Quy định của pháp luật dường như… khuyến khích "con nợ" chây ỳ?

(PLO) - Không nghi ngờ tính khả thi của mục tiêu đưa nợ xấu xuống 3% vào tháng 9/2015 của Ngân hàng Nhà nước, nhưng những vướng mắc trong xử lý nợ xấu dường như vẫn còn nguyên.
Quy định của pháp luật dường như… khuyến khích "con nợ" chây ỳ?
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Chủ tịch Cty Luật BASICO, không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý…
Từ "luật cởi", "luật trói"
Một trong những “giải pháp” quan trọng giảm nợ xấu là các tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ cho các Cty Quản lý nợ và khai thác tài sản của các ngân hàng (AMC) nói chung và Cty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) nói riêng. 
Tiếng là “bán” nhưng các TCTD có nợ bán vẫn phải trích lập đủ dự phòng, cơ bản vẫn phải quản lý, xử lý nợ và chịu trách nhiệm như chưa bán nợ. Nhưng khi muốn ra tay xử lý thật bằng khởi kiện thì Toà án không thụ lý hoặc không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của các TCTD với lý do TCTD đã bán, chuyển tài sản của mình cho pháp nhân khác thì không còn quyền khởi kiện.
“Nếu VAMC ủy quyền cho TCTD khởi kiện và tham gia tố tụng thì phải với tư cách của VAMC kiện, chứ sao lại sử dụng tư cách của TCTD? Chưa nói, hệ thống Toà án còn căn cứ vào quy định không rõ ràng của Bộ luật Dân sự năm 2005 để gạt bỏ rất vô lý: Pháp nhân này không được phép ủy quyền cho pháp nhân khác. Thế là luật này làm hại luật khác. Luật này cởi, luật kia trói. TCTD chỉ còn biết chịu trận…”- Luật sư Đức phân tích.
Sự khập khiễng của pháp luật còn thể hiện trong quy định về quyền xử lý nợ của các TCTD. Theo quy định tại Điều 336 về Xử lý tài sản cầm cố, Điều 355 về Xử lý tài sản thế chấp, Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về “Giao dịch bảo đảm” (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) thì các TCTD có đầy đủ quyền hạn tự mình và chủ động xử lý nợ nếu như đã có thoả thuận trong hợp đồng bảo đảm. Đó là: Thu giữ tài sản bảo đảm; bán tài sản bảo đảm; nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ;… 
Tuy nhiên, các TCTD hầu như không tự thực hiện được quyền này trên thực tế. Bởi có xung đột pháp luật do hành động xử lý nợ liên quan đến nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng, hình thức và nội dung hợp đồng, thủ tục hành chính, trách nhiệm liên quan đến tài sản và giao dịch,… được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng… 
Đến “khuyến khích” con nợ chây ỳ
Đưa được vụ kiện ra Tòa đã khó, có bản án rồi tình hình cũng không sáng sủa hơn khi quy định của pháp luật dường như… khuyến khích con nợ chây ỳ (!?). Quy định của pháp luật về lãi suất chậm thi hành án là một ví dụ điển hình. Chẳng hạn, lãi suất nợ vay ngân hàng trong hạn là 10%/năm thì lãi suất quá hạn cao nhất là 15%/năm (theo Khoản 2 Điều 11 về lãi suất cho vay, Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN) hoặc 19%/năm (theo Khoản 5 Điều 474 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, Bộ luật Dân sự 2005). 
Phần lớn nợ quá hạn có nguồn gốc từ một số năm trước, thì lãi suất quá hạn thường cao hơn thế, thậm chí lên đến cỡ 30%/năm. Trong khi đó, nếu đã kiện ra tòa thì sau khi có bản án, con nợ phải trả lãi suất chậm thi hành án 9%/năm (!?). Vậy là lãi suất này rẻ hơn cả lãi suất vay trong hạn và tất nhiên càng thấp so với lãi suất khi bị quá hạn. Hậu quả nhãn tiền của việc chậm thi hành án là đương nhiên, vì càng chây ỳ, trì hoãn thì càng có lợi (so với trước khi có bản án).
Về nguyên tắc, doanh nghiệp (DN) không còn khả năng trả nợ thì phải phá sản. Đó là một biện pháp đòi nợ, đồng thời cũng là một hình thức xoá nợ tập thể. Tuy nhiên, để xử lý xong một vụ phá sản DN thì phải mất vài năm. Chủ nợ có thể đạt kết quả tương tự nhưng đơn giản, nhanh gọn hơn nhiều bằng cách để cho con nợ giải thể và cùng chia nhau số tài sản còn lại. 
Tuy nhiên, Luật DN 2005 cũng như Luật năm 2014 vừa có hiệu lực thì vẫn cứ quy định cứng: DN muốn giải thể thì phải thanh toán đủ nợ nần. Mà việc chấp nhận thu một phần nợ, xong rồi mới xoá nợ khác nhiều với việc thừa nhận con nợ đã thanh toán hết nợ (trong khi chưa thu được) để giải thể đúng với quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, khá nhiều trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất có sự khác nhau giữa hiện trạng và giấy tờ pháp lý. Tình trạng xây mới, cơi nới, thay đổi công trình không đúng với giấy phép còn phổ biến trên thực tế. Việc đó có thể xảy ra là trước hoặc sau thời điểm thế chấp tài sản. 
Đặc biệt là hàng triệu căn nhà ở nông thôn, chỉ có “sổ đỏ” mà không được ghi nhận tài sản trên đất. Trong khi hợp đồng thế chấp và việc đăng ký tài sản thế chấp thì phải lệ thuộc hoàn toàn vào các giấy tờ pháp lý, chứ không được phép mô tả tài sản theo thực tế. 
Do vậy, đến công đoạn phải xử tài sản thế chấp thì rất dễ phức tạp trên thực tế. Bên thế chấp cho rằng không thế chấp phần tài sản không được ghi nhận rõ trên sổ đỏ cũng như hợp đồng thế chấp, cho dù hợp đồng đã thoả thuận rõ ràng: Tài sản thế chấp bao gồm công trình xây dựng (bổ sung, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa) đã và sẽ xây dựng trong tương lai gắn liền với nhà đất thế chấp. Rất nhiều TCTD điêu đứng, khốn khổ về điều vô lý này…
Luật xử lý nợ xấu
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc các TCTD bán nợ cho VAMC, về cơ bản chỉ là một biện pháp dồn kho, đóng gói, khoanh nợ; cơ cấu lại khoản nợ chủ yếu là gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và đảo nợ. Còn sử dụng dự phòng thì là giảm lãi của ngân hàng để đánh đổi nợ xấu. “Con số là thật, nhưng kết quả xử lý thì chủ yếu mới chỉ là trên sổ sách. Nguy cơ rất lớn cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế vẫn còn đó…”- Luật sư thẳng thắn.
Theo ông, ước lượng không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý. “Luật thì chỉ có loáng thoáng một vài ý. Còn bao nhiêu nghị định, thông tư trực tiếp điều chỉnh việc xử lý nợ xấu cũng không vượt nổi các nghị định, thông tư liên quan chứ chưa nói gì đến mâu thuẫn, vướng mắc với hàng chục đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Vì vậy, để tháo gỡ xung đột, thậm chí là bế tắc trong một rừng luật hiện nay thì cần phải có một đạo luật xử lý nợ xấu…” - Luật sư Đức bày tỏ.
Luật sư Đức cũng cho rằng đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là, phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý.

Đọc thêm