PVN và Quảng Bình “trái dấu” trong vụ Nhiệt điện Quảng Trạch 1

(PLO) - Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định việc chuyển chủ đầu tư dự án này từ  Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nếu diễn ra, thủ tục sẽ thuận lợi vì cả 2 đều là doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn lại nói ngược lại, vì quan ngại khó thu hồi hơn 500 tỷ đồng mà tập đoàn này đã “rót” vào dự án .
Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) được giao làm tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) được giao làm tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Với ý tứ trên, chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng, Quảng Bình giờ đã không còn mặn mà với PVN như ngày đầu họ mới gặp nhau. Trong khi nhà đầu tư, thì hình như đang cố “níu kéo” để được triển khai tiếp dự án ở Quảng Bình?

Vẫn lên kế hoạch khởi công Gói thầu EPC 

Mới đây, trong một công thư gửi Văn phòng Chính phủ, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã viện dẫn một loạt văn bản kèm nhiều lý do khác nhau để giải thích cho nguyên nhân dẫn tới việc “lụt” tiến độ Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1. 

Cụ thể, tại văn bản số 5256/DKVN-B.ĐIỆN, PVN cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, ngày 11/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2414/QĐ-TTg về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đầu tư các công trình điện cấp bách giai đoạn 2013 - 2020; ngoài ra, tình hình giá nguyên vật liệu, nhân công, tỷ giá, vật tư thiết bị trong nước và vật tư thiết bị nhập khẩu cho nhà máy có nhiều biến động so với thời điểm phê duyệt dự án đầu tư... là những nguyên nhân, mà theo PVN đã có tác động trực tiếp đến mô hình, phương thức và đặc biệt là tiến độ của dự án.

 “Nếu chiểu theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng, thì tiến độ phát điện của Nhiệt điện Quảng Trạch không phải cuối năm 2015 như kế hoạch đã vạch ra trước đó nữa - mà nó được kéo dài đến tận năm 2020.

Như vậy, căn cứ văn bản này, thì dự án vẫn đảm bảo tiến độ”, ông Nguyễn Huy Vượng - Phó Trưởng Ban Điện (PVN) giải thích thêm về nội dung mà “sếp” ông đã đề cập trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ.

Rõ ràng về mặt thời điểm, thì văn bản 2414 ký, ban hành vào cuối năm 2013 - tức sau khi khởi công Nhiệt điện Quảng Trạch 1 tới gần 3 năm. Vậy, thì suốt gần 3 năm đó, chủ đầu tư PVN đã làm được gì?

Với câu hỏi này, ông Vượng khá ấp úng:

“Tôi làm ở Ban chuyên môn nên chỉ nói được việc chuyên môn thôi. Xin phép không bình luận vấn đề báo vừa đề cập. Tiến độ, khối lượng cụ thể trong thời gian này ra sao là thuộc thẩm quyền các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.”.  

Trong trường hợp này, PVN đã khôn khéo “bám” vào các văn bản ban hành trong vòng 2 năm trở lại đây để biện minh cho sự trễ nải trong triển khai dự án từ cách đây… 5 năm?!

Đáng nói hơn, với cách lập luận và dẫn chiếu các quy định như vừa nếu, PVN còn cho rằng mình đang thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Bộ Công thương; đồng thời cho biết đã tiến hành xây dựng kế hoạch điều chỉnh Quy hoạch Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu... “Để phấn đấu khởi công gói thầu EPC vào quý III/2017;  phát điện các tổ máy năm 2021 - 2012”, Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định.

Khó chuyển chủ vì đã chỉ định thầu cho PVC?

Trong khi PVN vẫn “tỉnh bơ” triển khai dự án như chưa có chuyện gì xảy ra, thì các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình cũng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để kiến nghị các Bộ và Chính phủ cho phép chuyển đổi chủ đầu tư dự án này từ PVN sang EVN. Việc này, cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Bình khi trao đổi với PLVN đều thông báo rằng, đề xuất của họ được các bộ, ngành Trung ương rất ủng hộ. 

“Hiện, tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo cuối cùng của Chính phủ. Trong trường hợp diễn ra việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án, tôi nghĩ là không có gì khó khăn cả vì PVN và EVN đều là “con một nhà” - đều là doanh nghiệp Nhà nước.”, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn trong văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ hôm 26/8 lại “kêu” khó, thậm chí còn bóng gió đại ý rằng, nếu chuyển chủ dự án, PVN mất quyền đầu tư, thì Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ thêm ít nhất là 1 - 2 năm.

“Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ định Liên danh PVC - Lilama làm tổng thầu EPC, và các bên đang chuẩn bị trình lại hồ sơ đề xuất để phù hợp với Quy hoạch điều chỉnh.

Với khối lượng công việc thực hiện dở dang ước khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó giá trị đã giải ngân  là 564, 30 tỷ đồng, PVN sẽ rất khó thu hồi giá trị này nếu phải chuyển giao dự án...”, văn bản của Tổng Giám đốc PVN nêu rõ. 

Về vấn đề này, không chỉ Chủ tịch Quảng Bình “trái dấu” với PVN mà đại diện EVN cũng từng khẳng định với PLVN:

“Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 nếu được chuyển giao thì hai bên sẽ ngồi lại với nhau, sau đó EVN sẽ căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ cụ thể để thanh toán cho PVN. Trước đây, tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình, EVN đã từng xử lý được vấn đề tương tự khi phải hoàn trả nghĩa vụ tài chính cho PVN.”. 

Nói tóm lại, mọi việc không quá cam go như những gì mà Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã viết trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ? Cái khó nhất bây giờ là làm sao để bù lại tiến độ mà PVN đã sa lầy ở đây trong suốt nhiều năm qua.

PVN “dọa” chuyển chủ sẽ “trượt” tiến độ?

“Nếu chuyển giao dự án cho chủ đầu tư mới, tiến độ sẽ bị chậm ít nhất 1 - 2 năm do phải thành lập mới Ban quản lý dự án, thủ tục bàn giao thực hiện lại công tác chuẩn bị đầu tư và đặc biệt khó khăn trong công tác thu xếp vốn cho dự án.”, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn.