Quảng Nam: Hàng trăm hồ nuôi tôm bỏ hoang

(PLO) - Hàng trăm hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát dọc các xã ven biển khu vực miền Trung, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Nam bị người dân bỏ không, cỏ mọc um tùm vì giá tôm rớt thê thảm do đầu tư theo phong trào và lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Hàng trăm hồ nuôi tôm thẻ chân trắng dọc ven biển bỏ hoang do giá tôm xuống thấp
Hàng trăm hồ nuôi tôm thẻ chân trắng dọc ven biển bỏ hoang do giá tôm xuống thấp
Bỏ trắng hồ nuôi
Những ngày này, chúng tôi đi dọc tuyến đường Thanh Niên ven biển kéo dài hàng chục cây số từ các xã của huyện Thăng Bình đến các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chứng kiến cảnh tượng người dân nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) bỏ trắng hồ nuôi, cỏ mọc um tùm. Máy móc, thiết bị dùng để nuôi tôm bị gỉ sắt, hoen ố. 
Những năm trước đây, phong trào nuôi tôm TCT tự phát diễn ra ồ ạt, không kiểm soát được, mạnh ai người đó nuôi, tạo nên một “đại công trường” nuôi tôm TCT trải dọc hai bên đường ven biển này. Khi chưa xảy ra vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, 100 con tôm một ký trên có giá từ 150.000 - 160.000 đồng mà không có để bán. Nay giá tôm TCT loại lớn nhất 100 con một ký hiện có giá khoảng 105.000 đồng. 
Gia đình anh Tưởng (xã Tam Tiến) đầu tư 100 triệu đồng để chặt bỏ cây cối, san bằng đồi cát trước vườn nhà để làm hồ nuôi, nhưng được vài vụ thì bỏ vì thua lỗ. Cảnh tượng hồ nuôi, chòi canh tôm xơ xác, hoang tàn. Cuối xã Tam Tiến giáp với xã Tam Hòa, tình trạng hồ nuôi bị bỏ hoang còn nhiều vô kể, những hồ nuôi nằm trước mặt nhà, sau lưng nhà trơ đáy, cái nắng nóng càng làm cho lớp cặn bã dơ bẩn dưới đáy hồ bay lên xộc vào mũi, hôi hám không chịu được. 
Vợ chồng ông Đức cho biết, do giá tôm thấp quá, lỗ miết nên hồ nuôi 500m2 sát vách nhà của gia đình cũng bỏ. “Thấy người ta rầm rộ đào vườn quanh nhà để làm hồ nuôi tôm TCT quá trời, mình có miếng đất cạnh nhà để không cũng phí nên thuê xe về ủi đào làm hồ nuôi tôm. Nhưng nuôi lỗ 50 triệu đồng nên bỏ hồ luôn. Ở đây có người lỗ đến 300 triệu đồng, nếu theo con tôm nữa, nhà cũng không có để ở…”, vợ ông Đức nói.
Ông Đức chỉ hồ ao nuôi sát vách nhà bỏ hoang vì thua lỗ
Ông Đức chỉ hồ ao nuôi sát vách nhà bỏ hoang vì thua lỗ
Đại lý thức ăn “nhảy đành đạch” 
như tôm
Ông Đức cho biết, mấy vụ trước giá tôm còn cao, cũng có lãi nên trong thời gian thả tôm, các đại lý thức ăn bán chịu thức ăn cho tôm, rồi đến ngày thu hoạch là trả tiền. Nhưng hiện nay giá tôm thấp quá, lỗ quá nên các đại lý thức ăn dè chừng, phải coi người nào thu nợ được mới bán. 
Theo ông Đức, hiện có ba nguyên nhân khiến người nuôi tôm TCT chán nản bỏ hồ nuôi, đó là: Con giống không tốt như trước đây nên khi mua về thả nuôi, có khi chỉ 15 ngày là dịch bệnh chết đỏ đáy ao; nguồn nước bị ô nhiễm do lượng nước từ hồ nuôi xả ra quá nhiều, không qua hệ thống xử lý và quan trọng nhất là giá tôm xuống thấp không lường hết được.
Vì vậy, các đại lý cung cấp thức ăn cho tôm cũng trở thành chủ nợ của người nuôi tôm với số tiền hàng chục tỷ đồng mà rất khó đòi được. Bà Nguyễn Thị Luận (trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành) một đại lý thức ăn nuôi tôm buồn bã nói: “Hiện sổ nợ bán thức ăn cho các chủ hồ nuôi tôm ở xã Tam Hải, Tam Hòa của gia đình đã lên đến 12 tỷ đồng, trong đó nợ nhiều nhất là ông Hiếu (xã Tam Hải) hơn 1 tỷ đồng và ông Vinh (xã Tam Hải) hơn 1 tỷ đồng. Đi đòi miết, hai ông này kêu giá tôm thấp quá, lỗ nhiều không có tiền trả. Còn số nợ từ 50, 100, 150, 200, 300, 400, 500 triệu đồng là từ 40 đến 50 hộ nuôi tôm lận”.
Bà Luận cho biết, khi bắt đầu thả tôm giống xuống hồ nuôi là người dân  đến đại lý của bà mua nợ thức ăn cho tôm, đến khi thu hoạch tôm bán cho thương lái mới trả tiền. Thời gian đầu giá tôm còn cao, chủ hồ kêu thương lái đến tận ao bán, việc thu hồi nợ rất dễ. Nhưng từ khi giá tôm xuống thấp, việc thu nợ tiền bán thức ăn cho các chủ hồ nuôi vô cùng khó khăn. 
“Năn nỉ quá họ mới trả cho vài triệu đồng, có hộ làm ăn tử tế trả vài chục triệu đồng để tiếp tục mua thức ăn cho vụ nuôi kế tiếp. Còn nếu hộ nào nợ mà mình đòi riết không trả là họ đi sang đại lý khác mua thức ăn, vậy là càng khó khăn cho việc thu hồi số nợ hơn. Vậy là bán cầm chừng cho họ chứ biết sao. Do người nuôi tôm nợ hơn 10 tỷ đồng nên không còn vốn lấy thức ăn từ các công ty, vậy là phải đi vay nóng ở ngoài, chứ nhà cửa, đất đai ở quê biển này cầm cố ngân hàng được mấy đồng”, bà Luận than vãn.
Tương tự, các đại lý thức ăn nuôi tôm khác như ông V., bà A.N. cũng lâm cảnh bị người dân nuôi tôm nợ đầm đìa số tiền trên chục tỷ đồng, không có khả năng thu hồi được. Bà A.N., chủ đại lý nói: “Tôi kinh doanh thức ăn nuôi tôm hơn 10 năm nay, chưa thấy năm nào việc thu hồi tiền bán thức ăn nuôi tôm với chủ hồ nuôi khó khăn, cực khổ như năm vừa rồi. Số tiền nợ bán thức ăn nuôi tôm tính đến thời điểm này đã lên hơn 10 tỷ đồng, có hộ nợ hơn 1 tỷ đồng, còn từ 50 triệu đồng trở lên nhiều vô kể. Phải thế chấp giấy tờ nhà đất ở cho ngân hàng để lấy thức ăn từ các công ty về bán cầm chừng chứ biết sao”.
Có thể thấy rằng, chính tình trạng người dân các làng ven biển ồ ạt chặt bỏ vườn tược, đào đắp hồ nuôi tràn lan chạy theo phong trào, mạnh ai nấy làm không theo một quy hoạch nào đã khiến cho việc nuôi tôm TCT đến thời điểm này thua lỗ nặng, môi trường cảnh quan bị phá vỡ, ô nhiễm nặng nề nguồn nước. Hậu quả cả người nuôi lẫn người cung cấp thức ăn cho tôm đều lâm nợ chồng chất. Đây không phải là bài học mới đắt giá cho người nuôi tôm mà nó đã xảy ra cách đây rất lâu rồi.

Đọc thêm