“Quá nhiều ngành ưu tiên, chẳng khác nào không ưu tiên gì”

(PLO) - Theo GS Kenichi Ono, người có 21 năm nghiên cứu chiến lược công nghiệp (CN) Việt Nam và tư vấn chính sách cho hơn 20 quốc gia, chất lượng các văn bản trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam đứng cuối bảng trong các quốc gia mà ông làm việc.
Có ý kiến cho rằng chính sách công nghiệp của Việt Nam chưa tốt khiến doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng (Hình: Công ty Ô tô Vinaxuki một thời phát triển, nay lâm tình trạng vô cùng khó khăn)
Có ý kiến cho rằng chính sách công nghiệp của Việt Nam chưa tốt khiến doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng (Hình: Công ty Ô tô Vinaxuki một thời phát triển, nay lâm tình trạng vô cùng khó khăn)

Tư vấn cho Ban Kinh tế TW, đơn vị đang được Bộ Chính trị đã giao nghiên cứu Đề án về Chính sách Công nghiệp quốc gia, GS Kenichi Ono đề nghị cần có chắt lọc để đưa vào văn kiện và cần thiết phải có ý kiến tham gia của nguyên thủ vào các văn kiện…

Vấn đề được đề cập tại Tọa đàm “Chính sách CN quốc gia của Việt Nam: Thực trạng và định hướng đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế” do Ban Kinh tế TW tổ chức.

Lĩnh vực ưu tiên “dàn hàng ngang”

Theo Quyết định  879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển CN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, với 3 lĩnh vực ưu tiên là CN chế biến,  chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo, mục tiêu đến năm 2025 đã có 12 ngành ưu tiên và con số này đến năm 2035 là 7 ngành nữa. Theo GS Kenichi Ono, đây là mục tiêu quá tham vọng và “một khi quá nhiều ngành ưu tiên thì chẳng khác nào không có ưu tiên gì”. 

Là người trực tiếp chắp bút cho Chiến lược CN 2014, TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, khi xây dựng dự thảo thì rất cô đọng nhưng khi phê duyệt thì lại khác.  “Chúng tôi đã trấn an rằng đừng nghĩ không có tên thì không phát triển, nhưng cuối cùng không thuyết phục được", ông Giám chia sẻ.

Còn Vụ trưởng Vụ CN nặng, Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài cũng thừa nhận các đề án, chiến lược trước đây không thực hiện được vì duy ý chí. Điển hình như ngành CN ô tô, theo ông Hoài, "không hẳn thất bại" mà chỉ là mục tiêu ban đầu quá cao, không phù hợp với dung lượng thị trường nên các doanh nghiệp không thể chú tâm vào nội địa hóa...

Rút kinh nghiệm Chiến lược ban hành năm 2014, TS Dương Đình Giám cho rằng, chúng ta chỉ nên cấu trúc những ngành ưu tiên, hình thành 2 vùng CN lõi và CN đệm. TS Giám nêu vấn đề: Vùng CN lõi thì cần tập trung vào các ngành CN ưu tiên để lôi kéo và tạo thị trường cho các vùng khác phát triển. Ông cũng đề nghị: Chính sách CN quốc gia nên có sự điều chỉnh lại, thu gọn cho hợp lý.

Theo các chuyên gia, mục tiêu quá tham vọng, lĩnh vực ưu tiên dàn hàng ngang cộng với việc tổ chức thực hiện kém là lý do khiến ngành CN của Việt Nam vẫn chưa phát triển.

Xây dựng chính sách: Cần chắt lọc 

Phân tích nguyên nhân ngành CN Việt Nam phát triển không như kỳ vọng, GS Kenichi Ono thẳng thắn cho rằng chính sách CN của Việt Nam chưa tốt. Ông đánh giá chất lượng các văn bản trong lĩnh vực này của Việt Nam đứng cuối bảng trong các quốc gia mà ông làm việc; thua xa những nước lân cận trong khu vực, thậm chí là các nước chưa có nền CN phát triển của châu Phi. Theo ông, để tóm tắt những nét chính trong chính sách CN của Việt Nam rất vất vả vì tầng lớp lộn xộn, không biết ý nào chính, cái nào phụ, quá nhiều bối cảnh trong khi thông tin cốt lõi không có.

Chuyên gia đến từ World Bank (WB) tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt cũng cho rằng, cần có chính sách thật sự đúng để Việt Nam đạt được mục tiêu của mình. Ngoài ngành chế tạo có tỷ trọng xuất khẩu lớn và Việt Nam đã có được một số thành công trong lĩnh vực này, theo đại WB, ngành CN Việt Nam hiện nay đang có nhiều thách thức, đó là hiệu suất lao động cần tăng trưởng thêm nữa, cần khai thác tối đa tiềm năng hội nhập quốc tế và phát triển xanh cho ngành CN Việt Nam...

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những chuyển biến sâu sắc. Vị trí Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện và đánh giá cao. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp đã được Đảng kiên trì thực hiện, tuy nhiên cách thức đã có những thay đổi, đó là chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng và cạnh tranh. Do vậy, đòi hỏi rà soát chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia. “Tuy nhiên, có một số nội dung không phù hợp trong bối cảnh mới. Do dó, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu Đề án về Chính sách Công nghiệp quốc gia”, ông Bình cho biết.

Trên cơ sở ý kiến của các các chuyên gia, Ban Kinh tế TW sẽ tổng hợp, chắt lọc cho xây dựng dự thảo Đề án chính sách công nghiệp quốc gia để xin ý kiến tại Hội thảo khoa học dự kiến tổ chức vào tháng 10/ 2016 và hoàn thiện trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 11/2016.

Đọc thêm