Quảng Bình: Nhường đất "vàng" để thu hút đầu tư

(PLO) - Cả chính quyền lẫn lực lượng vũ trang là 5 đơn vị - đã phải chuyển trụ sở, nhường lại khu đất rộng hàng ngàn mét vuông đẹp như “tranh vẽ” ven bên bờ sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới) để triển khai Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shophouse.
Đã có sự so sánh về giá của khu đất triển khai dự án với khu đất liền kề - 16 Quách Xuân Kỳ, Đồng Hới (bìa phải)
Đã có sự so sánh về giá của khu đất triển khai dự án với khu đất liền kề - 16 Quách Xuân Kỳ, Đồng Hới (bìa phải)

Người Đồng Hới gọi đây là đất “vàng”, vì nó nằm ngay trung tâm thành phố, lại có nhiều mặt tiền (trên phố Quách Xuân Kỳ, Cô Tám), trong đó một mặt có “view” cực đẹp, với dòng Nhật Lệ xanh ngắt phía trước, xa xa là bán đảo Bảo Ninh - rất hợp để tọa lạc 1 trung tâm thương mại hay khách sạn cao cấp 5 sao. 

Ai tham gia đấu giá?

Theo quy hoạch của TP.Đồng Hới đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, ví trí nói trên được định hướng xây dựng công trình thương mại phức hợp, nhằm đảm bảo hài hòa chức năng phục vụ đời sống dân cư kết hợp với giao lưu, mua sắm của du khách để từ đây hình thành không gian đô thị thân thiện, hiện đại cho du lịch TP.Đồng Hới.

“Tỉnh Quảng Bình đã chủ trương kêu gọi đầu tư và Tập đoàn Vingroup nhìn thấy được tiềm năng nên đã đề xuất xây dựng tại đây một trung tâm thương mại với tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc này, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý về mặt chủ trương; các sở, ngành đều rất nhất trí. Địa điểm thực hiện dự án là khu đất cũ trước đây là trụ sở Thành ủy TP.Đồng Hới, UBND TP.Đồng Hới, Trung tâm Khuyến nông, Ban Chỉ huy Quân sự TP.Đồng Hới và Nhà khách T30 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình - tất cả đều thuộc phường Hải Đình”, ông Lê Văn Phúc - Bí thư Thành ủy TP.Đồng Hới cho hay.

Chuẩn bị địa điểm để đầu tư, tháng 3/2016, UBND tỉnh này đã phê duyệt Phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất và tải sản gắn liền với đất tại vị trí nói trên. “Tiếp đó, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã tổ chức đấu giá. Việc đấu giá theo đúng Luật Đất đai. Quy trình tự tổ chức, thực hiện theo đúng quy định, đã công khai niêm yết, thông báo rộng rãi trên báo, đài…”, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Xuân Tuyến trả lời PLVN.

Được biết, sau khi khu đất “vàng” chính thức có chủ, dư luận TP.Đồng Hới xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Một số tin tưởng, với sự đầu tư bài bản của Vingroup, khu vực này sẽ trở thành điểm nhấn về kiến trúc của thành phố biển trong tương lại. Nhưng số khác thì băn khoăn: Đất “vàng” vuông vắn, vì sao giá chỉ chưa đầy 60 tỷ đồng?

Trao đổi với PLVN về việc này, Bí thư Thành ủy TP.Đồng Hới cho biết, sau khi hết hạn đăng ký đấu giá đất, chỉ có 2 doanh nghiệp đó là Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Thái Bình Dương tham gia phiên đấu giá vào ngày 27/5/2016.

“Theo tôi biết, thì tiền sử dụng đất mà Vingroup phải nộp sau khi trúng đấu giá chính xác là 56.070.000.000 đồng cho 4.537,2m2 đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ thương mại (tiền nộp một lần). Còn 4.991m2 đất thương mại, dịch vụ, nhà đầu tư phải trả tiền thuê đất hàng năm. Tôi khẳng định thông báo đấu giá đã công khai, kết quả trúng đấu giá cũng đã được công khai, và hiện Vingroup đã chuyển đủ một lần số tiền này cho UBND tỉnh qua tài khoản Sở Tài chính Quảng Bình. Tóm lại, quy trình thực hiện là đúng pháp luật.”, lời Bí thư Phúc.  

56 tỷ có hợp lý? 

Đến thời điểm này, nhà đầu tư mặc dù đã khởi công dự án và cam kết thời điểm hoàn công, nhưng như đã nêu, dư luận vẫn còn một số ý kiến xung quanh câu chuyện đất “vàng” ven sông. “Có vị đã hỏi chúng tôi là vì sao cùng lúc phải di dời trụ sở Thành ủy, UBND và HĐND TP.Đồng Hới để phục vụ cho dự án đó? Việc này,  chúng tôi trả lời là không phải mới mà nó đã được đề cập rõ trong Nghi quyết Đại hội Đảng bộ TP.Đồng Hới nhiệm kỳ 2015 - 2020 rằng sẽ di chuyển, xây mới trụ sở các cơ quan này tại một khu đất khác rộng chừng 3 héc ta đã được quy hoạch. 

Khi lấy ý kiến về chủ trương này tại Đại hội Đảng bộ thành phố, các đại biểu đã biểu quyết thông qua. Hiện, công tác xây mới trụ sở các cơ quan này đang được tiến hành”, Bí thư Thành ủy TP.Đồng Hới giải thích.

Qua tìm hiểu, còn một lý do khiến dư luận thắc mắc - đó là giá của khu đất. Vì sát cạnh vị trí này (16 Quách Xuân Kỳ, TP.Đồng Hới), một khu đất có diện tích không lớn, trên đất có cả 1 khách sạn, nhưng đã từng được rao bán và “dạm” mua với giá rất cao.

“Tinh thần của chúng tôi là lắng nghe tất cả mọi ý kiến và giải đáp thấu đáo mọi thắc mắc.Cụ thể, trước đó, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc trao đổi với một số cán bộ, đảng viên về quá trình kêu gọi đầu tư và thực hiện dự án. Còn ở cấp thành phố, chúng tôi đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng để quán triệt chủ trương của tỉnh, đồng thời thông tin việc di dời các trụ sở tới toàn thể Ban chấp hành Đảng bộ thành phố; Trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Bí thư các xã, phường để tất cả cùng hiểu, tạo đồng thuận”, ông Phúc nhấn mạnh và tin tưởng sau khi được thông tin, dư luận người dân sẽ ủng hộ.

Được biết, sau khi hoàn thành, dự án này sẽ có một khối trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp 24 tầng và một khu nhà phố thương mại gồm 46 lô. Tỉnh Quảng Bình xác định đây là 1 trong 8 dự án trọng điểm của địa phương, với kỳ vọng sự thành công của Vingroup tại Đồng Hới sẽ tạo nên làn sống tích cực trong thu hút đầu tư vào Quảng Bình.     

Đã biểu quyết thông qua chủ trương

Quảng Bình: Nhường đất "vàng" để thu hút đầu tư ảnh 1

“Có vị đã hỏi chúng tôi là vì sao cùng lúc phải di dời trụ sở Thành ủy, UBND và HĐND TP.Đồng Hới để phục vụ cho dự án đó? Việc này chúng tôi trả lời là không phải mới mà nó đã được đề cập rõ trong Nghi quyết Đại hội Đảng bộ TP.Đồng Hới nhiệm kỳ 2015 - 2020 rằng sẽ di chuyển, xây mới trụ sở các cơ quan này tại một khu đất khác rộng chừng 3 héc ta đã được quy hoạch. 

Khi lấy ý kiến về chủ trương này tại Đại hội Đảng bộ  thành phố lần thứ XX, các đại biểu đã biểu quyết thông qua. Hiện, công tác xây mới trụ sở các cơ quan này đang được tiến hành”, ông Lê Văn Phúc - Bí thư Thành ủy TP.Đồng Hới.

Đọc thêm