Quảng Bình: Ai sẽ bị “truất” quyền đầu tư trên bán đảo Bảo Ninh?

(PLO) - UBND tỉnh Quảng Bình và cơ quan tham mưu dù đã rất nỗ lực trong quản lý đất đai, nhưng không thể không tiếp tục mạnh tay đối với những dự án lay lắt trên thực địa hoặc nhiều năm chỉ tồn tại trên… giấy.
Bao Ninh Beach Resort - một dự án du lịch - dịch vụ đã đi vào khai thác trên bán đảo Bảo Ninh
Bao Ninh Beach Resort - một dự án du lịch - dịch vụ đã đi vào khai thác trên bán đảo Bảo Ninh

Đã tới giờ “G”

Tháng 6 này là hạn chót để UBND tỉnh Quảng Bình ra “phán quyết” cuối cùng đối với một dự án của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nằm trên bán đảo Bảo Ninh (TP.Đồng Hới).

Gần chục năm trước, doanh nghiệ này được giao 5 ha đất trên con “đường vàng” ven biển Bảo Ninh (nay gọi là đường Võ Nguyên Giáp) để làm Dự án resort Sài Gòn - Bảo Ninh.

Quan sát trên thực địa, vị trí mà Saigontourist được giao đất khiến không ít doanh nghiệp phải mơ ước, bởi khu đất này có view hướng biển cực đẹp, xung quanh lại có thêm nhiều mặt tiền. Thế nhưng, đến thời điểm này, dự án trên vẫn chỉ có mấy hàng dừa và một vài ngôi nhà lá, bên ngoài cửa đóng then cài suốt quanh năm.

“Quỹ đất ở đây rõ là đã bị lãng phí suốt nhiều năm qua, dù tỉnh kỳ vọng suất đầu tư vào khu vực này phải đạt con số 100 tỷ đồng/ha”, một người dân ở TP.Đồng Hới nói.

Được biết, trên cùng trục đường này, có nhiều dự án cho thuê đất sau thời điểm Saigontourist, nhưng giờ đã, đang hoàn thành đưa dự án đi vào khai thác. Trong khi 5 ha đất của doanh nghiệp trên thì suốt nhiều năm nay không khai thác theo đúng nghĩa là một dự án du lịch, dịch vụ, gây nên tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sự ưu ái đối với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã làm mất cơ hội đầu tư của những nhà đầu tư khác nếu khu “đất vàng” này vào tay những doanh nghiệp có năng lực hơn.

“Cuối tháng 6/2018, là đến thời hạn cuối cùng của việc gia hạn cho thuê đất đối với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Doanh nghiệp này sẽ được quyền tìm đối tác khác để thanh lý tài sản đã đầu tư trên đất. Còn việc quyết định để đơn vị nào vào đây tiếp tục dự án là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”, Chi cục trưởng Quản lý đất đai (thuộc Sở TN&MT Quảng Bình) Phạm Quang Ánh cho biết.

Xung quanh việc triển khai các dự án ở Bảo Ninh, trước đó, trao đổi với PLVN, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Bình Trần Phong từng thẳng thắn: “Khu vực này nằm ven biển lại sát trục đường 60m, rất thuận lợi cho các dự án du lịch, nghỉ dưỡng; do đó, một số cá nhân, đơn vị rất quan tâm. Quá trình sử dụng, “anh” nào ì ạch, chậm chạp nên chúng tôi sẽ kiến nghị thu hồi để giao cho những cá nhân, đơn vị khác năng lực hơn”.

Quảng Bình dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngày 22/7 tới tại TP.Đồng Hới
Quảng Bình dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngày 22/7 tới tại TP.Đồng Hới

“Trải thảm đỏ” không có nghĩa là “nuông chiều”

Trong một diễn biến khác, Quảng Bình những ngày qua đang gấp rút chuẩn bị những phần việc cuối cùng cho Hội nghị xúc tiến đầu tư dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7/2018.

Trước thềm cuộc này, lãnh đạo cấp cao Quảng Bình cùng nhiều sở, ngành liên quan đã đáp máy bay tới Manila (Philippines) để tiếp xúc, mời gọi đầu tư. Điều đó cho thấy Quảng Bình đang quyết tâm biến những mảnh đất khô cằn, những trảng cát dài ven biển thành tiền, với nhiều giá trị gia tăng vượt trội.

Muốn thế, cũng như nhiều địa phương khác, Quảng Bình phải “trải thảm” và hình thành những quy định ưu đãi đầu tư nhằm tạo hấp lực trong thu hút doanh nghiệp. Nhưng trong quá trình thực hiện, cũng không nên vì thế mà các cơ quan chức năng lại nhẹ tay trong ứng xử với những doanh nghiệp vi phạm cam kết đầu tư.

Trong trường hợp này, câu chuyện về Dự án resort Sài Gòn - Bảo Ninh đủ để làm một bài học kinh nghiệm. Vì 9 năm trước, khi giao đất cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, tỉnh Quảng Bình khi đó dường như muốn thể hiện sự ưu ái đặc biệt đối với doanh nghiệp này do đã mạnh dạn đầu tư một khách sạn 4 sao ở Đồng Hới, qua đó đã giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư khác “đổ vốn” vào Quảng Bình.

Nhưng, như đã nói, không phải vì “ân nghĩa” đó mà Saigontourist tiếp tục có được sự ưu ái lần hai khi gần chục năm qua vẫn không xong 1 dự án trên 5 ha đất.

Được biết, ở khu vực này còn có Dự án sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh đã ký ghi nhớ đầu tư cách đây 3 năm với giá trị ước 750 tỷ đồng, nhưng tới giờ này nó vẫn nằm yên trên… giấy, cho dù tỉnh này đã rất sốt sắng trong giới thiệu địa điểm.

Đại diện Sở KH&ĐT Quảng Bình - Giám đốc Đinh Hữu Thành mới đây đã xác nhận với PLVN rằng, tỉnh đã nhiều lần liên lạc với nhà đầu tư dự án sân golf - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng An Việt để bàn việc triển khai dự án, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Trong khi đại diện Sở TN&MT Quảng Bình thì lại nêu thực tế, các nhà đầu tư lớn vào Quảng Bình thường trải qua thời gian thăm dò, quan sát địa hình, địa vật khá lâu trước khi đi tới quyết định cuối cùng.

“Sungroup trước từng mất nhiều thời gian đi khảo sát các địa điểm ở Quảng Bình. Hay như Saigon Co.op trước khi quyết định đấu tư một siêu thị ở TP.Đồng Hới, họ đã đến đây thực địa trước 3 năm để tìm địa điểm và khảo sát sức mua, sau đó mới quyết định “rót vốn”, Chi cục trưởng Quản lý đất đai Phạm Quang Ánh cho biết thêm.

Mục tiêu thu hút 3 tỷ USD

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình năm 2018 là diễn đàn tập hợp, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, gặp gỡ, đối thoại với chính quyền, doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh này.

Đồng thời cùng đưa ra định hướng, giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình. Dự kiến, số dự án được cấp phép đầu tư, ký cam kết thực hiện tại hội nghị này tối thiểu 2 tỷ USD, phấn đấu đạt con số 3 tỷ USD.

Đọc thêm