Rà soát đưa vào diện quản lý thuế các nguồn thu tiềm năng

(PLO) - Thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, các ngành nghề mới phát sinh… sẽ là những lĩnh vực  mà ngành thuế rà soát đánh giá để tham mưu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp để đưa vào diện quản lý thuế từ năm 2019.
Năm 2018, qua kiểm tra, rà soát, Cục Thuế TPHCM đã tìm được cá nhân nhận tiền tỉ từ Google, Facebook hay YouTube nhưng không nộp thuế. Ảnh minh họa
Năm 2018, qua kiểm tra, rà soát, Cục Thuế TPHCM đã tìm được cá nhân nhận tiền tỉ từ Google, Facebook hay YouTube nhưng không nộp thuế. Ảnh minh họa

Có kinh doanh là phải nộp thuế

Phát biểu tại Hội nghị ngành thuế hôm 10/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lưu ý ngành này phải nhanh chóng xây dựng triển khai đề án mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn về thuế. “Chúng ta cải cách thuế không phải tăng tỷ lệ huy động, tăng thuế suất, mà phải đảm bảo nguyên tắc có kinh doanh là phải nộp thuế..”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng thừa nhận ở một số lĩnh vực  như chuyển nhượng vốn, bất động sản, thương mại điện tử... giải pháp chống thất thu chưa thực sự hiệu quả. Ngành Thuế cũng đặt ra nhiệm vụ trong năm 2019 là hoàn thiện Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu Ngân sách Nhà nước báo cáo Chính phủ và triển khai thực hiện ngay trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp để đôn đốc thu kịp thời những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, các ngành nghề phát sinh mới…

Được biết, hiện các Cục thuế lớn như Hà Nội và TP HCM  đã rà soát các đối tượng này, dựa trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để thông báo cho các tổ chức, cá nhân có kinh doanh để đăng ký thuế, nhưng trên thực tế, số người tự nguyện đăng ký, kê khai rất nhỏ. Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Bùi Văn Nam cho biết, đây là việc không đơn giản. “Nhờ có báo chí mà trong thời gian qua ngành Thuế đã thu được đối với một số trường hợp.”, ông Nam cho hay và thừa nhận đây không phải là giải pháp căn cơ…

Cách nào?

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) trong năm 2018, sau quá trình kiểm tra, soát lại, Cục Thuế TPHCM đã tìm được cá nhân nhận tiền tỉ từ Google, Facebook hay YouTube nhưng không nộp thuế. Người này tạm trú ở TP.HCM nhưng hộ khẩu ở Quảng Nam, do đó Cục Thuế của hai tỉnh đã phối hợp để truy thu khoản tiền thuế hàng chục tỷ đồng… 

Bà Cúc cho rằng, cơ quan thuế cần phải xác định được trên cả nước hiện có bao nhiêu tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh online thông qua các trang mạng xã hội, kể cả chương trình quảng cáo trên truyền hình. “Tôi cho rằng rà soát lại tất cả trên phạm vi toàn quốc, chứ không chỉ làm điểm. Chúng ta phải làm thế nào để việc đăng ký, kê khai thuế là bắt buộc, đã kinh doanh là phải đăng ký và nộp thuế. Nếu không đăng ký mà có kinh doanh sẽ bị phạt, còn nếu đăng ký mà chưa đến mức nộp thuế, như doanh thu chưa đến 100 triệu/năm thì sẽ được miễn thuế. Sau khi rà soát, cơ quan thuế sẽ ra thông báo các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên Facebook, hay các trang mạng điện tử phải bổ sung vào doanh thu. Nếu không đăng ký thuế thì sẽ bị xử phạt. Làm như vậy sẽ giúp cho ý thức của người nộp thuế đi vào nề nếp”, bà Cúc đề xuất.

Ngoài ra, Chủ tịch VTCA cũng cho rằng, doanh thu bằng tiền mặt thông qua  hoạt động bán hàng là không lớn, đó là chưa kể việc xác định doanh thu thông qua các giao dịch về tiền mặt là rất khó. Do đó, cơ quan thuế cần tập trung, quan tâm đến các giao dịch qua ngân hàng. Các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế, khi cơ quan thuế yêu cầu.

“Khi nắm được luồng tiền, luồng hàng thì cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu, thu nhập của cá nhân từ hoạt động bán hàng online, còn nếu không kiểm soát được sẽ không thu được thuế, như vậy sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa người kinh doanh truyền thống, chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế với người kinh doanh qua mạng”, lời bà Cúc. 

Một số vụ giấu doanh thu qua Facebook điển hình

Cục Thuế TPHCM  đã ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng (trong đó gần 3 tỷ là truy thu, còn lại là tiền phạt và tiền chậm nộp) với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng từ kinh doanh trên mạng trong 2 năm 2016 - 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế. Người này viết chương trình trò chơi có lượt tải rất nhiều trên kênh Youtube, Facebook, Google và đã chạy quảng cáo trên các chương trình này, được trả 41 tỷ đồng. 

Một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua Facebook cũng đã bị Cục Thuế TPHCM truy thu 9,1 tỷ đồng của. Theo xác minh, tài khoản ngân hàng của người này có doanh thu trong 2 năm gần 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ khi hồ sơ chuyển qua Công an để điều tra, cá nhân này mới thừa nhận toàn bộ số tiền trên có được là nhờ bán hàng qua Facebook và đồng ý kê khai thuế.

Mới đây, Cục Thuế TPHCM đã chuyển hồ sơ của cá nhân tạm trú ở TPHCM về tỉnh Quảng Nam để truy thu thuế. Người này đã nhận 17 tỷ đồng từ quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube.

Đọc thêm