cho quốc gia, việc phân bổ ngân sách giữa các địa phương để tạo cực tăng trưởng cho nền kinh tế cũng như việc xử lý thách thức do biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng được tập trung thảo luận. 

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thăm Trung tâm Sáng tạo, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Đoàn đã được giới thiệu về các phòng thí nghiệm nghiên cứu những công nghệ tiên tiến từ các ý tưởng sáng tạo như điểu khiển bằng ý nghĩ, tương lai của âm thanh, thiết lập các môi trường làm việc ảo, đồng tiền số…

MIT thành lập năm 1985, được coi là nơi “phát minh ra tương lai” khi đi tiên phong trong việc nghiên cứu các công nghệ sẽ được sử dụng trên thực tế sau hàng thập kỷ. Nhiều công nghệ ngày nay cũng đã được ra đời từ những dự án tại đây, nổi bật như những cải tiến của công nghệ màn hình cảm ứng, các công nghệ trên thiết bị đeo thông minh, hệ thống GPS trên điện thoại thông minh... 

Trong chuyến thăm chính thức Mỹ từ ngày 25 đến ngày 27/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương đã có gần 30 cuộc tiếp xúc, làm việc với chính giới Mỹ, các viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp của Mỹ.
Qua các cuộc tiếp xúc, phía Mỹ thể hiện quan điểm khi cho rằng chuyến thăm Mỹ của Đoàn Việt Nam là nhằm thúc đẩy thực hiện trên thực tế các cam kết đã đạt được trong các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ tháng 5/2017 và Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam tháng 11/2017.
Giới chức Mỹ cũng thể hiện mong muốn tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai bên, thúc đẩy trao đổi thương mại, gia tăng đầu tư, hợp tác năng lượng, đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hai nước cho rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh…

Đọc thêm