PVN tìm dầu trên chảo lửa Sahara

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ít ai biết rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang có một dự án dầu khí hoạt động ở sa mạc Sahara thuộc Algeria, góp phần đưa giá trị “vàng đen” về xây dựng đất nước. Câu chuyện của những người lao động PVN tìm dầu lửa trên sa mạc là minh chứng cho bản lĩnh của người lao động Việt Nam.
Cán bộ, kỹ sư người Việt tại khoan trường Sahara.
Cán bộ, kỹ sư người Việt tại khoan trường Sahara.

Theo PVN, ngày 13/8/2015, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP – đơn vị thuộc PVN) thông báo đã khai thác được dòng dầu đầu tiên trên sa mạc Sahara. Đây là sự kiện lịch sử của ngành dầu khí lúc bấy giờ, vì đây là dự án thành công đầu tiên của PVEP cũng như của PVN tại nước ngoài từ khâu đầu tiên là tham gia đấu thầu quốc tế tới khâu thăm dò.

 Dòng dầu đầu tiên từ dưới lòng sa mạc đã được đưa lên qua giếng khai thác BRS-6bis (là một trong bốn giếng của mỏ) với lưu lượng gần 2.000 thùng/ngày. Sau đó công suất được nâng dần lên mức 20.000 thùng dầu/ngày theo đúng kế hoạch. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, kéo dài 29 năm, với sự tham gia góp vốn của Công ty Sonatrach (Algeria) 25%, PTTEP (Thái Lan) 35% và PVN (Việt Nam) 40%, trong đó PVN thông qua PVEP nắm quyền điều hành. 

Những người lao động PVN tại dự án này kể lại rằng, sa mạc Sahara nơi có dự án nóng cháy da, cháy thịt. Khu vực khai thác của mỏ nằm ở khu vực Touggourt, sâu trong sa mạc Sahara. Khu vực này có khí hậu nhiệt đới hoang mạc, lượng mưa dưới 50mm/năm. Ban ngày nhiệt độ cực kỳ nóng nực, cao nhất được ghi nhận là 50,6 độ C.

Ông Lê Đắc Hóa - Giám đốc Ban điều hành Dự án Lô 01-02 thuộc PVEP – người từng có thời gian công tác tại mỏ dầu trên sa mạc Sahara cho biết, ông là một trong số ít các kỹ sư Việt Nam được cử sang Trung Quốc thực hiện dự án đóng mới giàn khoan đất liền PV DRILLING 11, trước khi chuyển giàn khoan này sang Algeria để thực hiện chiến dịch khoan cho Dự án Bir Seba của PVEP. Thời điểm này, PV Drilling phải thuê nhiều chuyên gia nước ngoài phụ trách ở những vị trí quan trọng trên giàn khoan. Nhưng đến chiến dịch khoan lần thứ hai, tất cả những vị trí quan trọng nhất trên giàn đều do người Việt Nam đảm trách. 

Nghe thì tưởng đơn giản nhưng đó là cả một câu chuyện dài về sự quyết tâm của ban lãnh đạo PV Drilling đã tin tưởng giao việc cho lực lượng kỹ sư Việt Nam. Tất cả các kỹ sư được trao cho cơ hội đều hừng hực quyết tâm, nỗ lực học hỏi để chứng minh năng lực thực sự của mình hoàn toàn có thể đảm trách những vị trí quan trọng nhất trên giàn khoan.

Ba năm “quay cuồng” trong chảo lửa Sahara thực sự là khoảng thời gian khó quên với ông Lê Đắc Hóa. Ông kể lại, những ngày đầu tiên cùng đồng nghiệp bước chân đến Algeria cũng là khi cái nóng lên đến đỉnh điểm. Công việc lúc ấy bộn bề, mọi công tác kỹ thuật, cơ khí, điện, nước, hậu cần tại công trường khoan giữa sa mạc đều phải được chuẩn bị sẵn sàng để đón giàn PV DRILLING 11, trong khi đội cán bộ kỹ sư chủ chốt người Việt Nam chỉ khoảng 8-10 người, còn lại hơn 50 công nhân đều là người bản địa. Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa khiến sự giao tiếp diễn ra vô cùng khó khăn, nên trong thời gian đầu, các kỹ sư Việt Nam hầu như phải tự xử lý mọi việc lớn nhỏ trên công trường.

Theo ông Hóa, có khi nhiệt độ lên đến hơn 50 độ C nhưng lại không hề có giọt mồ hôi nào đọng trên cơ thể, bởi mồ hôi ra đến đâu ngay lập tức bị những cơn gió nóng hong khô, bốc hơi luôn đến đấy. Những cơn gió nóng đặc trưng của sa mạc luôn mang theo các cột tháp bụi cát, nhiều khi xô thẳng vào mặt công nhân đang làm việc. 

“Điều kiện thời tiết vô cùng kinh hoàng ngay cả với những người dân bản địa”, ông Hóa nói và cho biết, ban ngày là thế nhưng khi đêm về, nhiệt đột bỗng chốc hạ xuống chỉ còn xấp xỉ 10 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn, quá đột ngột khiến những con người vốn chỉ quen với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát mẻ quanh năm cảm thấy khó chịu, thậm chí đổ bệnh...

Cũng theo ông Lê Đắc Hóa, dự án khoan ở Algeria rất vất vả, phức tạp với cấu tạo địa chất khác biệt. “Nghề dầu khí gặp khó khăn là chuyện bình thường, chính người làm nghề dầu khí phải coi khó khăn là cuộc sống của mình, để buộc mình phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục vươn lên sau mỗi lần trải nghiệm”, vị kỹ sư tâm sự.

Đọc thêm