PVN muốn các doanh nghiệp khâu sau nâng cao quản trị

(PLO) - Với đặc thù quy mô tài sản, công nghệ kỹ thuật hiện đại và phức tạp, nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao, có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường, các DN khâu sau của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang có đóng góp quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn. Làm thế nào để nâng cao công tác quản trị cho các DN này trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập đang là vấn đề mà PVN quan tâm.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Doanh nghiệp chủ lực

Tại hội thảo “Nâng cao công tác quản trị cho các DN khâu sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập” do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức cuối tuần qua, Phó tổng giám đốc PVN, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, đặc thù DN khâu sau của ngành dầu khí là: Quy mô tài sản lớn (NMLD Dung Quất hơn 3 tỷ USD; Đạm Phú Mỹ 340 triệu USD, Đạm Cà Mau tài sản khoảng 700 triệu USD); công nghệ kỹ thuật hiện đại và hết sức phức tạp; nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao; có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường năng lượng, đặc biệt là dầu thô và khí thiên nhiên; chịu tác động lớn bởi sự biến đổi công nghệ và môi trường. Do vậy, muốn các DN khâu sau của ngành dầu khí phát triển bền vững cần đánh giá những đặc thù này để có giải pháp về quản trị, bên cạnh các quản trị DN nói chung.

Thông tin từ Trưởng ban Chế biến Dầu khí PVN, ông Lê Xuân Huyên cho biết, doanh thu, lợi nhuận lĩnh vực chế biến dầu khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, lợi nhuận của PVN. Cụ thể, năm 2011 là 18%, năm 2013 là 22,4%; năm 2015 là 30%, năm 2016 là 38%.

“Để quản trị vấn đề đó, PVN đã đề ra các giải pháp là tập trung công tác quản trị, áp dụng các công nghệ, ứng dụng đồng bộ trong quản trị (ERP, RBI, Shell, Mesc…); đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đa dạng sản phẩm, tiết giảm chi phí. Đồng thời, tích hợp và tổ hợp công trình dự án. Sau đó, xây dựng chiến lược trung và dài hạn, tìm bằng được giải pháp quản trị. Đào tạo, quy hoạch cán bộ có trình độ cao. Cuối cùng, xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể, giám sát, quyết liệt trong đẩy nhanh các dự án…” - Ông Huyên cho biết.

Tầm nhìn từ doanh nghiệp đến chính phủ

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng năng lượng có 2 vấn đề đặc thù nữa là chính trị và an ninh quốc gia. Ông nhớ lại, khi quyết định xây dựng NMLD số 1 ở Dung Quất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cao 2 tư tưởng lúc đó là tự chủ năng lượng và an ninh. Đồng thời mong rằng đại dự án này sẽ giúp khu nghèo miền Trung… thoát nghèo.

“Xu hướng năng lượng sạch đang lên ngôi. Nhu cầu năng lượng cũng tăng cấp số cộng và số nhân. Bài toán cho các DN PVN là cần thấm nhuần chiến lược hội nhập của Việt Nam; mở rộng thị trường, sản phẩm, bạn hàng; kết nối giữa các nhà máy và được tự chủ…”- TS Thành đưa ra lời khuyên. Theo ông, DN lớn để giữ mãi chữ “Lớn” nên tập trung 3 yếu tố: Công nghệ, thương hiệu và phân phối. 5 bài học của DN lớn rút ra, đó là: Khát vọng toàn cầu; Triết lý; Sáng tạo; Tài năng; Vốn xã hội lớn.

Đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore PGS.TS Vũ Minh Khương chia sẻ: “Singapore đã biến những cái bất lợi (tài nguyên, diện tích, dân số) thành lợi thế”.

Theo ông, bất cứ ngành kinh tế nào muốn phát triển cần phải có tầm nhìn, không chỉ từ DN mà từ Chính phủ. Ông đề xuất nên biến Nghi Sơn thành trung tâm lọc hóa dầu, hóa chất cung cấp cho cả vùng Đông Nam Á. “Hội nhập trong ngành Dầu khí là mệnh lệnh sống còn, nên nắm bắt ngay. Nên biến Việt Nam là điểm tựa để thế giới đến đây khai thác sự bùng nổ ở châu Á…”- Vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên.

Tại Hội thảo, Tổng giám đốc BSR, ông Trần Ngọc Nguyên chia sẻ, BSR đã và đang phát triển mạnh khâu hóa dầu, trọng tâm là sản phẩm polypropylene; Ông Nguyên cho biết, định hướng của BSR là xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu. Đồng thời đẩy nhanh quá trình IPO để nâng cao năng lực tài chính; kiểm soát tồn kho, tỷ giá…

Chủ tịch HĐQT TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), ông Lê Cự Tân cũng cho biết, thách thức của đơn vị là tuổi đời dự án cũng lâu, tính từ 2004, hiện Tổng công ty đã và đang đứng vững trên 2 “chân” là  phân bón và hóa chất. PVFCCo cũng đã hỗ trợ nguồn nhân lực cho các dự án khâu sau trong ngành; duy trì là nhà sản xuất đạm số một Việt Nam…

Tổng kết hội thảo, Phó Tổng giám đốc PVN, ông Lê Mạnh Hùng đã lưu ý các đơn vị khâu sau cần thực hiện các nhiệm vụ như tăng sản lượng, giá trị ở các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, mang về nhiều lợi nhuận; cấu trúc DN song hành cùng cấu trúc PVN; cập nhật diễn biến, nhận định chính xác các xu hướng toàn cầu; tăng cường hệ thống quản trị rủi ro và xây dựng mô hình quản trị DN và mô hình kinh doanh của DN khâu sau…

Đọc thêm