Phòng vệ thương mại: Chỉ nhà giàu mới đi kiện

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI) nhận định: Các con số thị phần cho thấy, ở Việt Nam, chỉ “nhà giàu” mới đi kiện. Hay nói cách khác, phòng vệ thương mại đang chỉ là công cụ của “nhà giàu”.
Hình ảnh minh họa - ST
Hình ảnh minh họa - ST

Đó là những thông tin được đưa ra tại “Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 2/6 vừa qua.

Số vụ kiện quá ít ỏi

Theo lộ trình, đến năm 2018, 95% dòng chảy thương mại ra và vào Việt Nam sẽ chịu thuế 0%. Khi xuất khẩu đi chúng ta sẽ được lợi thế, thì đương nhiên chiều ngược lại chúng ta cũng phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ trên “sân nhà”. Trong bối cảnh ấy, các biện pháp phòng vệ thương mại là rất cần thiết.

Có thể nói, công cụ phòng vệ thương mại được coi như “van an toàn” cuối cùng trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng hiện nay. Các biện pháp về thuế quan, hành chính hay hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ… đến nay đều chưa hẳn phù hợp với Việt Nam vì vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Cùng với đó, các biện pháp phòng vệ thương mại dù có những biện pháp và khó khăn nhất định nhưng đây vẫn là những công cụ dễ sử dụng hơn cả so với các công cụ khác mà cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép. Chính vì vậy, các công cụ phòng vệ thương mại trong tương lai gần trở lại đây sẽ là công cụ rất hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên hiện nay, chỉ có rất ít vụ việc áp dụng thành công các biện pháp phòng vệ thương mại, một phần bởi năng lực của các cơ quan thực thi còn hạn chế, phần nữa bởi doanh nghiệp còn khá thờ ơ với các biện pháp phòng vệ thương mại trong cả nhận thức lẫn hành động.

Theo điều tra thực hiện năm 2015 của VCCI với 1.000 doanh nghiệp, có đến 15% doanh nghiệp không biết đến công cụ phòng vệ thương mại, hơn 63% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không hiểu sâu. Chỉ chưa đầy 2% doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kĩ.

Ông Nguyễn Phương Nam (Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh) cho biết, vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên được khởi xướng năm 2009 khi đại diện các nhà sản xuất kính nổi trong nước đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi trong xây dựng. Song vụ việc được khép lại khi không có bất kỳ một biện pháp tự vệ nào được áp dụng đối với kính nổi nhập khẩu.

Toàn cảnh “Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp”
Toàn cảnh “Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp”

“Gần đây nhất, chúng ta mới “ra tay” với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc khi trên thế giới, các nước đã sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa nội địa của họ trước làn sóng thép Trung Quốc từ rất lâu rồi. Điều đó cho thấy, chúng ta vẫn còn rất chậm chân trong việc tự bảo vệ mình”, ông Nam lấy ví dụ.

Theo ông Nam, nếu không hiểu và tận dụng được các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành sản xuất trong nước sẽ dễ bị tiêu diệt và dẫn tới phá sản khi hàng hóa nước ngoài luôn sẵn sàng bán phá giá để chiếm lĩnh thị trường. “Sau khi chiếm lĩnh thị trường, họ sẽ nâng giá lên, lúc đó người tiêu dùng liệu có còn cơ hội nào để được bảo vệ nữa hay không?”, ông Nam lo ngại.

Chỉ “nhà giàu” mới đi kiện?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI) bình luận, xét về số lượng vụ việc phòng vệ thương mại thì ít nhưng xu hướng đã có sự tăng lên. Trong thời gian 2002 - 2014 mới có 3 vụ việc nhưng trong 2 năm 2015 - 2016 đã có 3 vụ việc được khởi xướng.

Tuy nhiên, đáng lo ngại, trong số 6 vụ việc khởi xướng thì có tới 4 vụ là kiện tự vệ. Đây là công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp này nước áp dụng sẽ phải đối mặt với yêu cầu đền bù từ nước bị áp dụng. Do đó phải hết sức cân nhắc khi sử dụng biện pháp này.

Ngược lại, hai biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp thường được các nước phát triển sử dụng thì lại hầu như chưa được sử dụng tại Việt Nam. Nguyên nhân là do để áp dụng biện pháp này, cơ quan điều tra phải rất am hiểu về giá cũng như các chính sách kinh tế của các nước mà ta định áp dụng.

Nhìn từ khía cạnh khác, bà Trang cũng đánh giá, một trong những đặc điểm của các vụ kiện trong nước là nguyên đơn phần lớn đang chiếm vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường.

“Điểm lại các vụ kiện có thể thấy ngay, trong vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật thì nguyên đơn chiếm 100% thị phần; vụ điều tra đối với sản phẩm kính nổi, nguyên đơn chiếm hơn 90% thị phần; vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ, nguyên đơn chiếm hơn 50% thị phần. Các con số thị phần ấy cho thấy, ở Việt Nam, chỉ “nhà giàu” mới đi kiện. Hay nói cách khác, phòng vệ thương mại đang chỉ là công cụ của “nhà giàu”, bà Trang phân tích.

Được biết, những vụ kiện phòng vệ thương mại thường kéo từ 12 - 18 tháng, để theo đuổi quá trình này doanh nghiệp sẽ phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, cộng thêm vào đó là rào cản ngôn ngữ cũng khiến nhiều doanh nghiệp đuối quá mà bỏ cuộc. Có cả doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận thiệt hại mà bỏ cuộc giữa chừng, bà Trang chia sẻ.

Thừa nhận những hạn chế trong công tác phòng vệ thương mại tại Việt Nam, bà Phạm Châu Giang (Trưởng phòng Điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Quản lý Cạnh tranh) cho biết, trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại tại “sân nhà”.

“Đã có rất nhiều trường hợp, khi các cơ quan điều tra công bố bắt đầu điều tra vụ việc nhưng các doanh nghiệp không quan tâm. Đến khi lệnh áp thuế được đưa ra thì doanh nghiệp mới cuống cuồng không biết làm thế nào. Thông thường so với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam luôn bị chậm một nhịp trong các vụ việc điều tra. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài họ có một bộ phận pháp lý, luật sư tư vấn rất đầy đủ thì các doanh nghiệp của chúng ta chỉ có bộ phận pháp chế và chỉ là pháp chế kinh doanh chứ không phải là pháp chế về pháp luật quốc tế”, bà Giang nói.

Bên cạnh đó, trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần sự phối hợp rất chặt chẽ, ăn ý của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng trong xây dựng văn bản pháp luật và đặc biệt trong kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật. Đáng tiếc rằng, trên thực tế đây vẫn đang là một trong những khâu còn rất yếu của Việt Nam.

Đã đến lúc cần thay đổi

Nói về tầm quan trọng của sự “đồng tâm hiệp lực” trong phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp Việt, ông ông Phạm Tất Thắng (nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương) cho rằng, nếu không chịu ngồi lại với nhau, muốn khởi kiện được cũng rất khó khăn.

Bởi theo quy định, để đứng đơn khởi kiện, bên đi kiện phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện: Doanh nghiệp đại diện phải sản xuất ra ít nhất 25% tổng lượng sản phẩm liên quan và nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp sản xuất ra ít nhất 50% tổng lượng sản phẩm liên quan trên thị trường.

“Nói cách khác, kiện phòng vệ thương mại không phải là “cuộc chơi” của từng doanh nghiệp riêng lẻ, mà nó là “cuộc chơi” của cả một tập thể, là chiến lược của cả một ngành sản xuất nội địa”, ông Thắng khẳng định.

Mặt khác, cũng theo ông Thắng, sự hợp tác giữa doanh nghiệp bản địa và doanh nghiệp nước ngoài trong tiến trình hội nhập quốc tế đã ngày càng khăng khít hơn, thậm chí nhiều trường hợp đã thực sự hòa quyện với nhau. Một khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực từ năm 2018, giá trị vốn đầu tư của nước ngoài dự kiến tăng 25-35%/năm và quan hệ doanh nghiệp nội - ngoại càng khăng khít, rất khó phân biệt.

“Ngoài ra, với tiến trình hội nhập, các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại rất cần được đối chiếu rà soát sao cho phù hợp với các quy định của luật đầu tư sửa đổi, luật doanh nghiệp sửa đổi, luật thuế xuất nhập khẩu, luật hải quan… Đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam” ông Thắng nhấn mạnh./.

Đọc thêm