Rà soát pháp luật kinh doanh: Cải cách thể chế phải như quản lý bể bơi!

(PLVN) - Đó là cách mà Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), ông Phan Đức Hiểu ví von khi cho rằng chúng ta vẫn bị động khi cải cách thể chế vì “bao giờ cũng phải làm sạch hiện tại, lọc nước và luôn có người chỉ để gác bể bơi…”.
VCCI công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020.
VCCI công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020.

Tín hiệu mừng khi Thông tư đã ít hơn

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy trong năm 2020, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó.

Theo Cơ sở dữ liệu về VBQPPL trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trong năm 2020, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 546 VBQPPL (17 Luật của Quốc hội, 158 nghị định của Chính phủ; 39 quyết định của Thủ tướng; 310 Thông tư của các Bộ trưởng…). 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, so với các năm trước thì số lượng luật, Nghị định và Quyết định của Thủ tướng không có thay đổi lớn nhưng số Thông tư thì giảm mạnh (năm 2019 có 467 thông tư, năm 2018 có 643 Thông tư, năm 2017 có 556 thông tư).

Trong 17 bộ thường xuyên có văn bản liên quan đến doanh nghiệp (DN) được thống kê thì có 15 bộ có số Thông tư giảm so với năm 2019 (hai bộ có số Thông tư tăng là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, có thể có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng giảm số lượng văn bản, đặc biệt là Thông tư. Tuy nhiên đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy DN được giảm gánh nặng khi phải thực thi văn bản cấp bộ. vì “tốt nhất là thực thi theo Luật, hoặc cùng lắm là Nghị định của Chính phủ. Thông tư do các Bộ ban hành không tránh khỏi việc gắn những quy định chủ quan gây khó cho DN…”.

Không nên làm luật chỉ vì mục đích quản lý

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, Giám đốc Trung tâm hòa giải tranh chấp thương mại (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam), không có căn cứ cho rằng Thông tư ít đi là tốt bởi có những lĩnh vực vẫn cần phải ban hành Thông tư mới thực hiện được.

Vấn đề vướng mắc hiện nay là pháp luật chồng chéo đã không thấy Báo cáo đề cập đến. Chồng chéo phát luật khiến cho các cơ quan nhà nước tê liệt, và nếu công chức muốn nhũng nhiễu là rất dễ bởi “khi anh thuận anh thấy lợi thì cho nó là đúng, khi muốn gây khó dễ thì đưa ra điều luật khác cho nó khó khăn...”.

Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiểu thì trăn trở “để gỡ vướng Luật Đất đai phải mất ít nhất 4 năm nữa. Vậy trong 4 năm đó DN sẽ như thế nào?

“Đây là vấn đề rất lớn! Cần có giải pháp từ quy trình làm luật để dòng chảy pháp luật tương thích, hỗ trợ dòng chảy cuộc sống!”- TS Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị.

Theo ông Dũng, cần phải thay đổi tư duy làm luật, không nên làm luật chỉ vì mục đích quản lý của mình mà phải làm luật để xử lý các vấn đề của cuộc sống, ách tắc ở đâu thì phải xử lý ở đó…

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng “Dòng chảy pháp luật không thể chảy ra biển, mà là thành nước sinh hoạt... Từ năm 2004 đến nay chúng ta cải cách thể chế thường xuyên hơn. Đặc biệt, 6 năm liền Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 (nay là Nghị quyết 01). 

“Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là cải cách thể chế của chúng ta luôn phụ thuộc yếu tố bên ngoài, cơ chế bên ngoài. Nhiệm vụ cải cách thể chế như quản lý một bể bơi. Bao giờ cũng phải làm sạch hiện tại, lọc nước và luôn có người chỉ để gác bể bơi …”- Ông Hiểu phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, có những điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, nhưng lại có những quy định  tương tự được ban hành… Do đó, để cải cách thể chế thường xuyên, nhanh và hiệu quả thì luôn phải có một cơ chế bổ sung. Nó không phải là cơ chế tự thân, mà phải có cơ quan giám sát thể chế và xác định nhiệm vụ trọng tâm cho nói. Đó là cái mà Việt Nam đang rất cần hiện nay…

Đọc thêm