PMU Giao thông một năm giảm 30 biên chế, thu gọn 8 phòng

(PLO) - Một cuộc sáp nhập, hợp nhất tưởng chừng khó vượt qua vì đụng chạm quyền lợi nhiều người, nhưng cuối cùng cũng hoàn thành ở Bộ GTVT, dù có những người đang chức trưởng bỗng xuống phó.
Sau sáp nhập, PMU Thăng Long giảm từ 18 xuống còn 10 phòng.
Sau sáp nhập, PMU Thăng Long giảm từ 18 xuống còn 10 phòng.

Giữa năm 2017, Bộ GTVT đồng loạt triển khai các quyết định hợp nhất, sáp nhập bốn ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long, An toàn giao thông, 1 và 2 thành hai PMU có tên giao dịch mới là PMU Thăng Long và PMU2.

Cuộc nhập ban lần này là một dấu ấn quan trọng trong năm qua ở Bộ GTVT, bởi tổng số PMU của bộ này từ con số 11 đã rút xuống 9; đồng thời giảm được nhiều cấp trưởng ban và phòng…

Về mặt tổ chức bộ máy, sự thay đổi trên là phù hợp với xu thế chung, nhưng với người trong cuộc, đây thực sự là một cuộc biến động lớn, khiến không ít người tâm tư vì quyền lợi ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ví dụ, lúc đó, ông Nguyễn Hữu Long - Tổng Giám đốc PMU An toàn giao thông đã phải xuống ngồi “ghế” Phó Giám đốc PMU2, sau khi PMU mà ông từng nhiều năm gắn bó phải sáp nhập vào PMU2. Cấp dưới của những người như ông Long than thở: “Các sếp dù sao thì vẫn là sếp sau hợp nhất. Chỉ khổ mấy anh, em cấp Phòng ở bên dưới!”.

Dẫu vậy, những khó khăn thời kỳ hậu sáp nhập cũng đã đi qua khi một số PMU đã dần ổn định tổ chức và bắt tay quản lý điều hành các dự án mới. Cá biệt,  có đơn vị còn chủ động tinh gọn được bộ máy và đầu mối theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng như chỉ đạo chung của Bộ GTVT.

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Giám đốc PMU Thăng Long - ông Dương Viết Roãn cho hay, trước khi hợp nhất, PMU1 và PMU Thăng Long có tới 18 phòng với 256 công chức, viên chức và người lao động. Nhưng sau 1 năm nhập ban, số phòng đã giảm được 8, còn nhân sự thì giảm 30 người.

“Đến thời điểm này, mô hình tổ chức bộ máy của ban đã rõ ràng. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ phân công, có sự phối hợp, đan xen và đặc biệt không còn chồng chéo, khép kín như trước kia. Lộ trình đến năm 2021, số lượng công chức viên chức và người lao động của ban sẽ giảm xuống còn  khoảng 180 - 200 người”, lời ông Roãn.

Các PMU giao thông không chỉ quản lý dự án đường bộ mà có thể lấn "sân" sang lĩnh vực đường sắt hoặc tư vấn quản lý các dự án ngoài ngành GTVT
Các PMU giao thông không chỉ quản lý dự án đường bộ mà có thể lấn "sân" sang lĩnh vực đường sắt hoặc tư vấn quản lý các dự án ngoài ngành GTVT

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, trong điều kiện hiện nay, các PMU phải hoạt động ngày một chuyên nghiệp, phải chủ động cạnh tranh để tạo dấu ấn, và quan trọng là tạo sự tin tưởng đối với Bộ GTVT khi quyết định giao quyền quản lý, điều hành dự án.

Các PMU không chỉ nỗ lực để tiến tới thực hiện nhiệm vụ tư vấn quản lý các dự án trong mà còn cả ngoài ngành GTVT, như PMU2 đang thực hiện việc quản lý một Dự án BT của Vingroup tại Hà Nội. Ngoài ra, các PMU trước chỉ chuyên quản các dự án đường bộ thì nay cũng phải tính toán để có thể lấn “sân” sang lĩnh vực đường sắt…

Trước đó, trao đổi với PLVN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, sắp tới Bộ sẽ rà lại chức năng nhiệm vụ của các Tổng cục, Cục, Vụ để giảm biên chế và đầu mối. Theo đó, những đơn vị nào có chức năng tương đồng nhau thì sẽ ghép lại để giảm đầu mối và giảm lãnh đạo. “Ít đầu mối thì khi lấy ý kiến hay tham mưu một vấn đề nào đó sẽ không qua nhiều phòng, vụ như hiên nay nữa. Công việc vì thế sẽ nhanh hơn, ít chồng chéo hơn”, Bộ trưởng Thể nói.

Đọc thêm