Quyền lực quản lý quy hoạch thuộc về ai?

(PLO) - Bước sang năm thứ 6 soạn thảo Luật Quy hoạch (LQH), song trước khi Dự luật này được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới, vẫn có những ý kiến trái chiều…
Các quy trình quản lý phát triển mà Việt Nam đã và đang áp dụng trong 40 năm qua không thể tiếp tục để tiếp bước trong 40 năm nữa… (Ảnh minh họa)
Các quy trình quản lý phát triển mà Việt Nam đã và đang áp dụng trong 40 năm qua không thể tiếp tục để tiếp bước trong 40 năm nữa… (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo về Dự thảo LQH do Bộ KH&ĐT tổ chức hôm 4/4, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, một số ý kiến cho rằng Bộ KH&ĐT xây dựng LQH để kéo lợi ích từ quy hoạch về cho Bộ và đâu đó còn nổi lên câu chuyện “quyền lực trong quản lý quy hoạch sẽ thuộc về ai?”…

Đồng thời vẫn còn luồng ý kiến cho rằng phải mất 7- 8 năm nữa may ra mới có quy hoạch tích hợp, do đó sẽ có khoảng trống trong quản lý quy hoạch.  

Quy hoạch xây dựng đã nằm trong quy hoạch chung

Một trong những vướng mắc lớn hiện nay trong quá trình xây dựng LQH là ý kiến cho rằng Dự luật đã bỏ mất “quy hoạch xây dựng” và cho rằng nhất thiết phải có chữ “xây dựng” bên cạnh chữ “quy hoạch”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định, trong chuyên văn quốc tế không có cụm từ “quy hoạch xây dựng”. Theo ông, đây là cụm từ được Bộ Xây dựng dùng khi soạn thảo Luật Xây dựng nhằm khẳng định vai trò Bộ chủ quản về quy hoạch như thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung. 

So sánh các định nghĩa trong Dự thảo LQH và Luật Xây dựng, TS Liêm khẳng định Dự thảo LQH đã kế thừa Luật Xây dựng và không hề gây xáo trộn không cần thiết, nhất là đối với quy hoạch đô thị. “Quy hoạch xây dựng có cần không? Tôi khẳng định là vẫn cần nhưng bây giờ tích hợp trong hệ thống quy hoạch quốc gia chứ không phải bỏ. Có bỏ là bỏ tên gọi thôi…”- ông khẳng định.

Chuyên gia quốc tế về quy hoạch, ông Lawrie Wilson đặt vấn đề: “Khó có thể đặt quy trình quy hoạch đô thị như đang áp dụng tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế tương xứng bởi vì quy hoạch đô thị tại các nền kinh tế phát triển như nước Úc được áp dụng trên một cơ sở khá khác biệt; đó là áp dụng hệ thống dựa trên quản lý sử dụng đất đai và nguồn tài nguyên trong khi Bộ Xây dựng Việt Nam lại áp dụng hệ thống dựa trên quy hoạch không gian”.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định các quy trình quản lý phát triển mà Việt Nam đã và đang áp dụng trong 40 năm qua không thể tiếp tục để tiếp bước trong 40 năm nữa, hoặc thậm chí chỉ đến năm 2025.

Hai năm sẽ có quy hoạch tổng thể!

Theo Dự thảo, LQH sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019. Giải thích về việc hiệu lực của Luật khá xa so với thời điểm Quốc hội thông qua (dự kiến vào tháng 5/2017), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng LQH đụng chạm đến 95 luật, pháp lệnh, trong đó có 32 luật nên cần có thời gian sửa đổi các văn bản luật này.

Đây cũng là khoảng thời gian Bộ KH&ĐT gấp rút xây dựng quy hoạch tổng thể. “Những người cho rằng 7 – 8 năm nữa không làm được là vì họ xuất phát từ nhận định không thể làm tích hợp được, không thể đưa mọi thứ lên bản vẽ được. Chúng tôi khẳng định rằng, nếu có sự hợp tác và làm tích cực cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì chỉ trong vòng 2 năm chúng ta sẽ có quy hoạch tổng thể. Hiện quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp đã làm ở một số tỉnh rồi, không phải hoàn toàn mới…”- Thứ trưởng Đông khẳng định.

Thứ trưởng Đông cũng cho biết, cách làm sẽ không phủ nhận quá khứ cách tiếp cận phải rất tích cực, hội nhập thì không thể “một mình một chợ”. “Nếu tháng 5 này Dự luật được thông qua thì đến năm 2019 Luật có hiệu lực. Nhưng Chính phủ sẽ triển khai ngay quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp. Chúng tôi đã chuẩn bị về kỹ thuật, chuyên gia, rà soát thì đến 2020 sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể và như vậy đến năm 2021, bước sang giai đoạn phát triển mới thì đã có bản quy hoạch tổng thể quốc gia dẫn dắt. Còn nếu chậm hơn nữa thì sẽ lỡ nhịp…”- Thứ trưởng Đông cho hay.

Không có quyền lực thuộc về một phía!

Trước ý kiến cho rằng Bộ KH&ĐT soạn thảo LQH để kéo quyền lực về phía Bộ mình, Thứ trường Đặng Huy Đông thẳng thắn: “Bộ KH&ĐT là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo. Thành viên Ban soạn thảo là đại diện các bộ, ngành và chuyên gia độc lập. Bản dự thảo đã trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thành quả của nhiều người, trong đó phía Bộ KH&ĐT  chỉ đóng góp một tiếng nói…”.

Theo Thứ trưởng Đông, sở dĩ có những ý kiến không nhất quán là do chuyên môn sâu của từng ngành, từng địa phương nên họ muốn bảo vệ. Họ nêu lợi ích cho mình chứ không có lợi cho đất nước, tuy nhiên, đã đến lúc phải dẹp lợi ích các bên, và đặt lợi ích quốc gia là tối thượng. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Những hiện tượng quy hoạch “chiều lòng đại gia”, vẽ vội để phục vụ DN thân hữu đang để lại nhiều ý kiến trong dư luận, xã hội, những cảm nhận đó trong nhiều trường hợp là khá rõ”.

Đại diện Bộ KH&ĐT cũng khẳng định Bộ không có DN “sân sau” để trả cho chuyên gia để nói trái lại với khoa học khách quan. “Chúng tôi không đủ tiền để mua chuộc các chuyên gia này!”- Thứ trưởng Đông khẳng định. Thứ trưởng cho biết, việc lập quy hoạch, thẩm định, quản lý quy hoạch theo Luật mới này là việc chung, không của riêng của Bộ nào.

“Do vậy, không có quyền lực thuộc về một phía trong giai đoạn tới, mà quyền lực cao nhất là Quốc hội, sau đó là Chính phủ. Sẽ không có tình trạng Bộ nào đứng lên nói tôi là chủ trì. Tất cả sẽ bình đẳng với nhau trước khoa học khách quan, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Luật mới này không thuộc quyền lực của bất cứ bộ nào!..”- Thứ trưởng khẳng định.

Đọc thêm